1 tháng sau vụ kiện Biển Đông: Nhìn lại động thái của TQ
Càng lớn tiếng bao nhiêu trên mặt trận tuyên truyền, Trung Quốc càng tự cô lập mình trong một thế giới tôn trọng luật pháp quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn kêu gọi "chiến tranh nhân dân trên biển".
Ngày 12.7, Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) có trụ sở ở The Hague, Hà Lan ra phán quyết bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử” đối với đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vạch ra để rêu rao về chủ quyền ở Biển Đông. Phán quyết có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Biển Đông căng thẳng và Trung Quốc thường xuyên hành động không theo luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh có thái độ ngang ngược và bất chấp quyết định của tòa án. Ngay khi phán quyết đưa ra, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lớn tiếng tuyên bố “phán quyết là vô hiệu”. Tờ China Daily trong bài xã luận đăng ngày 13.7 ngạo mạn nói rằng “phán quyết chỉ là tờ giấy vô giá trị vì thực hiện âm mưu chính trị”.
Cũng trong ngày 13.7, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân mạnh miệng tuyên bố nước này “có quyền thiết lập vùng nhận diện phòng không ADIZ ở Biển Đông”, BBC đưa tin. Ngày 18.7, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi ngang ngược nói rằng Bắc Kinh sẽ không ngừng việc xây dựng trái phép trên các đảo ở Biển Đông
Báo chí Trung Quốc phản ứng dữ dội sau phán quyết vụ kiện Biển Đông hôm 12.7.
Ngay sau phát ngôn hiếu chiến, Trung Quốc tuyên bố đóng cửa một phần Biển Đông từ ngày 18 đến 25.7 để tập trận trên biển. Nhiều tàu chiến độ giãn nước trên 3.000 tấn đã được hải quân nước này rầm rộ mang tới Biển Đông. Theo một tuyên bố của Trung Quốc, trong tháng 9 tới đây, nước này cũng sẽ có cuộc tập trận chung với Nga, gây quan ngại ở Biển Đông.
Ngày 2.8, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn bất ngờ kêu gọi chuẩn bị cho "chiến tranh nhân dân trên biển" để đối phó với những mối đe dọa an ninh ngoài khơi và bảo vệ cái gọi là chủ quyền (phi lý) mà nước này tuyên bố ở Biển Đông.
Trái với phát ngôn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “không quân sự hóa ở Biển Đông”, tại các đảo nhân tạo bồi lấp trái phép, Bắc Kinh liên tục xây dựng các kho chứa máy bay. Ảnh chụp vệ tinh từ quỹ CSIS cho thấy ít nhất 24 kho chứa chiến đấu cơ được xây dựng trái phép trên các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 11.8, Trung Quốc tuyên bố lắp tên lửa tầm trung đất đối không HHQ-16 với phạm vi 19 hải lý và tốc độ tối đa 3.457 km/giờ lên tàu khu trục lớp Lữ Hải duy nhất của nước này.
Ảnh vệ tinh của CSIS cho thấy Trung Quốc đang tăng cường xây dựng kho chứa máy bay.
Bên cạnh những phát ngôn hung hăng và hành vi ngang ngược, Trung Quốc cũng đang tìm mọi cách tuyên truyền xuyên tạc. Trung Quốc đã thuê biển quảng cáo ở quảng trường Thời Đại từ ngày 23.7 đến 3.8 với giá 8 tỉ đồng/tháng để phát đi những nội dung rao giảng xuyên tạc cũ rích về Biển Đông.
Những câu nói “Biển Đông là lãnh thổ từ lâu đời của Trung Quốc” liên tục được phát tổng cộng 120 lần ở thành phố New York với hi vọng nhỏ nhoi những người xem quảng cáo sẽ tiếp thu phần nào quan điểm lệch lạc này.
Tất cả thông tin đưa ra đều nhằm mục tiêu duy nhất là đánh lạc hướng dư luận về sự thật không thể thay đổi mà tòa án PCA đã công bố.
Tên lửa phòng không HQ-9 từng được cho là xuất hiện ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam.
Chính quyền Bắc Kinh còn tung loạt trang web với nội dung xuyên tạc về cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông”, đồng thời chặn mọi trang web để người dân tiếp cận nội dung phán quyết của tòa PCA hay những bài báo phương Tây có nội dung ủng hộ chân lý vụ kiện.
Tại đại lục, các hoạt động của những người nhân danh lòng yêu nước cũng xuất hiện dày đặc. Tiêu biểu như thành phố Hà Bắc, hơn 3.000 người giơ băng rôn với dòng chữ “Ăn KFC là nỗi nhục với tổ tiên”. Những người này cũng yêu cầu tẩy chay hàng hóa Mỹ như KFC, McDonalds hay iPhone.
Ngày 25.7, hơn 4.000 người có mặt rầm rộ trước một cửa hàng iPhone mới khai trương để phản đối hàng Mỹ, vì cho rằng Mỹ tác động đến phán quyết của CPA. Tuy nhiên, điều trớ trêu đây lại là một cửa hàng nhái và không nằm trong hệ thống ủy quyền của Apple.
Trên mạng xã hội Weibo, nhiều lời kêu gọi người dân không mua các sản phẩm từ Philippines cũng xuất hiện tràn lan. Báo Straits Times đưa tin người Trung Quốc lên mạng rêu rao “Nếu bạn muốn ăn xoài, hãy ăn đồ của Thái Lan”, hay “Hãy để người Philippines phải chết đói”. Một số phần tử quá khích còn yêu cầu không mua chuối của Philippines để quốc gia Đông Nam Á này “ngập trong mùi xú uế của chuối thối”.
Dân Trung Quốc biểu tình phản đối KFC ở Hà Bắc.
Ngày 8.8, trong khi cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos đang ở Hong Kong, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này chào đón ông Ramos đến thăm như một đặc phái viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, và tỏ ý muốn đối thoại với Philippines nhằm cải thiện quan hệ song phương. Nhưng ngày 11.8, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật biển quốc tế một cách vô điều kiện”.
Có thể thấy, Trung Quốc càng hung hăng bao nhiêu trên mặt trận văn hóa - tuyên truyền thì càng thể hiện chính quyền Bắc Kinh đang ở tình thế yếu kém trong việc dập tắt những luồng quan điểm ngày một mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Bất chấp động thái ngang ngược của Trung Quốc, các nước như Mỹ, Nhật Bản và Úc tuyên bố tôn trọng phán quyết của tòa án quốc tế và ủng hộ Philippines.