Tình không biên giới: Ly hôn vì lệch pha!

Họ đến với nhau bằng tình yêu và sự tự nguyện của tiếng gọi con tim! Nhưng, chỉ vài tháng hoặc vài năm sau, một bên đơn phương gửi đơn xin ly hôn.

Ngày tòa triệu trát xử, chỉ mỗi đương sự xin ly hôn có mặt, người còn lại thì… đang ở tận phương trời xa tít tắp. Vài năm trở lại đây, thực trạng ly hôn có yếu tố người nước ngoài ở Đà Nẵng có dấu hiệu gia tăng. Đi tìm lời giải của căn nguyên này, người viết không khỏi chạnh lòng xót nghĩ: Dường như với họ, hôn nhân - gia đình chỉ là cái cớ…

Qua giới thiệu của người thân và sau 2 tháng tìm hiểu, tháng 5-2006, ông C. (1960, trú Q. Hải Châu, Đà Nẵng) tiến đến hôn nhân với N.H. - thua ông đến những 2 con giáp, lại ở tận bên Đức. Kết hôn xong, ở với nhau được vài tuần, “tân nương” bay sang Đức, để ông C. một mình vò võ ở quê nhà. Lúc quen nhau, ông C. không lường hết được sự lệch pha về tuổi tác, về quan niệm sống... Vì thế, sau khi kết hôn, dù không sống gần nhau nhưng qua điện thoại, thư từ, giữa họ bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn. Sau 5 năm kết hôn nhưng theo kiểu mạnh ai nấy sống, không quan tâm lẫn nhau, biết không thể kéo dài cuộc hôn nhân trên danh nghĩa đó, tháng 11/2011, ông C. đơn phương gửi đơn xin ly hôn. Trong đơn, ông C. trình bày nguyên nhân: “... do phong cách, lối sống, tính tình hoàn toàn khác nhau. Cô N.H. sang Đức sống hơn 5 năm nay, còn tôi vẫn ở lại Việt Nam. Chúng tôi mạnh ai nấy sống, không liên lạc và quan tâm lẫn nhau. Tôi cảm thấy tình cảm giữa tôi và cô N.H. không còn hạnh phúc, đã thực sự tan vỡ, không còn khả năng hàn gắn và đoàn tụ nữa, tôi yêu cầu tòa án giải quyết cho tôi được ly hôn...”.

Tương tự, cô T. (1975, trú Q. Sơn Trà) và Q.M. (1956, Việt kiều Mỹ) quen nhau qua giới thiệu của người thân. Mặc dù chỉ qua điện thoại, email, nhưng T. cảm thấy “kết” người đàn ông ở cách nửa vòng trái đất, hơn mình đến 19 tuổi. Sau 3 tháng quen nhau, ông Q.M. về Việt Nam làm thủ tục cưới T. vào năm 2007. Một tháng sau ngày cưới, ông Q.M. trở về Mỹ, T. ở lại Việt Nam. Họ vẫn liên lạc, thư từ qua lại đến cuối năm 2008 thì... thôi. Theo cô T. trình bày thì trong khoảng thời gian còn giữ liên lạc với nhau, ông Q.M. có về lại Việt Nam 2 lần để làm thủ tục cho cô qua Mỹ đoàn tụ, nhưng cô không muốn đi nữa nên đã hủy thủ tục. Trong đơn ly hôn, cô cho rằng, do tình cảm giữa mình và ông M. không còn được như trước. Hơn nữa, cô được biết hiện chồng cô đang có quan hệ với một người đàn bà khác nên cô yêu cầu được ly hôn.

Tình không biên giới: Ly hôn vì lệch pha! - 1

Đại diện ngành Tư Pháp Đà Nẵng phỏng vấn trường hợp hôn nhân có yếu tố người nước ngoài

So với trường hợp của ông C. và cô T. đơn phương ly hôn và không nhận được phản hồi từ phía người bị đề nghị ly hôn, thì trường hợp của cô Tr. (1989, trú Hòa Vang) gửi đơn lên tòa án xin được ly hôn lại có phần khác hơn. Sau một thời gian quen biết qua mai mối, cô Tr. kết hôn với N.Đ.T (Việt kiều Mỹ) lớn hơn mình 23 tuổi. Sau khi kết hôn, 2 người về ở cùng bố mẹ chồng được 2 tháng thì ông Đ.T. bay về Mỹ. Lúc này, Tr. biết mình đã mang thai nên báo tin cho chồng biết. Hay tin, ông Đ.T bay về Việt Nam và đưa vợ đi du lịch Đà Lạt 2 tháng rồi lại bay về Mỹ. Kể từ đó, ông không liên lạc gì nữa và mặc dù Tr. đã nhiều lần điện thoại nhưng ông cũng không nghe máy. Khi cô Tr. gửi đơn xin ly hôn, TAND TP Đà Nẵng gửi thông báo thụ lý vụ án ly hôn cho ông Đ.T. Ngày 21/11/2011, ông Đ.T có văn bản gửi lại với nội dung đồng ý ly hôn. Trong đơn, ông M. bộc bạch sự thật, do không thể làm thủ tục bảo lãnh cho vợ con sang Mỹ nên tình cảm giữa 2 người ngày càng rạn nứt. Ông M. đồng ý ly hôn và xin phép vắng mặt, đồng thời thỏa thuận gửi tiền trợ cấp để nuôi con...

Qua tìm hiểu, hầu hết những vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài, nguyên nhân dẫn đến sự tan vỡ là do mâu thuẫn trong suy nghĩ, phong tục, tập quán, do không lường trước được sự “lệch pha”... Mặc dù trước đó, khi làm thủ tục kết hôn, họ đều trình bày rằng, đến với nhau trên cơ sở tự nguyện, có tìm hiểu và cảm thấy có thể... “ăn đời ở kiếp” với nhau... Không riêng gì các cặp ly hôn do “lệch pha” về tuổi tác, những vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài chỉ cách nhau vài ba tuổi cũng cho rằng, nguyên nhân tan vỡ là vì vội vàng, thiếu tìm hiểu kỹ về nhau...

Tình không biên giới: Ly hôn vì lệch pha! - 2

Một phiên tòa xét xử ly hôn (ảnh minh họa)

Trao đổi với ông Châu Thanh Việt - Trưởng phòng Hành chính tư pháp (Sở Tư pháp TPĐN), được biết, từ khi Chính phủ ban hành NĐ số 68/2002 và NĐ 69/2006 với những quy định cụ thể về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài đã tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý và đăng ký kết hôn đối với những trường hợp này. Theo đó, công tác hộ tịch có yếu tố nước ngoài nói chung và việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng đã đi vào ổn định, đáp ứng được yêu cầu quản lý về mặt Nhà nước. Tuy nhiên, quy định của pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn những vướng mắc, bất cập, có một số quy định chưa cụ thể, chưa phù hợp thực tiễn.

Ông Việt đơn cử: “Đối với người kết hôn là công dân Việt Nam đang định cư tại nước ngoài, thì giấy tờ chứng minh còn độc thân là xác nhận tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người kết hôn đang cư trú cấp. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều trường hợp đã lập gia đình trước khi xuất cảnh, khi được nhập cư ở nước ngoài lại không khai báo trung thực về vấn đề này nên nước sở tại không hay biết. Đó là chưa kể có trường hợp do định cư ở nhiều nước khác nhau nên rất khó quản lý về vấn đề hôn nhân trước khi xuất cảnh, nhập cư sang nước khác... Do NĐ số 68/2002 không quy định người đăng ký kết hôn cần phải có xác nhận tình trạng hôn nhân tại chính quyền sở tại nơi họ có hộ khẩu thường trú trước khi xuất cảnh, cũng như công tác phối hợp thẩm tra, xác minh của Sở Tư pháp nơi đương sự đã thường trú trước khi xuất cảnh, nên trong trường hợp trước khi xuất cảnh đương sự đã đủ tuổi kết hôn thì Sở Tư pháp không thể xác định được tình trạng hôn nhân ở giai đoạn này.

Ngoài ra, NĐ số 68 quy định Giấy xác nhận lời tuyên thệ của đương sự về tình trạng hôn nhân hiện tại thay thế cho giấy tờ chứng minh về tình trạng hôn nhân là không chặt chẽ. Bởi trên thực tế, các nước cho phép tuyên thệ độc thân như Hoa Kỳ, Canada, Australia chỉ là chứng nhận về hình thức, không chịu trách nhiệm về nội dung tuyên thệ. Điều này đã làm nảy sinh tình trạng một số trường hợp đương sự có giấy tuyên thệ độc thân khi nộp hồ sơ đăng ký kết hôn, nhưng qua phỏng vấn, xác minh của Sở Tư pháp hoặc qua đơn tố cáo, khiếu nại của người vợ, Sở Tư pháp mới phát hiện đương sự đã đăng ký kết hôn và chưa ly hôn, hoặc đã xác lập quan hệ vợ chồng trước ngày 3/1/1987 (hôn nhân thực tế) tại Việt Nam nhưng chưa ly hôn...”.

Cũng theo ông Việt, do NĐ 69 chưa quy định rõ ràng những trường hợp như thế nào là kết hôn không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, nên trong quá trình áp dụng quy định này, cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo P.Nết (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN