Khách đồng loạt mang vàng đi bán, cửa hàng vàng hết nhẵn tiền mặt
Sáng nay, giá vàng miếng SJC trong nước đã tăng thêm 800.000 đồng/lượng, lên mức 62,2 triệu đồng/lượng khiến nhiều người tranh thủ bán vàng chốt lời, thu về hàng trăm triệu đồng.
Trong phiên giao dịch sáng nay, giá vàng thế giới tăng lên mức 2.066,7 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng tương đương 57,98 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, tại thị trường trong nước, sau khi rơi xuống mức 61,4 triệu đồng/lượng vào cuối hôm qua, mở cửa sáng hôm nay 7-8, giá vàng miếng SJC đã tăng thêm 800.000 đồng/lượng, lên mức 62,2 triệu đồng/lượng, cũng là mức giá chưa từng có từ trước đến nay.
Giá vàng lập đỉnh, người dân xếp hàng dài đi bán vàng.
Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 60,6-62,22 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 800.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên hôm qua.
Vàng Doji sáng nay niêm yết giá vàng ở mức 60-61,8 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng chiều mua vào và 850.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên gần nhất.
Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 61-62 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).
Bảo tín Minh Châu giao dịch vàng SJC ở mức 60,9-62,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Như vậy, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi đến hơn 4 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch này đã ngang với mức chênh tại thời điểm giá vàng trong nước nóng sốt vào năm 2010, 2011.
Theo ghi nhận của PV, việc giá vàng ở mốc “đỉnh của đỉnh” khiến cho nhiều người dân đổ xô đi bán chốt lời.
Hàng dài khách hàng chờ giao dịch ra đến tận cửa ra vào.
Tại một cửa hàng kinh doanh vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội), hàng trăm người xếp hàng chờ giao dịch, nhân viên tiến hành sát khuẩn tay và tặng khẩu trang cho khách hàng, liên tục nhắc nhở giữ khoảng cách trong tình hình dịch bệnh khá phức tạp.
Bãi để xe chật kín xe của khách đến giao dịch trong đầu giờ sáng.
Không chỉ vàng miếng được người dân mua bán sôi nổi, nhiều người có vàng trang sức cũng đem đến bán, từ nhẫn đến kiềng và lắc tay.
Chị Nguyễn Thị Hợi (trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, mình vừa bán 7 lượng vàng với giá 61 triệu đồng/lượng, thu về 427 triệu đồng nhưng cửa hàng vàng chưa có tiền mặt.
“Mới 10 giờ sáng mà họ “hết tiền” vì quá đông người bán, tôi phải kí hợp giao dịch trước với số lượng vàng và giá tiền hiện tại, sau đó đầu giờ chiều mới qua để nhận tiền”, chị Hợi nói.
Chị Hợi cho hay, vợ chồng chị có cửa hàng bán bún cá nhỏ trên phố, cứ tích cóp được vài chục triệu lại mang đi mua vàng. “Tôi cũng không nhớ là mua vàng từ bao giờ, số vàng tôi mua lúc thấp nhất là chưa đến 30 triệu đồng/lượng, cao nhất là 42 triệu đồng/lượng. Hôm nay giá vàng cao chưa từng có nên tôi mang bán hết, tiền này lại mang gửi ngân hàng, khi nào giá vàng hạ tôi lại mang đi mua”, chị Hợi phấn khởi.
Một số cửa hàng hết “nhẵn” tiền mặt vì khách đến bán quá đông.
Là người đầu tư “lướt sóng siêu tốc”, chị Nguyễn Hoài Thu (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) vui mừng khi lãi 24 triệu đồng trong vòng chưa đầy 1 ngày.
“Vợ chồng tôi tiết kiệm được khoảng 1,2 tỷ đồng, dự định sẽ đầu tư BĐS ở ngoại thành vì có khả năng trong vài năm tới sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, thấy thị trường vàng có cơ hội lớn hơn quyết định đầu tư vàng. Ngày hôm qua mức chênh lệch giữa mua và bán được thu hẹp, tôi nhận thấy mức độ rủi ro thấp nên vét sạch két đi mua 20 lượng vàng”, chị Thu nói.
Cụ thể, trong phiên giao dịch lúc 10h sáng qua (6/8), chị Thu mua 20 lượng vàng với giá 59,8 triệu đồng/lượng, đến 9h sáng nay bán ra được 61 triệu đồng/lượng, thu về 1,2 triệu đồng/lượng.
Theo quan sát, 10 người vào giao dịch thì cả 10 người đều bán vàng.
Một khách hàng “treo” vàng ở tay mang đến bán, thu hút sự chú ý của rất nhiều người.
Chị T cho biết, nhờ mua 5 lượng vàng vào thời điểm đầu năm 2020 với giá 46,6 triệu đồng/lượng, đến giờ bán với giá 60,9 triệu đồng/lượng, chị thu lãi 71,5 triệu đồng chỉ trong vòng 5 tháng.
Tuy nhiên, theo dự báo của nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước, giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng và tạo ra nhiều kỷ lục mới, thậm chí có thể lên 3.000 USD vào năm sau. Môi trường lãi suất thấp, lượng tiền các ngân hàng trung ương in ra lớn chưa từng có, kinh tế vĩ mô và căng thẳng địa chính trị bất ổn là những yếu tố sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đà tăng giá của kim loại quý này.
Trao đổi với PV Tiền Phong sáng 7/8, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP. Hồ...
Nguồn: [Link nguồn]