Vì sao cần thu thập thông tin người mua vàng miếng?
UBND TP HCM vừa ban hành quyết định thành lập Tổ công tác bảo đảm an ninh thị trường vàng trên địa bàn (gọi tắt Tổ công tác). Thông tin trên đã khiến nhiều người dân quan tâm, thắc mắc.
UBND TP HCM vừa lập Tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng trên địa bàn, nhằm thu thập, phân tích thông tin tình hình mua bán, cũng như thanh - kiểm tra các cơ sở kinh doanh vàng miếng và sản xuất, mua bán trang sức.
Theo đó, đại diện Công an TPHCM là tổ trưởng, chỉ đạo lực lượng công an thành phố nắm tình hình, phát hiện các cá nhân, tổ chức nghi vấn buôn lậu vàng, hoạt động mua gom vàng để đầu cơ trục lợi; triển khai các biện pháp nghiệp vụ xác minh, điều tra làm rõ nghi vấn, đấu tranh, xử lý theo quy định pháp luật hình sự (trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm) hoặc chuyển giao thông tin cho các cơ quan chức năng xử theo quy định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo cơ quan chức năng, việc thu thập thông tin người mua vàng được triển khai nhằm bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM là tổ phó, có nhiệm vụ thu thập và chuyển giao Công an TPHCM thông tin, tài liệu danh sách cá nhân mua vàng tại các điểm bán vàng miếng SJC của Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC và 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố (hàng ngày). Đồng thời nghiên cứu các giải pháp và tham mưu chỉ đạo Công ty SJC và 4 ngân hàng thương mại chủ động phát hiện các cá nhân nghi vấn được thuê mua vàng, thu gom vàng; cung cấp kịp thời cho lực lượng Công an Thành phố, quận, huyện để triển khai các biện pháp nghiệp vụ.
Các cơ quan khác trong tổ gồm: Cục Phòng, chống rửa tiền với nhiệm vụ xác minh nguồn tiền mua vàng; Cục Quản lý thị trường kiểm tra các cơ sở kinh doanh, xử lý vi phạm và trao đổi thông tin với ngành công an; Cục Thuế sẽ theo dõi dấu hiệu trốn thuế và buôn lậu vàng.
Bên cạnh tổ công tác thành phố, các quận, huyện, TP Thủ Đức cũng lập tổ công tác tại địa phương để nắm tình hình, kiểm tra, xử lý các trường hợp nghi vấn mua gom vàng đầu cơ.
Được biết, trong 7 tháng đầu năm, cơ quan chức năng TP HCM đã kiểm tra và thu giữ gần 1.600 sản phẩm vàng, trang sức vi phạm, trị giá hơn 14,2 tỷ đồng. Cục Quản lý Thị trường TP HCM cho biết đã xử lý gần 200 vụ vi phạm, phần lớn liên quan đến vàng trang sức không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu.
Trước thông tin trên, bàn luận trên các diễn đàn tài chính, nhiều ý kiến bày tỏ: “Như thế nào được gọi là đầu cơ? Tôi có tiền tôi mua có gọi là đầu cơ không?”, “Tôi mua bằng nguồn tiền hợp pháp thì số lượng bao nhiêu mới gọi là đầu cơ ? Thế nào là để dành?”
Một số ý kiến khác thì cho rằng quy định trên là đúng, giúp dẹp bỏ chiêu trò thao túng thị trường: “Tôi hoàn toàn ủng hộ. Đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm những người lợi dụng đầu cơ trục lợi vàng”...
Chia sẻ với báo chí việc thu thập thông tin người mua vàng, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, cho hay: Việc thực hiện các giải pháp quản lý, trong đó có việc theo dõi nắm bắt thị trường; công tác báo cáo và tham mưu; công tác thanh tra kiểm tra... được triển khai nhằm bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn. Đây là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM và các đơn vị được phép kinh doanh mua bán vàng miếng.
Trong quá trình này, việc tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về kinh doanh, mua bán vàng miếng SJC có ý nghĩa quan trọng không chỉ góp phần ổn định thị trường, phát huy các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước, mà còn hạn chế, ngăn ngừa các yếu tố đầu cơ, găm giữ và trục lợi có ảnh hưởng đến thị trường, gây mất ổn định không cần thiết và tác động tiêu cực đến sự phát triển nền kinh tế.
Thời gian qua, những giải pháp ổn định thị trường vàng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã, đang phát huy hiệu quả và đạt được mục tiêu đề ra. Cụ thể là thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, bảo đảm giá vàng trong nước tiệm cận dần và diễn biến theo giá vàng thế giới. Đây là giải pháp sử dụng công cụ quản lý, bảo đảm sự phù hợp giữa yêu cầu quản lý và tác động của cơ chế thị trường.
Những giải pháp của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện nhằm mục tiêu cuối cùng và lớn nhất là mang lại lợi ích cho phát triển kinh tế xã hội đất nước và lợi ích của nhân dân. Sự ổn định của thị trường vàng sẽ góp phần quan trọng vào sự ổn định của thị trường tài chính tiền tệ, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Với ý nghĩa đó và đặt trong bối cảnh thị trường vàng hiện nay, khi mà giá vàng thế giới còn nhiều biến động, cùng với bản chất là tài sản tài chính, nếu là người mua cần hết sức thận trọng, để tránh rủi ro do biến động của giá vàng.
Góp ý về việc này, chuyên gia tài chính- ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho hay, hiện nay hành lang pháp lý đã có, vàng cũng không thể là mặt hàng ngoại lệ. Việc kiểm soát những giao dịch qua ngân hàng sẽ sàng lọc, đặc biệt giúp hoạt động phòng, chống rửa tiền, đầu cơ tốt hơn.
Một chuyên gia tài chính khác cũng cho rằng, khi tất cả phải xuất hóa đơn, được kiểm soát, một số dữ liệu liên quan đến thị trường vàng sẽ được giải mã. Ít nhất phải thực hiện việc đong đếm được lượng mua bán ra sao để có những điều tiết chính sách phù hợp.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau nửa đầu năm, doanh nghiệp này mới hoàn thành được 25% mục tiêu doanh thu và 30% mục tiêu lợi nhuận.