Giá vàng tăng sốc rồi quay đầu “lao dốc”, đâu là mức đỉnh của năm 2022?
Giá vàng trong nước trong suốt 3 ngày gần đây luôn neo ở mức cao, xác lập kỷ lục mới khi tiến sát về mốc 63 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, vào sáng nay, 27/1, giá vàng lại quay đầu giảm nhưng vẫn neo cao hơn mức đỉnh của năm 2020.
Tính từ 1/1/222, trong khi giá vàng thế giới “lững thững” tăng nhẹ và loanh quanh ở mốc 1.830-1850 USD/ounce thì vào ngày 25/1, giá vàng SJC tại Việt Nam bỗng chốc tăng “vùn vụt”, lên mốc 62,6 triệu đồng/lượng và chạm mốc 62,8 triệu đồng/lượng vào ngày 26/1.
Chỉ trong 3 ngày, từ 23-26/1, giá vàng Việt Nam đã tăng hơn 1 triệu đồng/lượng cả ở chiều mua vào và bán ra trong khi giá vàng thế giới chỉ tăng nhẹ 10 USD/ounce, nâng mức chênh lệch giữa vàng Việt Nam và thế giới là 12,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC bỏ xa giá vàng thế giới hơn 12 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, vào ngày 1/1/2022, mở cửa phiên giao dịch đầu năm, giá vàng thế giới niêm yết ở mức 1.830 USD/ounce, tương đương 50,5 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng tại Việt Nam ở mức 61,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và thế giới là 10 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, vào ngày 25/1, khi giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.842 USD/ounce, tương đương với 56,65 triệu đồng/lượng, tăng 12 USD so với phiên giao dịch đầu năm. Trong khi giá vàng thế giới tăng nhẹ thì giá vàng Việt Nam tăng “sốc” lên mốc 62,7 triệu đồng/lượng và tăng 1,3 triệu đồng/lượng so với phiên giao dịch đầu năm.
Ở mức này, giá vàng đã phá vỡ mức đỉnh đợt tháng 8/2020 để xác lập kỷ lục mới lên mức cao nhất lịch sử giá vàng.
Trong suốt ngày 25-26/1, giá vàng vẫn neo ở mức cao cả ở chiều mua vào và bán ra.
Giá vàng lên mức 62,5 triệu đồng/lượng vào ngày 26/1, nhiều người tranh thủ đi chốt lời.
Cụ thể, vào 9h sáng ngày 26/1, giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 61,90-62,57 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra); Tập đoàn Phú Quý niêm yết ở ở mức 61,95-62,60 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra); Công ty Vàng bạc Bảo tín Minh Châu niêm yết ở mức 62-62,55 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra) …
Đến 6 giờ sáng ngày 27/1, giá vàng thế giới “lao đốc không phanh”, xuống còn 1.819 USD/ounce, tương đương 49,7 triệu đồng/lượng, giảm 35 USD so với phiên giao dịch ngày hôm 26/1 nhưng giá vàng Việt Nam chỉ điều chỉnh giảm nhẹ từ 50-100 nghìn đồng/lượng.
Cụ thể, SJC điều chỉnh giảm 100 nghìn đồng/lượng và niêm yết giá vàng ở ngưỡng 61,8-62,47 triệu đồng/ lượng bán ra; PNJ niêm yết vàng SJC ở mức 61,75-62,35 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), giảm 200 nghìn đồng ở cả 2 chiều; Phú Quý điều chỉnh còn 61,8-62,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 150-200 nghìn đồng/lượng.
Nhiều người xếp hàng đi bán vàng ngày 26/1 nhưng không sôi động như thời điểm tháng 8/2020.
Trong khi hầu hết các công ty kinh doanh vàng bạc đá quý điều chỉnh giảm giá, Maritime Bank là cơ sở duy nhất điều chỉnh giá tăng. Giá vàng Maritime Bank bán ra hiện đang cao nhất thị trường vàng trong nước với mức giá niêm yết 62,9 triệu đồng/ lượng, tăng 100.000 so với phiên giao dịch trước.
Điều dễ nhận thấy là mức chênh lệch giữa mua vào-bán ra được thu hẹp, chỉ từ 550-650 nghìn đồng/lượng nhưng mức chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và giá vàng thế giới ngày càng nới rộng.
Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân khiến giá vàng bất ngờ tăng là sự suy yếu của thị trường chứng khoán, cũng như sụt giảm mạnh mẽ của Bitcoin. Đồng thời, lạm phát và rủi ro địa chính trị cũng khiến nhà đầu tư có xu hướng tìm đến công cụ trú ẩn an toàn này.
Dự báo giá vàng miếng sẽ còn neo ở mức cao đến hết ngày 10/1 âm lịch.
Ông Huỳnh Trung Khánh – Cố vấn Cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, giá vàng tăng cao từ đầu tuần đến giờ và phá kỷ lục của năm 2020 trong khi giá vàng thế giới tăng nhẹ không phải do các đơn vị kinh doanh vàng tại Việt Nam tự nâng giá mà do nhu cầu thực sự của thị trường.
“Giá vàng tăng do nhu cầu mua vàng miếng tại thị trường Việt Nam hiện tại đang rất lớn do thị trường chứng khoán đang biến động bất thường. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư đã thoái vốn khỏi chứng khoán và chọn vàng làm nơi trú ẩn an toàn trước kỳ nghỉ Tết kéo dài”, ông Khánh phân tích.
Cũng theo ông Khánh, vào ngày Vía Thần Tài (10/1 âm lịch) năm nào nhu cầu mua vàng vật chất ở Việt Nam cũng tăng mạnh. Vào ngày này, các doanh nghiệp bán ra được từ 1,5-2 tấn vàng. Vì vậy, nhà đầu tư xuống tiền mua trước Tết khiến giá vàng tăng cao.
Dự báo về giá vàng sắp tới, ông Khánh cho rằng giá vàng còn neo cao trong khoảng 1-2 tuần tới rồi sẽ được điều chỉnh giảm.
Dự báo giá vàng sẽ quay đầu giảm vào tháng 3/2022.
Đồng quan điểm, ông Trần Xuân Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh khối vàng miếng của Phú Quý cho biết, mức giá 62,5-62,9 là mức đỉnh cao nhất của giá vàng năm 2022. Trong vài ngày tới, giá vàng sẽ còn tiếp tục giảm.
Theo ông Dũng, những ngày gần đây, giá vàng tăng nhanh, chênh lệch với thế giới đến gần 12 triệu đồng/lượng nhưng vẫn không có người mua và người bán nhiều. Vì vậy, chưa có đà giảm sâu.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, sau kỳ họp tháng 3 của Fed về việc tăng lãi suất thì khả năng giá vàng thế giới và giá vàng trong nước sẽ giảm sâu, về mốc 54-57 triệu đồng/lượng. Thậm chí là xuống mốc dưới 50 triệu đồng/lượng nếu người dân ồ ạt mang vàng đi bán hoặc Ngân hàng Nhà nước cho phép đấu thầu vàng.
“Nếu người dân ồ ạt mang vàng đi bán thì giá sẽ giảm rất nhanh vì xuất hiện lực bán mạnh thì giá vàng trong nước sẽ rơi nhanh và sâu để co hẹp khoảng cách giữa giá vàng Việt Nam và vàng thế giới. Hoặc, nếu Ngân hàng Nhà nước cho đấu thầu vàng thì ắt giá trong nước sẽ co vào sát giá vàng thế giới”, ông Dũng nói.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng triệu người đang trong độ tuổi lao động đã rời các thành phố lớn để về quê...
Nguồn: [Link nguồn]