Vàng tăng điên loạn: Cơ hội nào cho người lướt sóng?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trước việc giá vàng tiến sát mốc 57 triệu đồng mỗi lượng, nhiều người có tiền nhàn rỗi đang tính đến việc lướt sóng vàng kiếm lời. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng với những người không có kiến thức, lướt sóng vàng lúc này là đầy rủi ro.

Sau khi thiết lập mức đỉnh 56 triệu đồng mỗi lượng vào trưa ngày 24/7, giá vàng trong nước tiếp tục thiết lập mức giá mới trong ngày 27/7. Theo đó, 9h sáng ngày 27/7, giá vàng SJC tại thị trường TP.HCM được niêm yết ở mức 54,6-56,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với chốt phiên cuối tuần, giá vàng tăng 1,1 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều. Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC niêm yết ở ngưỡng 54,6-56,12 triệu đồng/lượng (mua vào, bán ra), cũng điều chỉnh ở mức tương tự. Biên độ mua vào bán ra được giãn rộng ở mức 1,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng liên tục lập đỉnh nên nhiều người dân đang coi đây là kênh đầu tư hấp dẫn

Giá vàng liên tục lập đỉnh nên nhiều người dân đang coi đây là kênh đầu tư hấp dẫn

Tại Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 54,7-56 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Phú Quý điều chỉnh tăng 1 triệu đồng/lượng chiều mua vào, tăng 1,3 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với cuối tuần. Biên độ mua vào bán ra được giãn rộng ở mức 1,3 triệu đồng/lượng để tránh rủi ro.

Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI Hà Nội niêm yết giá vàng SJC ở mức 54,6-55,6 triệu đồng/lượng, tăng 1,2 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều so với cuối tuần. Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu được niêm yết giá 52,93 -54,13 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 350.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 550.000 đồng/lượng bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.

Tuy nhiên, chỉ hơn 2 tiếng sau, giá vàng tiếp tục được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng mạnh. Lúc 11h25 ngày 27/7, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá tăng thêm 500.000 đồng so với sáng, lên 55,15 - 56,7 triệu đồng một lượng. Chênh lệch giữa giá mua và bán giãn rộng 1,55 triệu đồng.

Tập đoàn DOJI tăng thêm 750.000 đồng mỗi lượng so với sáng, đưa giá bán ra chạm ngưỡng 56,55 triệu đồng, còn mua vào là 55,25 triệu đồng. Mức giá này so với cuối tuần đắt hơn 1,75 triệu đồng một lượng.   

Đến 16h32 ngày 27/7, vàng SJC thiết lập kỷ lục về giá mới khi thị được niêm yết ở mức 55,45 triệu đồng mua vào và bán ra là 56,9 triệu đồng/lượng (tại TP Hồ Chí Minh). Giá bán ra ở thị trường Hà Nội là 56,92 triệu đồng mỗi lượng, chiều mua vào là 55,45 triệu đồng. Chênh lệch chiều mua và bán là 1,47 triệu đồng mỗi lượng. Tính từ đầu tháng 7, giá vàng SJC đã tăng 7,3 triệu đồng mỗi lượng. Sáng 1/7, giá vàng SJC được doanh nghiệp niêm yết giao dịch ở mức 49,15 triệu đồng/lượng (mua vào) - 49,62 triệu/lượng (bán ra).

Giá vàng trong nước tăng mạnh khi chứng kiến giá vàng trên thị trường thế giới nhảy vọt. Lúc 12h ngày 27/7 (giờ Việt Nam), mỗi ounce vàng quốc tế có giá 1.933 USD, tăng 31 USD so với mở cửa, và cao hơn mức đỉnh lịch sử ghi nhận hồi tháng 9/2011 khoảng 13 USD. Quy đổi tiền Việt, mỗi lượng vàng thế giới tương đương 54,3 triệu đồng, thấp hơn giá bán trong nước khoảng 2,6 triệu đồng.

Mặc dù giá vàng trong nước liên tục thiết lập mức đỉnh mới, nhưng đại diện của Bảo Tín Minh Châu cho biết tại các chi nhánh kinh doanh của hệ thống trong buổi sáng 27/7 lượng khách mua vào chiếm tới 60%, trong khi lượng khách bán vàng chốt lời chỉ chiếm 40%. Trước việc giá vàng liên tục biến động mạnh, đại diện Bảo Tín Minh Châu khuyên người dân và các nhà đầu tư nên cân nhắc thận trọng trước khi giao dịch và thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn nhất.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng giá vàng trong nước tăng mạnh là do giá vàng thế giới cũng đã liên tiếp tăng trong thời gian gần đây. Những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, đồng đô la Mỹ suy yếu và tình hình chính trị thế giới nhiều biến động,... khiến nhiều nhà đầu tư lớn tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, dù vàng là một kênh đầu tư an toàn nhưng với những cá nhân thì quyết định lướt sóng hay đầu tư vàng thời điểm này hay không phải căn cứ vào 3 yếu tố là: mức độ an toàn, lợi nhuận và tính thanh khoản. Trong đầu tư thì khi rủi ro càng cao, mức lợi nhuận càng lớn.

Với việc giá vàng liên tục lập mức đỉnh mới thì những người đang nắm giữ vàng trong tay có được ngay khoản lãi lớn. Tuy nhiên, với những người đầu tư hay lướt sóng vàng ở những thời điểm giá biến động mạnh như hiện tại thì độ an toàn không cao, mức độ rủi ro là rất lớn.

Ngoài chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thì việc các doanh nghiệp vàng đẩy giá chênh lệch mua bán lên hơn 1 triệu đồng mỗi lượng như hiện nay khiến cho những nhà đầu tư và lướt sóng tiếp tục chịu thêm rủi ro lớn.

Do đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng với những người không có kinh nghiệm về đầu tư hay lướt sóng vàng thì không nên tham gia vào thị trường lúc này.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN