"Sóng gió" thị trường vàng (*): Sửa Nghị định 24 thế nào?
Ngay trong tháng 1-2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ báo cáo tổng kết Nghị định 24 và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số cơ chế để quản lý thị trường vàng
Tại công điện mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rà soát khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức… Đồng thời, tổng kết thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thị trường vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét bổ sung các quy định bảo đảm nâng cao hiệu quả công cụ quản lý nhà nước.
Sớm tăng nguồn cung vàng SJC
Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho biết giá vàng trong nước tăng một phần do nhu cầu vàng tăng cao nhưng nguồn cung lại khan hiếm, nhất là vàng thương hiệu SJC.
Nhiều năm qua, NHNN không còn cấp hạn ngạch dập vàng miếng SJC. Nhiều người có vàng SJC chưa muốn bán ra nên cung - cầu trong nước thêm lệch pha, khiến giá vàng tăng nhanh và khó giảm theo giá thế giới. Chênh lệch giá vàng SJC với thế giới có thời điểm lên tới hơn 19 triệu đồng/lượng.
Các doanh nghiệp sản xuất vàng nữ trang nhiều lần kiến nghị nhập vàng nguyên liệu nhưng chưa được chấp thuận .Ảnh: TẤN THẠNH
Ngay cả với vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, vàng nhẫn, các doanh nghiệp (DN) cũng nhiều lần kiến nghị nhưng không được nhập. Vì vậy, các DN kiến nghị cần sớm sửa Nghị định 24 theo hướng liên thông với giá vàng thế giới. Trước mắt là cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
"Cần khơi thông thị trường vàng trong nước bằng cách cho nhập thêm vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang. Chúng tôi cũng đã kiến nghị nhiều lần rằng có thể cấp phép nhập vàng nguyên liệu cho một số DN vàng lớn, mỗi đơn vị khoảng 500 kg, tương đương hơn 30 triệu USD" - ông Huỳnh Trung Khánh cho hay.
Một số ý kiến cho rằng vàng không phải là mặt hàng bình ổn, không cần nhà nước can thiệp mà nên để biến động theo cung cầu thị trường. Với lập luận này, chuyên gia vàng Trần Duy Phương phân tích nếu để giá vàng SJC tăng đột biến và hơn giá thế giới 17 - 19 triệu đồng/lượng như những ngày qua thì có thể gây ra hiện tượng "sốt vàng", kích thích nhu cầu nắm giữ vàng của người dân, vì tâm lý "mua chỉ có tăng". Về lâu dài, việc này có thể gây bất ổn chính sách tiền tệ, tỉ giá… Do đó, việc can thiệp bằng biện pháp thị trường để ổn định giá vàng SJC là cần thiết.
Nhằm hạn chế tình trạng mất cân bằng cung - cầu, các chuyên gia nhấn mạnh cần sửa cơ chế cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, vừa để bình ổn thị trường vừa hạn chế tình trạng DN sản xuất - kinh doanh nữ trang thu gom vàng trôi nổi, vàng lậu vốn nhiều rủi ro và gây thất thoát thuế. "Hiện tại, tình hình lạm phát được kiểm soát tốt, tỉ giá ổn định và quan trọng là tâm lý đầu cơ tích trữ vàng đã giảm nhiều so với trước đây. Do đó, việc thay đổi chính sách quản lý vàng là cần thiết. NHNN nên gia tăng nguồn cung vàng miếng SJC hoặc NHNN là phía mua bán cuối cùng trên thị trường vàng miếng" - ông Trần Duy Phương góp ý.
Trao đổi với các đại biểu Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN sẽ sẵn sàng điều tiết giá vàng nếu thấy cần thiết. Song, chỉ trong trường hợp cần thiết mới nhập khẩu vàng để can thiệp.
Cần xóa độc quyền vàng miếng
Theo ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối - NHNN, mục tiêu xuyên suốt của Nghị định 24 là nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỉ giá, lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô; hạn chế tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế. NHNN đang tổng kết, đánh giá việc triển khai Nghị định 24 và sẽ đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng phù hợp hơn.
Ông Tuấn cho biết thời gian qua, NHNN đã lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, các hiệp hội, DN và chuyên gia về việc tổng kết, đánh giá Nghị định 24. Trong tháng 1 này, NHNN sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24 lên Chính phủ, kèm theo đề xuất sửa đổi, bổ sung một số cơ chế quản lý phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long nhận định việc NHNN vừa thực hiện chức năng nhập khẩu vừa sản xuất lẫn bình ổn thị trường vàng dẫn tới mâu thuẫn về mục tiêu và vai trò quản lý nhà nước. Chính sách độc quyền về vàng đang làm thiếu nguồn cung, nóng sốt cục bộ, gây bất lợi cho người tiêu dùng và nền kinh tế. Thế nên, nhà nước cần cho phép các DN nhập khẩu vàng nguyên vật liệu để sản xuất.
Ông Huỳnh Trung Khánh đề nghị sửa đổi Nghị định 24 theo hướng không còn độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC. Bởi lẽ, chính sự độc quyền đã đẩy giá vàng thương hiệu SJC trong nước luôn cao hơn thế giới đến hàng chục triệu đồng/lượng do nguồn cung khan hiếm.
"Nếu không cho mở cửa nhập khẩu và cởi bỏ độc quyền, nguồn vàng không chính ngạch sẽ tràn vào thị trường để hưởng chênh lệch giá, gây thất thu cho nhà nước. Chưa kể, hiện các nước trong khu vực đều có thị trường vàng liên thông với quốc tế. Chỉ riêng ở Việt Nam, giá vàng SJC thường xuyên cao hơn thế giới chục triệu đồng/lượng, gây thiệt hại cho người dân có nhu cầu nắm giữ kim loại quý này" - ông Huỳnh Trung Khánh nhận xét.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng đến hiện tại, khi nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, cần tuân thủ quy luật của kinh tế thị trường, tạo sự cạnh tranh cho tất cả thành phần kinh tế. Vàng miếng SJC được công nhận là thương hiệu quốc gia đã giúp ổn định thị trường vàng trong quá khứ nhưng thời điểm này nên xóa bỏ độc quyền để thị trường bình đẳng hơn. Do đó, NHNN có thể sớm xem xét cho nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và sửa Nghị định 24 theo hướng thị trường hơn.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-1
Giá vàng SJC tiếp tục biến động mạnh
Cuối ngày 2-1, giá vàng SJC được các DN niêm yết mua vào 72 triệu đồng/lượng, bán ra 75 triệu đồng/lượng - tăng 1 triệu đồng/lượng so với hôm trước. Trong ngày, có thời điểm giá vàng SJC bán ra tăng lên tới 76 triệu đồng/lượng và một số DN niêm yết giá mua vào chỉ còn 69 triệu đồng/lượng, khiến chênh lệch giá mua - bán giãn rộng kỷ lục, gần 7 triệu đồng mỗi lượng. Giá vàng SJC đang cao hơn thế giới khoảng 13,9 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn và nữ trang gần như đi ngang so với tuần trước khi mua vào phổ biến 61,9 triệu đồng và bán ra 63 triệu đồng/lượng.
Sau một ngày giá vàng lên đỉnh trên mốc 80 triệu đồng/lượng, sáng nay vàng SJC tiếp tục lập lại đỉnh này. Giá vàng chênh với thế giới hơn 19 triệu đồng/lượng. Theo các...
Nguồn: [Link nguồn]