Học thêm mùa dịch: Học để tiếp thu kiến thức hay chỉ để đối phó?
Dịch bệnh kéo dài khiến học sinh không thể đến trường và phải học trực tuyến nhiều tháng liên tiếp. Việc học thêm ngoài giờ để đảm bảo kiến thức là mối quan tâm lớn nhất của học sinh và cả phụ huynh trong thời điểm này.
Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 ở nước ta ngày càng phức tạp và căng thẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh công tác phòng chống dịch bệnh trong toàn xã hội, nền Giáo dục được coi là mối quan tâm sâu sắc không chỉ của Đảng bộ, chính quyền các cấp mà còn của mọi người dân Việt Nam. Bởi dịch COVID-19 đã và đang tác động trực tiếp đến tương lai của những “búp măng non” - đó là thế hệ trẻ đang ngày đêm học tập và rèn luyện để dựng xây, phát triển đất nước.
Năm học 2021-2022 là năm học toàn ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, bảo đảm an toàn trường học; vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.
Đối với các em học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp, học trực tuyến đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc ôn thi của các em. Mặc dù thời lượng học trên lớp đã được kéo dài hơn so với học trực tiếp, các thầy cô cũng đã cố gắng để thay đổi phương pháp dạy học, tuy nhiên điều này vẫn chưa thực sự đảm bảo rằng các em sẽ nắm rõ toàn bộ kiến thức. Với tâm lý “giấu dốt”, ngại trao đổi với giáo viên của các em, nhiều bậc phụ huynh đã lựa chọn cho con em mình việc học thêm ở ngoài, vừa để các em có cơ hội ôn tập lại kiến thức, dễ dàng trao đổi với giáo viên hơn, vừa để đảm bảo kết quả tốt nhất trong kỳ thi chuyển cấp quan trọng.
Hình ảnh các em học sinh lớp 12 đang tiến hành làm bài kiểm tra tại một Trung tâm Tiếng Anh qua nền tảng học trực tuyến Zoom (Ảnh: NVCC)
Từ góc nhìn của một học sinh, em Nguyễn Hoàng Nam (Lớp 12A1 - Trường THPT Văn Hiến) chia sẻ rằng việc học trực tuyến trong thời gian dài đã làm ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh bởi tâm trạng chán nản và không có sự tập trung khi học. “Trước đây, em là người khá lười học và không thể tập trung, hay bị xao nhãng khi ngồi học. Vào đầu năm ngoái, khi dịch bệnh mới bùng phát và việc học tập phải chuyển sang nền tảng trực tuyến, thì em mới là học sinh lớp 10, vừa phải trải qua kì thi chuyển cấp nên lúc đó em có tư tưởng “chơi trước học sau”. Thú thật là điều đó còn tiếp diễn suốt năm học vừa rồi nên ở thời điểm hiện tại, em đã lỡ rất nhiều phần kiến thức quan trọng có liên quan đến chương trình học lớp 12”, Nam nói.
Nam chia sẻ thêm về những cảm nhận của em về lớp học thêm. “Vì bài giảng ở lớp học thêm không bị gò bó theo khung chương trình nên em thấy kiến thức được dạy bao hàm và khái quát hơn học ở trên lớp. Hơn nữa, một tiết học ở trên lớp chỉ kéo dài 45 – 60 phút, khá ít thời gian để vừa học bài mới, vừa ôn luyện lại. Đặc biệt dịch bệnh khiến bọn em phải học online nên rất khó để tập trung. Còn ở lớp học thêm bọn em được học từ 90 – 120 phút một buổi, đủ để tiếp thu và ghi nhớ kiến thức mới. Bên cạnh đó, ngoài giáo viên dạy chính thì còn có các anh chị trợ giảng rất sát sao học sinh trong các buổi học, nên nếu có chỗ nào còn chưa hiểu mà ngại trực tiếp hỏi thầy cô thì có thể dễ dàng hỏi lại trợ giảng. Và cũng bởi lớp học thêm của em còn có nhiều hoạt động khác như được tham gia workshop miễn phí, tổ chức các cuộc thi… nên em cảm thấy rất hào hứng và thoải mái khi học”.
Cuộc thi vẽ sơ đồ tư duy (Ảnh: NVCC)
Workshop “Covy Era” do Trung tâm Anh Ngữ Kim Ngân tổ chức để chia sẻ phương pháp học tập hiệu quả và định hướng học tập cho học sinh 2004 mùa COVID (Ảnh: NVCC)
Việc học thêm bên ngoài mang lại những lợi ích nhất định cho học sinh, song, không thể phủ nhận tầm quan trọng, cần thiết của việc học chính thống trên trường lớp. Để đạt được hiệu quả học tập tốt nhất, học sinh cần phải biết hài hòa thời gian học giữa cả hai bên, không để việc học thêm làm ảnh hưởng đến kết quả trên lớp và ngược lại. Không chỉ vậy, học sinh cũng cần chuẩn bị một tâm lý thoải mái, tập trung cao độ khi bước vào lớp học và tự tạo một mục tiêu, tìm một động lực cho bản thân để cố gắng phấn đấu.
Nguồn: [Link nguồn]