Ngành Luật có đang “khát” nhân sự?
Sinh viên tốt nghiệp luôn đi kèm nỗi trăn trở tìm việc làm. Học ngành gì để ra trường dễ xin việc luôn là vấn đề khiến các bậc phụ huynh và chính bản thân người trong cuộc là các em học sinh quan tâm khi chọn trường, chọn nghề.
Nhiều năm trước, Luật vẫn được cho là một trong những ngành khó xin việc đối với sinh viên vừa “chân ướt chân ráo” bước ra khỏi cánh cổng trường đại học. Người ta thường nghĩ đến học Luật để làm luật sư hay công tác trong các đơn vị hành chính công, các tổ chức của Nhà nước.
Song hiện nay, khi nền kinh tế phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, con người sống, làm việc, lao động và kinh doanh theo tôn chỉ của pháp luật thì nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân về nhân sự ngành luật ngày càng tăng cao.
Khát nhân sự ngành Luật
Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, từ năm 2017 đến năm 2020, tính riêng các chức danh tư pháp, Việt Nam cần tới hơn 20.000 nhân sự, trong đó cần thêm 13.000 luật sư, 2.300 thẩm phán, 2000 công chứng viên, 3000 chấp hành viên và hàng trăm thẩm tra viên. Những năm sau, nhu cầu nhân sự trong ngành Luật sẽ còn tiếp tục tăng cao.
Sinh viên ra trường không bị giới hạn làm việc tại các doanh nghiệp trong nước mà còn có cơ hội làm việc cho những doanh nghiệp nước ngoài có trụ sở ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Đánh giá về tương lai cơ hội việc làm rộng mở cho sinh viên ngành Luật, PGS.TS Đoàn Đức Lương – Hiệu trưởng Đại học Luật, Đại học Huế cho biết: “Để hội nhập, vai trò của đội ngũ nhân sự Luật chất lượng – tinh thông về nghề nghiệp, chuyên nghiệp về tác phong, chuẩn mực đạo đức là nền tảng không thể thiếu để giữ vững chủ quyền quốc gia, xây dựng khung pháp lý hoàn thiện trên các lĩnh vực để tự tin bước vào các sân chơi lớn như WTO, AEC…”.
PGS.TS Đoàn Đức Lương cùng các cử nhân Đại học Luật Huế
Sự phát triển của làn sóng khởi nghiệp đặt ra nhu cầu cấp thiết về đội ngũ pháp chế cho các startup. Các startup cần nguồn nhân lực pháp chế am hiểu, tinh thông pháp luật để đảm bảo hoạt động xin giấy phép, giải quyết các vấn đề sở hữu trí tuệ, chính sách đầu tư của công ty hoạt động hiệu quả và trơn tru.
Lời giải cho bài toán nhân sự chất lượng cao
Cơ hội nghề nghiệp lớn đồng nghĩa với việc nhân lực ngành Luật phải được chuẩn bị kỹ càng, đào tạo chuyên sâu, sẵn sàng trước nhu cầu khắt khe của các nhà tuyển dụng. Để đáp ứng nhu cầu về nhân lực chất lượng cao, chương trình liên kết đào tạo với các cơ quan, doanh nghiệp đang được các trường đại học đào tạo ngành Luật chú trọng. Đây là sự kết nối quan hệ cung – cầu nhằm khắc phục một nghịch lý đang tồn tại giữa giáo dục đại học và nhu cầu thực tế tại doanh nghiệp.
“Hiện nay, các trường đào tạo Luật đã tích cực kết nối với các đơn vị hoạt động về Luật. Ngoài các kênh quan hệ truyền thống trước đây với cơ quan nhà nước, việc kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân giúp mở ra các kênh đa dạng cho sinh viên tiếp cận với môi trường thực tiễn, giao lưu học hỏi và tạo các mối quan hệ để tăng thêm cơ hội nghề nghiệp. Sinh viên chịu khó lăn lộn vào thực tiễn sớm thì tương lai làm nghề sẽ dễ dàng hơn”, Luật sư Lê Cao – Giám đốc Công ty Luật Hợp danh FDVN, đơn vị có mối liên kết đào tạo với Đại học Luật, Đại học Huế chia sẻ.
Sinh viên cũng có thể nhân các đợt thực tập để tạo lập các mối quan hệ xã hội, từ đó tăng cơ hội tìm việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo, có thể là công việc ở chính đơn vị thực tập.
Huỳnh Ngọc Đăng Thái – cựu sinh viên ngành Luật khóa K37 Đại học Luật, Đại học Huế cho biết: “Mình được trường giúp kết nối để thực tập tại một doanh nghiệp Luật. Ở đó mình có môi trường để rèn luyện cả kiến thức chuyên môn lẫn thực tiễn nghề nghiệp. Hoàn thành tốt chương trình thực tập, mình được nhận làm nhân viên chính thức của doanh nghiệp đó ngay sau khi ra trường.”.
Với nhà trường, liên kết là nền tảng để nắm bắt các yêu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp đối với sinh viên, từ đó có sự điều chỉnh hoạt động đào tạo theo hướng phục vụ người học, đào tạo gắn liền với yêu cầu thực tiễn.
“Khi chọn học Luật, mình chưa có định hướng về công việc cụ thể. Đến đợt thực tập năm thứ 3, mình có cơ hội thực tập ở Sở Kế hoạch và Đầu tư, rồi thấy công việc đó hợp, mình sử dụng được rất nhiều kiến thức cả lý thuyết lẫn thực tiễn về Luật doanh nghiệp được học ở trường nên sau khi tốt nghiệp mình quyết định gắn bó. Hiện tại mình đang làm việc tại Phòng đăng ký kinh doanh của Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế”, Phạm Thị Lệ Xuân, sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học Luật, Đại học Huế chia sẻ.
Sinh viên Đại học Luật Huế trong lễ tốt nghiệp Đại học
Cơ hội và điều kiện trong ngành Luật đã sẵn có, sự thành công chỉ còn tùy thuộc vào khả năng nắm bắt cũng như sự kiên trì, nỗ lực của từng sinh viên.
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT, ĐẠI HỌC HUẾ (HUL) TUYỂN SINH 2019 Năm 2019, HUL tuyển sinh 1100 chỉ tiêu đại học hệ chính quy. Mã trường: DHA Chỉ tiêu tuyển sinh: - Ngành Luật: 650 chỉ tiêu - Ngành Luật Kinh tế: 450 chỉ tiêu LIÊN HỆ TƯ VẤN VĂN PHÒNG TUYỂN SINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT, ĐẠI HỌC HUẾ Địa chỉ: Đường Võ Văn Kiệt, phường An Tây, TP. Huế Hotline: 0234.394.6997 Website: http://tuyensinh.hul.hueuni.edu.vn/ Fanpage: Đại học Luật Huế - https://www.facebook.com/hul.edu.vn/ Email: tuyensinh@hul.edu.vn |