Tiểu học Đông Hòa B: Nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú với Dự án Bữa ăn học đường
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ, nhất là trẻ ở lứa tuổi tiểu học – giai đoạn tích lũy dưỡng chất cho sự phát triển ở tuổi dậy thì. Tuy vậy, hầu hết các trường bán trú tại Việt Nam vẫn chưa được trang bị đội ngũ cán bộ dinh dưỡng có chuyên môn dinh dưỡng cũng như kinh nghiệm trong xây dựng thực đơn.
Các em học sinh ở lứa tuổi tiểu học cần đảm bảo cung cấp đầ đủ dinh dưỡng và năng lượng cho hoạt động học tập và vui chơi hàng ngày.
Trước những khó khăn này, Dự án Bữa ăn học đường với Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng là công cụ hỗ trợ nhà trường thực hiện tốt công tác bán trú. Dự án dó Công ty Ajinomoto khởi xướng phát triển từ năm 2012 với sự hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ từ các cơ quan chuyên môn đầu ngành, như Viện Dinh dưỡng quốc gia – Bộ Y tế và Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Dự án đã và đang triển khai áp dụng ở hơn 3.100 trường tiểu học ở tại 50 tỉnh thành toàn quốc và gặt hái những kết quả khả quan. Tại Bình Dương, trường tiểu học Đông Hòa B là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác triển khai, áp dụng Dự án.
Xây dựng lộ trình triển khai phù hợp
Sau Hội nghị triển khai Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng vào 6/2017, lãnh đạo trường tiểu học Đông Hòa B đã phổ biến những thông tin này đến toàn thể cán bộ, nhân viên, giáo viên nhà trường, sau đó là lập kế hoạch triển khai Dự án phù hợp với tình hình thực tế của trường.
Nhân viên tổ bếp trường Tiểu học Đông Hòa B chuẩn bị bữa ăn theo Phần mền Xây dựng Thực đơn Cân bằng Dinh dưỡng
Theo Cô Lê Thị Nga – Phó Hiệu trưởng nhà trường, ngay từ tháng đầu tiên nhà trường đã triển khai áp dụng thực đơn mới với tần suất một ngày trên tuần, sau đó là hai ngày và đến tháng thứ tư thì thực đơn thực hiện là năm ngày trong tuần. Với lộ trình vừa phải như thế này thì các em có thể làm quen với các món ăn mới, đồng thời bộ phận phụ trách bán trú cũng có thể sắp xếp công việc phù hợp.
Song song đó, ban lãnh đạo nhà trường chủ động giới thiệu việc áp dụng Dự án tới phụ huynh học sinh thông qua các buổi họp thường niên và kênh thông tin chính thức của trường. Ngoài ra, nhà trường còn tăng cường kết nối với phụ huynh thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo,… để phụ huynh tiện theo dõi hoạt động của Dự án tại nhà trường.
Nhờ có áp phích “3 phút thay đổi nhận thức”, các thầy cô dễ dàng truyền tải những kiến thức dinh dưỡng đến các em học sinh.
Bên cạnh áp dụng thực đơn cân bằng dinh dưỡng từ Phần mềm của Dự án, nhà trường cũng triển khai áp phích “3 phút thay đổi nhận thức” nhằm giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho các em học sinh. Ngoài 3 phút trước mỗi giờ ăn, nhà trường cũng chủ động in và treo các áp phích “3 phút thay đổi nhận thức” khổ lớn dọc hành lang và nhà ăn để kiến thức dinh dưỡng gần gũi hơn với các em, từ đó hình thành cho các em thói quen ăn uống khoa học, lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất.
Chị Hoài - phụ huynh học sinh cũng cho hay: “Từ lúc mà nhà trường chia sẻ Dự án Bữa ăn học đường, tôi rất bất ngờ vì về nhà bé ăn rất nhiều rau, và bé muốn mẹ nấu những món ăn nhiều rau giống như ở trường”.
Hoàn thiện và nâng cao quá trình triển khai Dự án tại nhà trường
Để áp dụng hiệu quả những nội dung của Dự án, nhà trường cũng được Ban Quản lý Dự án – Công ty Ajinomoto Việt Nam hỗ trợ và giải đáp thắc mắc. Ban Giám hiệu nhà trường cũng tiếp thu ý kiến của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh để hoàn thiện công tác triển khai Dự án. Cụ thể, nhà trường phát động phong trào “Điều em muốn nói” để chủ động lắng nghe nguyện vọng của các em học sinh – đối tượng trực tiếp thụ hưởng những lợi ích của Dự án để từ đó điều chỉnh thực đơn phù hợp với sở thích của các em nhưng vẫn đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.
Thông tin Dự án Bữa ăn học đường: Dự án Bữa ăn học đường do Công ty Ajinomoto Việt Nam khởi xướng, đầu tư và phát triển từ năm 2012, gồm 3 nội dung trọng tâm: Phần mềm Xây dựng Thực đơn Cân bằng Dinh dưỡng, áp phích minh họa “3 phút thay đổi nhận thức” và mô hình “Bếp ăn mẫu bán trú”. Hiện tại, Dự án đã xây dựng thành công và đưa vào hoạt động 2 mô hình bếp mẫu tại trường Tiểu học Trưng Trắc, Quận 11, TP. HCM (từ năm 2014) và trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, Thành phố Lạng Sơn (từ tháng 05.2018). Đây là mô hình bếp ăn một chiều chuẩn Nhật, được thiết kế, trang bị hiện đại, giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực, đồng thời đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài phục vụ tốt công tác bán trú, hai mô hình bếp mẫu còn là nơi để các trường tiểu học và đơn vị trên cả nước đến tham quan, học tập, từ đó áp dụng phù hợp với thực tế từng địa phương. |