Chuyên gia truyền cảm hứng cho sinh viên ngành Khách sạn - Ẩm thực
Những câu chuyện nghề cùng chia sẻ thiết thực về ngành Khách sạn – Ẩm thực được các chuyên gia hàng đầu chia sẻ tại hội thảo hướng nghiệp trường Quốc tế CHM (CitySmart Hotel Management).
Riêng trong năm 2017, Khách sạn - Ẩm thực đã đóng góp 7% vào tổng GDP quốc gia, xếp vào top những lĩnh vực có nhu cầu nhân sự cao nhất thế giới.
Để các bạn học sinh và phụ huynh có cái nhìn toàn diện hơn, trường Quốc tế CHM đã có buổi gặp gỡ với các chuyên gia:
- Ông Nguyễn Chí Viết, Giám đốc bộ phận tiền sảnh Crowne Plaza Hotel West Hanoi.
- Bà Cao Thị Thu Hiền, Giám đốc bộ phận tiền sảnh khách sạn Melia Hà Nội.
- Ông Trịnh Tuấn Cường, Phó Tổng bếp trưởng khách sạn JW Marriott Hà Nội.
Thưa Ông/Bà, lý do gì đưa Ông/Bà đến ngành nghề này?
Bà Cao Thị Thu Hiền: Tôi bắt đầu làm việc ở khách sạn từ năm 1992, tính tuổi nghề cũng là 26 năm gắn bó. Cá nhân tôi vốn theo học Sư phạm Ngoại ngữ khoa tiếng Nga, sau đó học thêm tiếng Anh văn bằng 2. Ra trường trùng với thời điểm khách sạn Metropole chuyển giao cho Pháp và thông báo tuyển dụng trên diện rộng với người biết ngoại ngữ. Lúc đăng ký tham gia ứng tuyển thì tiếng Anh của tôi chỉ là bằng C, ngồi trước bốn nhà tuyển dụng là người nước ngoài cũng rất run (cười). Sau phỏng vấn, tôi được nhận vào bộ phận lễ tân trong khi chiều cao có 1m50 (cười).
Bà Cao Thị Thu Hiền nhận định: “Khách sạn - Ẩm thực là ngành nghề vào thì dễ mà ra thì khó, nếu đã đam mê, đã gắn bó thì rất khó để có thể bỏ dở giữa chừng”.
Ông Trịnh Tuấn Cường: Tôi bắt đầu đi làm bếp từ năm 1996, ngay sau khi học xong cấp Ba. Nghề Bếp khi ấy vẫn được cho là nghề của phụ nữ và chưa hề phổ biến. Thời điểm tôi đi thực tập trong khách sạn thì hầu như vẫn dùng than củi để nấu ăn.
Khoảng thời gian một năm sau, vô số khách sạn 5 sao được các tập đoàn lớn đầu tư xây dựng quy mô. Môi trường làm việc mới nhiều điều mới mẻ khiến tôi cảm thấy rất thích thú. Trong suốt quá trình làm việc, tôi đã thử sức ở rất nhiều vị trí tại hầu hết các khách sạn 5 sao như Pullman, Sheraton, Metropole, Accor, Sunway … trưởng thành từ vị trí nhân viên lên đến vị trí hiện tại là Phó Tổng bếp trưởng của khách sạn JW Marriott Hanoi.
“Tôi đã làm trong nghề Khách sạn hơn 20 năm. Nếu ban đầu lựa chọn chỉ vì muốn tìm một việc để sống thì bây giờ gắn bó bởi sự thú vị mà ngành này mang lại mỗi ngày” - ông Nguyễn Chí Viết tâm sự.
Nghề nghiệp này có vất vả không thưa Ông/Bà?
Ông Trịnh Tuấn Cường: Nghề đầu bếp so với những ngành nghề khác thì chỉ có vất vả hơn, chứ không hề kém cạnh. Thường xuyên tiếp xúc với lửa, chịu nóng hàng giờ đồng hồ mà không được phép lơ là; làm việc với cường độ cao, áp lực công việc… Nói là thế nhưng không có nghĩa là không thể theo đuổi ngành này. Nghề đầu bếp phân khúc theo từng bếp chuyên sâu, ví dụ như các bạn nữ có thể lựa chọn theo bếp salat, bếp bánh, bếp lạnh; các bạn nam có thể theo bếp Âu, bếp Á… Quan trọng là bạn đam mê với nghề thì những khó khăn mà tôi kể phía trên không là gì cả.
Hơn thế, nếu làm việc trong môi trường 5 sao như JW Marriott – khách sạn tôi đang công tác thì bạn còn được hưởng chế độ đãi ngộ tốt, môi trường làm việc quốc tế cùng mức lương, thưởng rất cao.
“Trong một lứa học sinh mà tôi đào tạo, chỉ có 1/5 thực sự hiểu được đam mê của mình. Số còn lại còn mang cách nghĩ học cho gia đình, thiếu định hướng nghề nghiệp” – ông Trịnh Tuấn Cường nêu ra tại hội thảo.
Có rất nhiều các bạn trẻ lựa chọn ngành sau đó “đứt gánh giữa đường”, lý do là gì thưa Ông/Bà?
Ông Nguyễn Chí Viết: Cá nhân tôi có tham gia tuyển dụng nhân viên cùng với nhân sự khách sạn nên cũng thấy rõ tình trạng này là có tồn tại. Nguyên nhân là do các bạn thiếu đam mê, định hướng. Muốn phát triển lâu dài và thăng tiến trong ngành này, nên thử trước. Hãy theo đuổi nếu đó là đam mê của bạn. Xã hội ngày nay là xã hội mở, cơ hội tiếp xúc với truyền thông lớn, những mô hình trải nghiệm ngành nghề cũng được các trường tổ chức rất nhiều. Tôi thấy việc trải nghiệm như thế rất hữu ích, giúp các bạn trẻ, thậm chí phụ huynh của các em có thể mường tượng được bức tranh ngành nghề tổng thể, đỡ tiêu phí thời gian, tiền của của gia đình và xã hội.
Ông/Bà có lời khuyên nào cho các bạn trẻ?
Bà Cao Thị Thu Hiền: Tôi muốn khuyên các bạn trẻ hãy tìm hiểu và xác định mục tiêu nghề nghiệp ngay từ sớm. Bạn sẽ ở một vị trí rất cao nến bạn hiểu rõ bản thân mình.
Với những bạn trẻ đam mê ngành nghề này, hãy trau dồi kỹ năng chuyên môn, cách ứng xử trong giao tiếp và ngoại ngữ, đó sẽ là ưu thế lớn khi tuyển dụng tại khách sạn 5 sao.
Xin cảm ơn Ông/Bà.
Trường Quốc tế CHM là đơn vị đào tạo hai ngành Quản trị Khách sạn và Nghệ thuật Ẩm thực theo tiêu chuẩn Anh quốc với thời lượng học tập được rút ngắn hợp lý, chương trình và nội dung dạy học sát với đầu ra, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Trường Quốc tế CHM (CitySmart Hotel Management) Địa chỉ: 162A Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội. Hotline: 098 428 6161 – Tel: 024 7108 6161. Website: www.CHM.edu.vn Facebook: www.facebook.com/chm.edu/ Email: info@chm.edu.vn |