Thuê xã hội đen đòi nợ

Thời gian gần đây, trên địa bàn TP Đà Nẵng, các loại tội phạm cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... xuất phát từ nguyên nhân đòi nợ thuê diễn biến hết sức phức tạp, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân.

Để đạt được mục đích thu hồi nợ khó đòi, chủ nợ bỏ tiền thuê các băng, nhóm có tiền án, tiền sự... sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, tàn độc, xảo quyệt... gây áp lực, buộc con nợ phải trả. Trong giới hạn loạt bài viết này, chúng tôi nêu lên thực trạng về tệ nạn đòi nợ thuê tại TP Đà Nẵng như là lời cảnh báo, để mọi người chung tay cùng lực lượng CA ngăn chặn, đẩy lùi nó.

Từ vay nóng...

Cách đây 4 năm, tại TP Đà Nẵng xảy ra vụ án cưỡng đoạt tài sản và bắt giữ người trái pháp luật có liên quan đến băng nhóm đòi nợ thuê gây xôn xao dư luận. Thời điểm đó, chúng tôi trực tiếp tham gia cùng cơ quan CSĐT CAQ Cẩm Lệ phá Chuyên án 159T, làm rõ nhóm hơn 20 đối tượng đòi nợ thuê do Trần Thị Kim Phương cầm đầu, ghi nhận khá chi tiết về sự việc này.

Trong thời gian sinh sống tại P. Khuê Trung (Q. Cẩm Lệ), chị Vương Thị T. (chủ một đại lý vé số trên đường Cách Mạng Tháng Tám) có quan hệ tình cảm với anh Hoàng Văn B. Anh B. là dân kinh doanh, đầu năm 2007 có vay nóng của Trần Thị Kim Phương (trú  P. Thanh Bình, Q. Hải Châu - chủ quán Karaoke Đ.H) 100 triệu đồng. Do công việc làm ăn không thuận lợi, số tiền vay nợ lãi mẹ đẻ lãi con, mất khả năng chi trả, anh B. bỏ trốn lên Gia Lai. Mặc dù không có liên quan gì đến chuyện vay mượn tiền giữa anh B. và bà Phương, nhưng khi anh B. bỏ trốn, ngày 20-3-2008, bà Phương thuê nhóm 7 đối tượng đến nhà đe dọa, bắt chị T. lên ô-tô chở đến quán cà-phê và buộc phải viết giấy nợ 120 triệu đồng. Từ đơn trình báo của bị hại, CAQ Cẩm Lệ tổ chức lực lượng bắt quả tang, truy tố toàn bộ số đối tượng gây án và khởi tố bà Phương. về 2 tội danh “Cưỡng đoạt tài sản” và “Bắt giữ người trái pháp luật”.

Thuê xã hội đen đòi nợ - 1

Một nhóm đối tượng đòi nợ thuê bị đưa ra xét xử

Ngoài địa bàn Q. Cẩm Lệ, trong quá trình phá Chuyên án 159T, thời gian này, CATP Đà Nẵng tập trung chỉ đạo lực lượng CA các đơn vị, địa phương triệt phá hàng loạt các băng nhóm bảo kê, đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, hủy hoại...

Bẵng đi thời gian khá dài, các băng nhóm im hơi lặng tiếng, sau đó manh nha hoạt động trở lại với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn. Đáng lo ngại nhất là hành vi đòi nợ thuê ngày càng gia tăng, gây bức xúc, hoang mang dư luận.

Theo thượng tá Nguyễn Hữu Lài - Phó trưởng Phòng CSĐTTPVTTXH CATP Đà Nẵng, việc đòi nợ thuê nảy sinh từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự tác động không nhỏ của vấn đề suy thoái kinh tế trong vài năm trở lại đây. Qua nghiên cứu hồ sơ từng vụ việc cụ thể cho thấy, lạm phát tăng cao, nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thua lỗ, không có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng nên buộc phải vay nóng nguồn vốn tín dụng đen để tiếp tục đầu tư sản xuất.

Tuy nhiên, do lãi suất quá cao, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, mất khả năng chi trả, người vay tuyên bố phá sản bỏ trốn, chủ nợ không thu hồi được vốn nên tìm cách giải quyết tiêu cực là thuê các băng nhóm giang hồ đòi nợ. Mới đây, ngày 15-6-2012, Đội Chống cướp giật và các loại tội phạm khác thuộc Phòng CSBV&CĐ CATP Đà Nẵng bắt quả tang nhóm 3 đối tượng đòi nợ thuê, gồm Võ Văn S. (1980), Nguyễn Đại D. (1991), Võ Hoàng M. (1989, cùng trú Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) khi đang nhận tiền từ bà Võ Thị N. (trú P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu).

Thuê xã hội đen đòi nợ - 2

Mẫu giấy ủy quyền cho các đối tượng đòi nợ thuê và tang vật của một vụ án đòi nợ thuê

Theo khai nhận của nhóm này, năm 2008, trong quá trình kinh doanh, chồng bà N. (đã mất) nợ ông Hà Thanh H. 100 triệu đồng nên đầu tháng 6-2012, ông H. nhờ S. đòi nợ giúp, nếu được sẽ trả công 35%/tổng số tiền. Được S. đồng ý, ông H. viết giấy ủy quyền cho S. với nội dung: “Tôi tên H., hiện bà N. có nợ tôi số tiền 100 triệu đồng, nhưng do công việc nên tôi không lấy tiền bà N. được. Nay tôi làm giấy ủy quyền này cho em tôi là Võ Văn S. lấy giúp”. Viết xong giấy ủy quyền, ông H. bảo S. nhắn tin uy hiếp, đe dọa để bà N. sợ mà trả tiền. Quá sợ hãi, bà N. đành chấp nhận trả trước cho S. một số tiền để gia đình được yên. Đúng hẹn, sáng 15-6, S. gọi điện cho D., bảo đi đòi nợ cùng mình, nếu lấy được sẽ cho 1 triệu đồng. D. đồng ý và gọi thêm M. tham gia để tạo thêm “uy lực” và cũng nhằm kiếm ít tiền tiêu xài. Cả ba điều khiển 2 xe máy đến nhà bà N. để nhận tiền. Đến nơi S. đứng ngoài cảnh giới, còn D., M. vào để lấy tiền và ghi giấy biên nhận. Trong lúc D. và M. đang nhận tiền thì bị CA bắt quả tang...

... Đến cá độ bóng đá

Thượng tá Nguyễn Văn Cung - Phó trưởng Phòng CSĐTTPVTTXH CATP Đà Nẵng cho biết, ngoài vay nóng lãi suất cao, mất khả năng chi trả, việc nợ nần do cá độ bóng đá thông qua các giải VĐQG Châu Âu, VCK Euro, World Cup cũng là nguyên nhân làm gia tăng vấn nạn đòi nợ thuê. Mới đây, CAQ Thanh Khê bắt giữ 4 đối tượng liên quan đến vụ cưỡng đoạt tài sản dưới dạng đòi nợ thuê gồm Nguyễn Minh H. (1982, trú P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu), Đoàn Vũ T. (1985), Nguyễn Thiện T. (1982, trú P. Thanh Bình, Q. Hải Châu) và Dương Thanh B. (1992, trú đường Điện Biên Phủ, Đà Nẵng). Các đối tượng này đến nhà chị Trịnh Thu B. (trú đường Thái Thị Bôi, TP Đà Nẵng) đòi 180 triệu đồng do chồng chị B. là Trần Kim T. nợ cá độ bóng đá. Do chị B. không có tiền trả nên chúng lấy 1 tivi trị giá 18 triệu đồng, khi ra khỏi nhà thì bị Tổ công tác đặc biệt thuộc Đội CSĐTVTTXH  CAQ Thanh Khê bắt quả tang.

Tháng 10-2011, CAQ Hải Châu phá thành công Chuyên án 027C, bắt tạm giam Nguyễn Văn P. (1981, trú Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng), Trần Ngọc M. (1984), Nguyễn Văn T. (1989, đều trú Q. Hải Châu) và Huỳnh Văn Q.  (1987, trú Q. Liên Chiểu) về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”.  Quá trình đấu tranh xác định, năm 2011, anh A. (trú P. Hòa Cường Nam, Q. Hải Châu) được “mời” làm “đại lý” cá độ bóng đá qua mạng Internet và được hưởng hoa hồng theo tỷ lệ phần trăm trên số tiền thu được. Sau khi bắt tay vào mạng lưới này, có nhiều người đến ghi tỷ số tại nhà anh A., trong đó có một người thua độ với số tiền gần 200 triệu đồng nhưng không thể thanh toán. Lúc này, chủ đường dây đứng vào thế “nắm kẻ có tóc” nên đã thuê Ph. cùng đồng bọn đến đòi nợ, buộc anh A. phải trả số tiền gần 200 triệu đồng của người thua độ. Quá hoảng sợ, anh A. cùng gia đình vay mượn khắp nơi được 70 triệu đồng để đưa trước cho êm chuyện. Không dừng lại ở đó, ngày 24-10-2011, Ph. cùng đồng bọn tiếp tục đánh anh A. gây thương tích, đe dọa buộc phải viết giấy nợ hơn 100 triệu đồng. Khi đã có được giấy nợ, liên tiếp sau đó Ph. cùng đồng bọn đến nhà anh A. đe dọa, đòi tiền...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đ.V-T.D (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN