Chiến dịch chống Covid-19 hiệu quả giúp New Zealand duy trì là điểm đến du học lý tưởng

Một khảo sát do educations.com thực hiện với 7.400 HSSV cho thấy khoảng 90% vẫn giữ nguyên kế hoạch du học sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Khảo sát của IDP Toàn cầu thực hiện vào tháng 4/2020 với 6.900 HSSV cũng cho kết quả tương tự.

Đặc biệt, kết quả khảo sát còn cho thấy đánh giá của các bạn trẻ đối với cách xử lý dịch của 5 quốc gia nói tiếng Anh dẫn đầu về thu hút du học sinh quốc tế, bao gồm Úc, Canada, New Zealand, Mỹ và Anh. Trong đó, New Zealand là quốc gia được HSSV đánh giá cao nhất về Mức độ phản hồi của Chính phủ về dịch Covid-19 cùng với Mức độ an toàn cho người dân và du khách tại nước sở tại.

Từ cách chính phủ New Zealand đối phó với đại dịch Covid-19

Tạp chí Forbes đã xếp hạng Top 10 các nước tư bản an toàn nhất trong thời Covid-19, trong đó có ba quốc gia có nhiều du học sinh Việt Nam là Úc, New Zealand và Singapore. Riêng chính phủ New Zealand được nhiều chuyên gia trên thế giới đánh giá là có chiến lược truyền thông tốt nhất trong cuộc chiến chống Covid-19. Cho đến nay, đảo quốc này đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh: trong 3 tuần qua, New Zealand không còn việc lây nhiễm Covid-19 trên diện rộng và không có phát hiện lây nhiễm trong cộng đồng. Từ ngày 14/5, New Zealand ngưng giãn cách xã hội ở cấp độ toàn quốc.

Chìa khóa thành công của New Zealand là cách tiếp cận của chính phủ: phản ứng nhanh và quyết liệt, xét nghiệm diện rộng, và bám sát vào nền khoa học thực dụng. Cụ thể, vào ngày 14/3, New Zealand đã công bố cách ly 2 tuần đối với tất cả những người nhập cảnh vào nước này. Tiếp theo vào ngày 19/3, tuy chỉ mới có 28 người nhiễm bệnh nhưng New Zealand đã tuyên bố cấm nhập cảnh với tất cả người nước ngoài. Vào ngày 23/3, New Zealand đã bước vào giai đoạn giãn cách xã hội ở cấp độ toàn quốc, khi đó nước này có 102 ca bệnh và chưa có trường hợp tử vong nào. Điều này làm cho người dân New Zealand nói chung và du học sinh tại New Zealand nói riêng cảm thấy rất an tâm.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thường xuyên livestream cập nhật tình hình dịch bệnh trong suốt thời gian qua.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thường xuyên livestream cập nhật tình hình dịch bệnh trong suốt thời gian qua.

Lê Thanh Lâm, một du học sinh đang theo học tại UC International College (thành phố Chirstchurch) cho biết, ban đầu gia đình cũng định cho Lâm về Việt Nam, nhưng sau đó thấy New Zealand kiểm soát tình hình tốt nên gia đình yên tâm cho Lâm ở lại để tiện sắp xếp việc học hành, sinh hoạt. Từ cuối tháng 3 đến nay, Lâm cũng như hàng triệu HSSV ở New Zealand đã tiếp tục việc học của mình bằng các lớp học online. Từ ngày 18/5 trở đi, toàn bộ học sinh sinh viên trên cả nước sẽ được quay lại trường học. Tuy nhiên, các trường Đại Học ở New Zealand vẫn quyết định dạy online cho đến hết học kì để đảm bảo sự an toàn cho học sinh.

Học sinh New Zealand học online trong suốt thời gian New Zealand chống dịch.

Học sinh New Zealand học online trong suốt thời gian New Zealand chống dịch.

Cho đến chính sách hỗ trợ đối với sinh viên quốc tế

Ngoài cách chính phủ đối phó với Covid-19 để đảm bảo sự an toàn cho mọi người, khảo sát của IDP cho thấy trong mùa Covid-19, HSSV đánh giá rất cao New Zealand và Canada trong tiêu chí về chính sách phúc lợi cho sinh viên quốc tế. Một báo cáo khác của New Zealand Initiative cho thấy, thành công của New Zealand trong việc xử lý dịch triệt để đang tạo thiện cảm rất tốt với các bạn trẻ đang ấp ủ dự định đi du học trong tương lai. Cụ thế, chính phủ đồng ý chi trả chi phí xét nghiệm và điều trị cho mọi du học sinh (hay kể cả khách du lịch đang bị kẹt tại New Zealand) nếu chẳng may họ bị mắc virus. Chị Hào An, một phụ huynh có con gái đang du học ở thủ đô Wellington cho biết, chị đã thở phào nhẹ nhõm khi được biết tin này.

Về sức khỏe tinh thần, Chính phủ New Zealand và nhà trường thiết lập các kênh tư vấn trực tuyến để đảm bảo du học sinh luôn được hỗ trợ và theo dõi sát sao để có những biện pháp kịp thời, giúp các bạn trẻ an tâm ổn định việc học và cuộc sống. Bạn Hưng Huỳnh, sinh viên trường Đại Học Canterbury cho biết, thỉnh thoảng nhà trường lại gọi điện thoại để hỏi thăm tình hình sức khỏe và tâm lý của sinh viên. Đồng thời, vì Hưng đang ở KTX của trường nên cũng thường xuyên được Ban Quản Lí KTX hỏi han.

New Zealand là quốc gia được HSSV đánh giá cao nhất về Mức độ phản hồi của Chính phủ về dịch Covid-19 cùng với Mức độ an toàn cho người dân và du khách tại nước sở tại.

New Zealand là quốc gia được HSSV đánh giá cao nhất về Mức độ phản hồi của Chính phủ về dịch Covid-19 cùng với Mức độ an toàn cho người dân và du khách tại nước sở tại.

Về mặt việc làm, chính phủ nới lỏng các quy định về giờ làm cho các du học sinh đang làm thêm trong các lĩnh vực thiết yếu như siêu thị, nhà thuốc, bệnh viện. Cụ thể là thay vì chỉ được phép làm 20 tiếng/ tuần, trong mùa Covid-19, các du học sinh này được phép làm việc toàn thời gian. Bạn Tường Lân, sinh viên trường Đại Học Otago cho biết, vì công việc làm thêm của bạn là ở siêu thị Pak’n’Sav nên trong những ngày New Zealand thực hiện giãn cách xã hội toàn quốc thì bạn vẫn tiếp tục đi làm. Riêng với các du học sinh có việc làm thêm trước lệnh giãn cách xã hội toàn quốc và không thể tiếp tục làm việc trong thời gian giãn cách xã hội toàn quốc, chính phủ sẽ trợ cấp ở mức 350 đô-la New Zealand mỗi tuần.

Một hỗ trợ khác của chính phủ New Zealand dành cho du học sinh là về mặt visa, New Zealand đã cho phép tất cả các trường hợp visa hết hạn từ ngày 1/4/2020 đến ngày 9/7/2020 sẽ được tự động gia hạn visa đến ngày 25/9/2020, đảm bảo về vấn đề lưu trú hợp pháp của các du học sinh.

Giáo dục quốc tế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thiết lập sự liên kết và phát triển cho mọi ngành nghề, lĩnh vực trên toàn cầu. Điều này càng trở nên quan trọng khi các quốc gia đang nỗ lực tái ổn định sau đại dịch Covid-19. Những nền giáo dục có giải pháp phù hợp, kịp thời và hiệu quả đến việc hạn chế tác động tiêu cực của Covid-19 như New Zealand hứa hẹn sẽ là điểm đến đáng tin cậy để sinh viên quốc tế yên tâm thực hiện các mục tiêu phát triển của riêng mình.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN