Tín hiệu tích cực từ những “vùng xanh” ở Hà Nội

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Sau một tuần phân thành 3 vùng: “vùng xanh”, “vùng cam” và “vùng đỏ” để phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố, những “vùng xanh” an toàn với dịch bệnh của Hà Nội đã khẩn trương tập trung khôi phục các hoạt động dịch vụ, kinh doanh sản xuất, hướng tới trạng thái bình thường mới.

Hà Nội đang nỗ lực khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh tại các “vùng xanh” an toàn

Hà Nội đang nỗ lực khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh tại các “vùng xanh” an toàn

Dần nối lại hoạt động xuất khẩu hàng hóa

Để không phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội, giảm áp lực an sinh và những gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân, sau chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 20, trong đó quyết định chia mức độ giãn cách thành 3 vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch Covid-19 và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất. Theo đó, ngoài “vùng đỏ” (vùng 1) tiếp tục tập trung ưu tiên cao nhất cho việc phòng chống dịch, hai “vùng cam” (vùng 2) và “vùng xanh” (vùng 3) tính toán kỹ lưỡng để vừa thích ứng với phòng dịch, vừa tập trung tháo gỡ hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh theo nguyên tắc Chỉ thị 15+.

Các chuyên gia cho rằng, việc TP Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội theo 3 vùng “vùng đỏ” - có mức độ nguy cơ cao, “vùng cam” - có mức độ nguy cơ và “vùng xanh” - có mức độ bình thường mới là đúng đắn để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế, không để đứt gãy vùng sản xuất. Việc chia vùng của Hà Nội là linh hoạt, sáng tạo, dựa trên lợi thế địa lý để tăng cường phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sản xuất, sinh hoạt.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu các địa phương phải chủ động xây dựng phương án để phục hồi kinh tế, dịch vụ, để đến khi thành phố có quyết định nới lỏng giãn cách xã hội thì bắt tay ngay vào triển khai. Đối với “vùng cam” và “vùng xanh”, thành phố yêu cầu chính quyền địa phương phải tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất, xây dựng trong điều kiện kiểm soát tình hình dịch bệnh chặt chẽ. Cùng với đó, các quận, huyện, các ngành phải chủ động xây dựng phương án để phục hồi kinh tế, dịch vụ, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nêu rõ: “Chính quyền phải chỉ đạo sát sao, phải tạo điều kiện cho người dân. Thành phố định hướng phát triển 3 phân vùng. Vùng 2 và vùng 3 mở ra rồi thì phải tạo điều kiện cho người dân mới đúng mục đích của thành phố”.

Sau Chỉ thị 20 của Chủ tịch UBND TP, từ ngày 8-9, các huyện có nguy thấp và có khu công nghiệp lớn của Hà Nội được đồng loạt áp dụng Chỉ thị 15, mở đường cho việc khôi phục sản xuất của các nhà máy tại đây. Các khu công nghiệp và cụm công nghiệp của Hà Nội là nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất và thu hút nhiều lao động đến từ các địa phương khác, là bộ phận cấu thành không thể tách rời của không chỉ nền kinh tế thành phố. Các công ty hoạt động trong khu công nghiệp chủ yếu sản xuất, gia công các mặt hàng xuất khẩu. Người lao động của các công ty này được đi lại bình thường có ý nghĩa rất lớn trong việc khôi phục lại sản xuất. Với việc áp dụng Chỉ thị 15, khách hàng không còn dè dặt, mà bắt đầu đặt hàng mới, các chuỗi cung ứng được nối lại, vận chuyển cũng thuận tiện hơn giúp các công ty dần nối lại hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

Sớm triển khai xây dựng kế hoạch phục hồi và thúc đẩy kinh tế - xã hội

Những ngày qua, trên cánh đồng thuộc địa bàn các huyện từ Chương Mỹ, Gia Lâm đến Sóc Sơn, Mỹ Đức, Ba Vì… của TP Hà Nội đã thấy xuất hiện ngày càng nhiều nông dân ra ruộng đồng sản xuất trở lại. Song dù làm đồng nhưng họ không tụ tập đông người như trước, mà tuân thủ nguyên tắc 5K, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang ngay cả khi tiến hành sản xuất nông nghiệp.

Tạo điều kiện thuận lợi, các huyện “vùng xanh” như Ba Vì đã mở cửa cho các thương lái vào tiêu thụ nông sản với điều kiện đảm bảo các quy định phòng chống dịch, có giấy chứng nhận test Covid-19 âm tính còn hiệu lực. “Sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất”, nguyên tắc đó được tuân thủ nghiêm ngay trong sản xuất nông nghiệp, khi các địa phương ở Ba Vì quy định, khi tiến hành phơi thóc, hộ gia đình chỉ ra một người để kiểm tra, không phơi gần nhau và phải giữ khoảng cách giữa các hộ.

Cùng với sản xuất nông nghiệp, tại một số địa phương “vùng xanh” đã bắt đầu cho phép một số dịch vụ kinh doanh được tái hoạt động. Huyện Gia Lâm, huyện Ba Vì là các địa phương đầu tiên cho các nhà hàng, quán ăn thuộc “vùng xanh” mở cửa bán hàng trở lại. Tuy số lượng chưa nhiều song theo đánh giá chung, việc cho phép các nhà hàng, quán ăn mở cửa bán hàng mang về đã bước đầu tạo tín hiệu tích cực, mở ra hy vọng cho người dân sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế, bảo đảm cuộc sống.

Và không chỉ đến khi được công nhận là “vùng xanh” theo phân vùng của thành phố, mà trước đó nhiều địa phương đã nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất nhưng vẫn bảo đảm công tác phòng chống dịch an toàn. Tại huyện Hoài Đức, trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, huyện đã yêu cầu các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp muốn trở lại sản xuất, phải xây dựng phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ”, hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”, trình UBND huyện phê duyệt. Đối với các cơ sở sản xuất ngoài cụm công nghiệp, sẽ do UBND xã, thị trấn phê duyệt phương án sản xuất an toàn.

Đáng chú ý, các địa phương hiện là “vùng đỏ” ở Hà Nội nhưng đã sớm tiến hành triển khai xây dựng kế hoạch phục hồi và thúc đẩy kinh tế - xã hội bám sát tiến độ khống chế, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Trước tiên phải làm tốt, khống chế tình hình dịch bệnh, đồng thời với đó là đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng cho người dân, người lao động đang cư trú trên địa bàn. Khi thực hiện tốt 2 nhiệm vụ trên thì tính tới việc nới lỏng dần các dịch vụ kinh doanh, khôi phục kinh tế - xã hội với những lộ trình ngắn hạn và dài hạn cụ thể phù hợp theo tình hình dịch trên địa bàn theo quyết định của lãnh đạo thành phố.

Có thể nói, dù tình hình dịch Covid-19 ở Hà Nội vẫn còn đang diễn biến phức tạp, nhưng với việc phân vùng của thành phố và sự mạnh dạn, sáng tạo của mỗi địa phương trong triển khai thực hiện đang được kỳ vọng sẽ giúp Thủ đô khóa nhanh, xóa gọn “vùng đỏ”, xanh hóa nhanh “vùng cam” mở rộng và bảo vệ vững chắc “vùng xanh”. Thủ đô đang hướng tới trạng thái “bình thường mới” phù hợp với diễn biến phòng chống dịch, đặc biệt là kết quả từ hai mũi giáp công rất quan trọng là xét nghiệm và tiêm vaccine phòng Covid-19.

Nguồn: [Link nguồn]

Xuất hiện ổ dịch lớn, Bình Định phong tỏa 5 phường nội thành TP Quy Nhơn

Sau khi phát hiện 33 ca Covid-19 lây nhiễm cộng đồng, tỉnh Bình Định đã tiến hành phong tỏa tạm thời 5 phường nội thành...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Tuấn ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN