Tình không biên giới: Khi mục đích không thành

Vì tế nhị, nên hầu hết các đơn xin ly hôn có yếu tố nước ngoài đều không nói rõ sự thật về nguyên nhân dẫn đến sự tan vỡ gia đình. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, được biết, phần lớn các vụ ly hôn này đều xuất phát từ nguyên nhân do mục đích hôn nhân không thành…

Sẽ là quy chụp, vơ đũa cả nắm khi nói rằng, hầu hết các cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài đều xuất phát từ động cơ, mục tiêu vụ lợi cá nhân. Có những cuộc hôn nhân đến với nhau bằng tình yêu thực sự. Tuy nhiên, trường hợp này không phải là đa số.

Tình không biên giới: Khi mục đích không thành - 1

Nhiều trường hợp lấy chồng ngoại chỉ với mục đích kinh tế (ảnh minh họa)

Phần lớn, kết hôn với người nước ngoài chỉ nhằm mục đích để được hợp thức hóa thủ tục bảo lãnh xuất ngoại với ảo vọng về một cuộc sống sung túc hơn ở xứ người. Khi mục đích không đạt được, họ chẳng dại gì kéo dài một cuộc hôn nhân chỉ có trên giấy tờ. Cũng có trường hợp tuy còn yêu nhau, nhưng vì kinh tế, họ chấp nhận ly hôn để... cả hai cùng có lợi. Câu chuyện của anh V. (trú Q. Sơn Trà) với chị T. là một ví dụ. V. quen, yêu và có con với T. tại Việt Nam khi cô chưa tròn 18 tuổi. Vì vậy, đợi đến khi cô đủ tuổi thì họ mới làm thủ tục kết hôn. Sau đó, T. đi lao động tại Nhật. Đến đầu tháng 5-2012, anh V. đơn phương gửi đơn xin ly hôn với vợ. Khi tìm hiểu nguyên nhân, cán bộ thụ lý mới vỡ lẽ, anh V. ly hôn là theo đề nghị của vợ để cô dễ bề “ký hợp đồng” kết hôn với người khác, bảo lãnh cho người này sang Nhật rồi lấy tiền để chu cấp cho chồng con... Nghe cũng có vẻ xuôi tai, nên anh V. đã đồng ý làm theo vợ...

* Theo T.Ư Hội LHPN Việt Nam, 18 trung tâm hỗ trợ kết hôn ở các tỉnh, thành phố được thành lập đã giải quyết tốt những trở ngại về kết hôn với người nước ngoài. Hơn 6.500 trường hợp được tư vấn giúp chị em chuẩn bị tâm lý, kiến thức pháp luật, hiểu rõ hơn, trước khi lấy chồng nước ngoài. Đã có nhiều trường hợp rút lại hồ sơ, không lấy chồng sau khi nghe tư vấn.

* Theo khảo sát của Viện Khoa học lao động - xã hội tại 7 tỉnh, thành phố có đông phụ nữ lấy chồng nước ngoài, có tới 83,6% cô dâu Việt Nam hài lòng với hôn nhân. Rất nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài đã gửi tiền về giúp gia đình cải thiện cuộc sống; trong đó 36,3% hộ có mức sống giàu có hoặc khá giả; 54,7% hộ có mức sống trung bình. Cũng vì lý do kinh tế nên không ít trường hợp phụ nữ bị lợi dụng, lừa gạt bán làm gái mại dâm.

* Hơn 272.000 phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài từ năm 1998 đến giữa năm 2011 là con số mà Bộ CA đưa ra tại Hội nghị toàn quốc bàn về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (ngày 22-4-2011, tại Cần Thơ). Các ngành chức năng nhận định, trong xu thế hội nhập quốc tế việc phụ nữ nước ta kết hôn với người nước ngoài là tất yếu. Vấn đề là làm thế nào để không bị mất cân bằng giới tính, không ảnh hưởng thuần phong mỹ tục và hình ảnh phụ nữ Việt Nam.

B.T

Lại có trường hợp, tình yêu đến từ một phía, phía còn lại kết hôn chỉ để lợi dụng. Câu chuyện tình bi ai giữa một người nước ngoài (1952 - xin được giấu tên) đến từ Australia với một phụ nữ Việt Nam (trú Đà Nẵng) xảy ra cách đây 4 năm khiến nhiều người biết chuyện không khỏi chạnh lòng. Được biết, sau khi nghỉ hưu, người nước ngoài này sang Đà Nẵng sinh sống. Trong những lần đi ăn, ông tình cờ quen, yêu và quyết định tiến tới với cô gái tiếp thị thua mình đến 24 tuổi. Rồi vì tin và yêu vợ, ông không mảy may nghi ngờ, quyết định chuyển tiền từ Australia sang để cô xây nhà, mở Cty riêng, mua ô-tô với số tiền rất lớn. Tất cả số tài sản này sau đó đều đứng tên vợ hoặc người thân bên vợ. Điều lạ là dù đã là vợ chồng, nhưng cô K. lại không muốn có con. Cho đến một ngày cô đòi ly hôn thì người chồng này mới biết mình đã bị lợi dụng. Đau đớn, thất vọng đến cùng cực, đã có lúc ông có ý định quyên sinh vì cú lừa tình ngoạn mục này...

Theo thống kê của Sở Tư pháp TP Đà Nẵng, từ năm 2007 đến 2011, có 1.096 trường hợp xin đăng ký kết hôn với người nước ngoài. Trong khi đó, thống kê từ TAND TPĐN cho biết, năm 2009, TAND TP xét xử 61 vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài. Năm 2010 là 55 vụ, năm 2011 lên đến 61 vụ. Riêng năm 2012 (tính đến ngày 30-3), số vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài đã được xét xử là 36. Nếu đem so sánh với năm 2006, thì số vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài 2 năm trở lại đây tăng gần gấp đôi. Đây là thực trạng đáng suy ngẫm và quan ngại...

Có thể nói, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tan vỡ của những cuộc tình không biên giới. Nhưng, sâu xa của vấn đề này chính là ở sự rạn nứt, sự lệch lạc trong tư tưởng, trong cách nhìn nhận về hôn nhân - gia đình thời hiện đại. Chính sự lệch lạc, dễ dãi đối với vấn đề vốn được xem là đại sự của một đời người, họ đã tự tạo ra bi kịch cho chính cuộc đời của mình. Họ không xem việc kết hôn, lập gia đình là điểm tựa, là nơi để gửi gắm yêu thương, tôn trọng và sẻ chia, mà chỉ là sự hợp thức hóa để đạt được mục đích cá nhân, hoặc chỉ để chạy theo một trào lưu, của sự vội vã. Lý giải về việc kết hôn rồi ly hôn chóng vánh của những cuộc tình không biên giới này, nhiều người thường đổ lỗi gọn là do hệ lụy của nền kinh tế thị trường, hệ lụy của mặt trái thời mở cửa, hội nhập. Đó cũng là nguyên nhân, nhưng sâu xa hơn chính là sự khủng hoảng trầm trọng về giá trị trong gia đình Việt Nam hiện nay. Sự khủng hoảng ấy chính là mầm mống của những cuộc hôn nhân chóng vánh kết thúc khi mục tiêu cá nhân không đạt được. Đã đến lúc cần nhận thức được tầm quan trọng của sự liên thông giữa sự phát triển lành mạnh của gia đình với sự ổn định xã hội, đến phát triển kinh tế và chi phối tất cả các vấn đề... Bởi, gia đình chính là nền tảng của xã hội. Một gia đình hạnh phúc sẽ góp phần làm xã hội ngày càng phát triển, tốt đẹp hơn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo P.N (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN