Vì sao Nga, Ukraine chưa muốn chấm dứt xung đột?
Hàng nghìn binh sĩ thiệt mạng, hàng tỷ USD bị lãng phí và những thành phố bị bắn phá không ngừng, hơn 4 tháng trôi qua, cả Nga và Ukraine dường như chưa thực sự nghĩ đến việc chấm dứt xung đột.
Pháo binh trút hỏa lực ở chiến trường Donbass (ảnh: Aljazeera)
Sau khi chuyển trọng tâm chiến dịch quân sự sang miền đông Ukraine, quân đội Nga đạt được nhiều bước tiến quan trọng và có thể sắp kiểm soát hoàn toàn Lugansk. Ở Donetsk, quân đội Nga cũng liên tục tấn công, phóng tên lửa vào các mục tiêu quân sự.
Hôm 29.6, Tổng thống Nga Putin tuyên bố “không có lợi ích gì trong việc ấn định ngày kết thúc” chiến dịch quân sự đặc biệt. Ông Putin cũng nhấn mạnh, mục tiêu “giải phóng” toàn bộ Donbass của quân đội Nga vẫn không thay đổi.
“Trong giai đoạn mới của cuộc xung đột, Nga đã quyết định tiến chậm và nhưng chắc”, Konstantinos Loukopoulos – cựu trung tướng Hy Lạp, từng có thời gian chỉ huy lực lượng NATO – nhận xét.
“Cuộc chiến này chỉ có thể kết thúc nếu một bên giành chiến thắng quyết định trên thực địa và sau đó là trên bàn đàm phán. Hoặc, cả 2 bên đều muốn ngừng chiến và thỏa hiệp. Tôi nghĩ rằng, thời điểm xung đột kết thúc sẽ không còn xa”, ông Loukopoulos nói.
Tuy nhiên, tình hình hiện tại cho thấy xung đột ở Ukraine sẽ tiếp tục kéo dài. Phát biểu trong hội nghị NATO hôm 29.6, Tổng thống Ukraine Zelensky cho hay, Kiev chưa muốn đàm phán với Nga.
Trước đó, trong bài phát biểu trước các nghị sĩ Luxembourg hôm 2.6, ông Zelensky nói Ukraine đã mất 1/5 lãnh thổ vào tay Nga.
Jamie Shea – giáo sư nghiên cứu chiến lược và an ninh toàn cầu tại Đại học Exeter (Anh) – cho rằng, vì nhiều lý do khác nhau, cả Nga và Ukraine đều chưa mong muốn sẽ là bên đầu tiên kêu gọi thỏa hiệp nhằm chấm dứt xung đột.
“Nga tin rằng họ đang có lợi thế và họ muốn kiểm soát toàn bộ Donbass trước khi tính toán bước tiếp theo”, ông Jamie Shea nhận định.
“Ukraine cũng chưa muốn dừng lại ở thời điểm này vì điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ mất 1/5 lãnh thổ, bao gồm các cảng ở Biển Đen và những khu công nghiệp quan trọng. Nếu không thu hồi được những khu vực đang bị Nga kiểm soát, trong tương lai, Ukraine có thể nghèo hơn. Hơn nữa, kịch bản này không thỏa mãn ông Zelensky. Ông ấy không muốn bị biến thành Tổng thống thua trận”, ông Shea nói.
“Ukraine cũng hy vọng về những vũ khí mà phương Tây, đặc biệt là do Mỹ viện trợ có thể giúp họ lật ngược tình thế và tái kiểm soát thêm một số khu vực”, ông Shea nói thêm.
Xe chở pháo của quân đội Ukraine (ảnh: Aljazeera
Theo ông Shea, hiện tại, sự ủng hộ mà phương Tây dành cho Ukraine vẫn còn mạnh mẽ. EU khó có thể “làm ngơ” với Ukraine – quốc gia vừa được trao tư cách ứng viên gia nhập EU. NATO cũng vừa tổ chức hội nghị thượng đỉnh và tuyên bố Nga là “đối thủ trực tiếp” của khối.
Tuy nhiên, nếu xung đột kéo dài, sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine có thể giảm sút.
“Cả Ukraine, phương Tây và Nga đều không sẵn sàng cho một cuộc chiến kéo dài hàng năm trời”, cựu trung tướng Loukopoulos nhận định.
“Một hiệp định đình chiến như ở bán đảo Triều Tiên năm 1953 là điều có thể xảy ra ở Ukraine. Đường ranh giới và khu phi quân sự được thành lập. Đó là cách cuộc chiến này tạm kết thúc”, ông Loukopoulos nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Giới chức Mykolaiv (thành phố cảng miền nam Ukraine) cho hay, hàng loạt các vụ nổ lớn xảy ra trong thành phố khiến nhiều người thương vong.