Tiếng rao ở Đà thành
Mỗi tiếng rao phản chiếu một thân phận con người, một cảnh đời, một nốt nhạc trầm trong dàn đồng ca của cuộc sống. Ở Đà Nẵng, tiếng rao ấy cũng phản ánh một phần phong cách sống của người dân thành phố bên bờ sông Hàn: đa phương, đa âm, tha thiết, sâu lắng, day dứt...
Những giọng đời...
Tiếng rao không chỉ thể hiện qua lời rao, mà thể hiện rất nhiều qua âm điệu giọng rao, cảm xúc bên trong... mà người bán hàng rong không biết đã vô tình hay cố ý đưa vào. Qua tiếng rao, cuộc sống muôn mặt dội về với đủ sắc màu. Mỗi tiếng rao biểu trưng cho một món hàng. Mỗi lời rao là hiện thân của một số phận, tính cách, một kiểu âm lượng, chất giọng khác nhau. Có tiếng rao cao, rao thấp, tiếng rao trầm bổng... nhưng hầu hết là man mác buồn.
Ở Đà Nẵng, tiếng rao bán hàng rong vừa mang sự mộc mạc, giản dị của con người xứ Quảng, vừa thấm đượm những nỗi niềm riêng tư. Tiếng rao buổi sáng mai thường nghe trong trẻo, lảnh lót, khỏe khoắn và vui tươi. Đây là âm thanh của một ngày mới, âm thanh của tương lai và niềm hy vọng vào một ngày bán được nhiều hàng của người bán hàng rong. Sau một đêm dài nghỉ ngơi, người bán hàng rong đã có thêm sức khỏe, giọng rao cũng trong hơn, vì vậy tiếng rao càng thêm vui tươi, tin tưởng hơn.
Tiếng rao buổi trưa và buổi chiều có phần chùng xuống, phần do âm thanh của các loại xe và máy móc hoạt động ồn ã, lấn át, phần vì sức nóng đông đúc của một thành phố đô thị loại một. Thi thoảng, có những tiếng rao vẫn cố gắng vượt lên tiếng ồn của cuộc sống công nghiệp, nhưng không kéo dài.
Tiếng rao lúc đêm khuya nghe chừng khắc khoải, đau đáu nỗi niềm. Đây là thời khắc mọi người đầm ấm bên gia đình, chỉ còn người bán hàng rong phải rong ruổi trên khắp các nẻo đường, ngõ phố. Nên vậy có một niềm tủi hờn nào đó xen lẫn trong những tiếng rao, pha thêm sự mệt mỏi sau một ngày vất vả. Có thể nói, tiếng rao đêm khuya là tiếng rao đầy cảm xúc, chở nặng ân tình, là “đỉnh cao của tiếng rao” bởi lúc này nó mới nói lên đầy đủ một cuộc sống, một thân phận, nỗi niềm, mang cái dáng lầm lũi, âm thầm, lặng lẽ của cảnh đời chọn nghiệp bán rong.
Còn nữa, tùy theo mỗi người, tiếng rao bán hàng rong cũng mang cảm xức ở những cung bậc khác nhau. Đối với trẻ em, tiếng rao thanh thoát, cao, trong trẻo, là hiện hữu của những ước mơ, niềm hy vọng, tin tưởng vào tương lai, mặc dù bên trong vẫn ẩn chứa chút gì đó mặc cảm với những bạn đồng lứa tuổi.
Tiếng rao hàng rong vang khắp các ngõ phố Đà thành từ sáng sớm đến khuya
Tiếng rao của người lớn thì chắc khỏe, âm thanh dài. Tiếng rao bán hàng rong của người đàn ông thường trầm hơn tiếng rao của người phụ nữ. Tiếng rao của những người già luôn trầm mặc, thậm chí chỉ như những lời nói bình thường.
Những ân tình lưu lại...
Dù chỉ là một âm thanh rất bình dị trong cuộc sống thường ngày, nhưng tiếng rao bán hàng rong vẫn để lại những dư âm rất sâu đậm trong tâm thức của người dân Đà Nẵng. Đôi khi, gánh hàng rong đã thân thuộc đến mức âm thanh những bước chân của người bán trên đường phố vào mỗi đêm khuya cũng đủ trở thành một tiếng rao đối với người mua hàng. Nhiều người yêu tiếng rao ngọt ngào tha thiết của những người bán hàng rong như yêu chính những tô mì Quảng hay những tô bánh canh nóng hổi, coi đó như một phần không thể thiếu mỗi ngày. Với những người đã từng gắn một phần cuộc đời mình với quang gánh, tiếng rao như đã gợi lại những kỷ niệm thời xa xưa, khi hầu hết mọi người còn vấn vương trong vòng khổ cực, khi nhà nhà vẫn còn trong cảnh gồng gánh bán buôn, chạy ăn từng bữa. Trong nhịp sống vất vả ấy, cái tình lại chân chất, gắn bó. Bởi vậy, tiếng rao gợi lên trong mỗi người niềm yêu thương, quý trọng về giá trị lao động, giá trị con người.
Đối với những người xa quê hương, tiếng rao bán hàng rong như tiếng gọi của quê hương da diết, nhớ mong. Người xa quê hương tới Đà Nẵng sinh sống, nghe một tiếng rao mang âm lượng xứ sở mà lòng không khỏi nôn nao, xao xuyến, bỗng thân quen như gặp cả quê hương, hình hài xứ sở. Người Đà Nẵng xa quê, mang theo tiếng rao như mang theo một phần của hồn đất hồn người, mang theo những thứ làm nên cái định nghĩa của câu hỏi ấu thơ: “Quê hương là gì hở mẹ/ Mà cô giáo dạy phải yêu...”.
Đơn giản là vậy, quê hương đôi khi chỉ là một tiếng rao bán hàng rong, vậy mà da diết, thân thương, nhung nhớ đến nao lòng...