Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội: Số hóa dữ liệu nhanh hơn nữa để tạo nền tảng thông minh

Sự kiện: Tin nóng

Chiều 28-2, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 06, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số thành phố chủ trì hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 của Chính phủ; triển khai Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 18/NQ-TU ngày 30-12-2022 của Thành ủy Hà Nội.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Trung tướng - Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và đại diện Văn phòng Chính phủ.

Về phía thành phố Hà Nội, dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 06 thành phố; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 06 thành phố; đại diện các sở, ngành liên quan.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến điểm cầu 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố.

9/25 dịch vụ công trực tuyến hoàn toàn

Báo cáo sơ kết  một năm triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, đến hết năm 2022, thành phố đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng lộ trình của Đề án 06 (đạt 100%). Trong đó, Cổng dịch vụ công thành phố đã tích hợp 3 dịch vụ công (Đăng ký khai sinh, Đăng ký kết hôn, Đăng ký khai tử), 22 dịch vụ công còn lại được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công các bộ, ngành và được triển khai phần mềm đến các sở, ngành của thành phố để bộ phận một cửa thành phố tiếp nhận, giải quyết.

Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Hồng Ky báo cáo tại hội nghị.

Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Hồng Ky báo cáo tại hội nghị.

Dịch vụ công có số hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến cao nhất trong năm 2022 là nhóm cư trú (thông báo lưu trú với 302.220 hồ sơ; đăng ký thường trú với 118.880 hồ sơ), thấp nhất là dịch vụ công “Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận” với 15 hồ sơ (do mới triển khai từ 26-10-2022). Có 9/25 dịch vụ công trực tuyến (đạt 36%) được tiếp nhận và giải quyết hoàn toàn trực tuyến (không có hồ sơ tiếp nhận trực tiếp).

Đối với nhóm tiện ích phục vụ phát triển công dân số, tính đến ngày 19-12-2022, toàn thành phố đã thu nhận trên 6,5 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp đối với các trường hợp công dân trong độ tuổi quy định, đã nhận và trả trên 6 triệu thẻ căn cước công dân cho người dân. Thông qua thẻ căn cước công dân gắn chíp và các dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các lực lượng chức năng của thành phố đã ứng dụng để mang lại nhiều giá trị thiết thực trong đời sống, xã hội.

Việc thực hiện số hóa tại bộ phận "một cửa" các sở, ngành và bộ phận "một cửa" của UBND cấp huyện đang bị chậm so với lộ trình đề ra (do chưa có tính năng số hóa của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố) và hướng dẫn chi tiết về quy định đối với lưu trữ hồ sơ điện tử của Bộ Nội vụ và các đơn vị liên quan.

Ban Chỉ đạo Đề án 06 của thành phố kiến nghị Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành sớm ban hành và hướng dẫn các đơn vị trong việc triển khai thực hiện việc chuẩn hóa danh mục tài liệu, quy trình và mã số của giấy tờ số hóa; sớm ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn về việc thực hiện lưu trữ tài liệu điện tử… làm cơ sở để các địa phương thực hiện.

Tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky đã triển khai Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ, các biện pháp tăng cường triển khai thực hiện Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ; Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng báo cáo tóm tắt định hướng các nhiệm vụ trọng tâm triển khai Nghị quyết số 18/NQ-TU ngày 30-12-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch chương trình chuyển đổi số thành phố giai đoạn 2022-2025.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội nghị.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an bày tỏ ấn tượng khi hội nghị trực tuyến của thành phố Hà Nội được kết nối tới tận các xã, phường, thị trấn với hơn 3.000 người tham dự.

“Điều đó cho thấy sự quan tâm, quyết tâm, định hướng cho tương lai của thành phố cũng như sự nghiêm túc trong thực hiện Đề án 06 của Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nói.

Thứ trưởng Bộ Công an lưu ý Hà Nội cần hoàn thành sớm hạ tầng công nghệ, chuyển được từ thủ công sang công nghệ; tích cực làm sạch và số hóa dữ liệu. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị thành phố quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt để tất cả các bộ phận tiếp nhận thủ tục hành chính không yêu cầu người dân phải xác nhận bằng giấy tờ; các ngành phải đôn đốc hướng dẫn, kiểm tra cụ thể. Thứ trưởng Bộ Công an cũng lưu ý thành phố làm tốt công tác tuyên truyền đến từng người dân về chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh kết luận hội nghị.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, năm 2023, Hà Nội tiếp tục đặt kỷ cương hành chính lên hàng đầu, các nhiệm vụ trong thực hiện Đề án 06 đều được phân công, phân nhiệm cụ thể.

Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Hà Nội có phần mềm theo dõi, đánh giá tiến độ công việc của từng cán bộ, công chức.

“Cần phải số hóa dữ liệu nhanh hơn nữa để tạo nền tảng thông minh, từ đó tạo ra các ứng dụng, phần mềm. Phải coi đây là việc của sở mình, ngành mình… Thành phố có thông minh hay không là trách nhiệm của các đồng chí”, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cũng đề nghị các đơn vị, địa phương rà soát lại quy trình, tập trung vào thủ tục hành chính với người dân, doanh nghiệp, tiếp đó là số hóa, hiện đại hóa quy trình nội bộ. Bên cạnh đó, cần khẩn trương số hóa các nhóm dữ liệu về con người, tài chính doanh nghiệp và đất đai, tài nguyên để phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của thành phố theo quy định.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tiến Thành ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN