Giúp sinh viên có việc làm trong ngành sữa
Sản xuất và chế biến sữa đang tiếp tục là một trong những ngành công nghiệp dẫn đầu ở Việt Nam với mức tăng trưởng 2 con số hàng năm. Tuy nhiên, tăng trưởng mạnh cũng dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành này khi họ luôn trong tình trạng “khát” nguồn lực lao động kỹ thuật cao.
Theo đánh giá của Euromonitor International, năm 2014 doanh thu ngành sữa Việt Nam đạt 75.000 tỷ đồng, tăng trưởng 20% và năm 2015 ước đạt 92.000 tỷ đồng, tăng trưởng 23%. Trong những năm tới, ngành sữa vẫn có tiềm năng lớn khi nhu cầu tiêu thụ được dự báo tăng trưởng 9%/năm, đạt mức 27-28 lít sữa/người/năm vào năm 2020.
Một trong những yếu tố góp phần quan trọng vào việc tăng tiêu dùng sản phẩm sữa nói riêng và đồ uống nói chung, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, đó chính là nhờ áp dụng công nghệ sản phẩm tiệt trùng UHT và bao bì giấy tiệt trùng 6 lớp. Đây là công nghệ tiên tiến của thế kỷ 20 trong chế biến và bảo quản sữa nước mà nhiều doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Hà Nội milk, Mộc Châu Milk, TH TrueMilk… đánh giá là một bước tiến vượt bậc trong việc tiệt trùng sản phẩm mà vẫn đảm bảo giá trị dinh dưỡng ban đầu. Tuy nhiên, với doanh nghiệp sản xuất chế biến sữa, đầu tư đầy đủ máy móc, công nghệ tiệt trùng đồng bộ, hiện đại thì luôn đi kèm với một nguồn nhân lực chất lượng cao để đảm bảo hoạt động hiệu quả suốt quy trình. Đặc biệt là nguồn nhân lực hiểu biết sâu về công nghệ tiệt trùng UHT.
Ông Nguyễn Long Duy, Chuyên gia Tetra Pak giới thiệu công nghệ chế biến và đóng gói vô trùng với sinh viên
Một doanh nghiệp trong ngành sữa tiết lộ: “Để có thêm nhân lực, chúng tôi bắt buộc phải nhận những người có chút nền tảng cơ bản rồi về mở một khóa đào tạo chuyên sâu lại từ đầu. Và quá trình đào tạo này cũng làm doanh nghiệp gặp không ít phiền hà, rắc rối cũng như tiêu tốn chí phí và thời gian.”
Hiểu được điều này, Tetra Pak, tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ chế biến đã phổ biến công nghệ tiệt trùng UHT thông qua chương trình “Hội thảo và giới thiệu sách về công nghệ chế biến và đóng gói tiệt trùng” tại 17 trường đại học trên có ngành CNTP trên cả nước trong tháng 11 và 12/2015. Theo đó, chương trình sẽ liên tục có mặt tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Đại học Bách khoa TPHCM và Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM với sự tham gia của các sinh viên ngành CNTP tại đây. Đồng thời, Tetra Pak Việt Nam cũng đã dành tặng cuốn sách “Cẩm nang Chất lượng về Xử lý nhiệt và Đóng gói vô trùng, Sản phẩm có hạn dùng dài”, dày 230 trang xuất bản vào Quý III/2015 cho các giảng viên và sinh viên ngành CNTP. Đây là tài liệu hầu hết các nhà sản xuất sữa, sữa đậu nành, nước giải khát, trái cây tại Việt Nam và trên thế giới đang sử dụng.
Chuyên gia tập đoàn Tetra Pak phổ biến công nghệ UHT cho sinh viên CNTP, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng
PGS. TS Đặng Minh Nhật, Chủ nhiệm bộ môn CNTP, Phó Khoa Hóa, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng chia sẻ: “Chương trình “Hội thảo và giới thiệu sách về công nghệ chế biến và đóng gói tiệt trùng” lần này của Tetra Pak bổ ích và có hiệu quả cao đối với sinh viên của chúng tôi. Bởi đây là lần đầu tiên các em được tiếp cận với cách phổ biến công nghệ bài bản, vừa được tặng sách, vừa tham gia hội thảo chia sẻ những thông tin bám sát thực tế về công nghệ tiệt trùng UHT. Cẩm nang “Chất lượng về Xử lý nhiệt và Đóng gói vô trùng, Sản phẩm có hạn dùng dài” có thể coi là tài liệu hiếm có bằng tiếng Việt viết chuyên sâu về công nghệ UHT. Vì thế nó thể giúp sinh viên tiếp cận sâu hơn về công nghệ này và làm các em tự tin hơn vào bản thân khi tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm về công nghệ mới, chuẩn bị hành trang cho tương lai”.
Ông Nguyễn Long Duy, chuyên gia Tư vấn và quản lý chất lượng của tập đoàn Tetra Pak Việt Nam cho biết: “Những vấn đề đặt ra trong các cuộc hội thảo đã giúp chúng tôi nắm được hạn chế kiến thức của sinh viên, từ đó giúp các em hình dung rõ hơn về dây chuyền hoạt động, nguyên lý vận hành, tính năng cũng như những tiện ích của công nghệ tiệt trùng UHT. Từ đây các em có thêm những kiến thức bổ ích. Nếu tiếp tục học hỏi, tôi tin rằng chắc chắn sau khi tốt nghiệp các em sẽ tự tin hơn khi thực hành công việc trong các nhà máy chế biến sữa. Và xa hơn, chính các em sẽ trở thành các chuyên gia công nghệ đóng góp nhiều công sức cho phát triển ngành chế biến sữa và thực phẩm dạng lỏng tại Việt Nam”.