Thời gà kiểng lên ngôi (Kỳ 1)

Trong khi cá kiểng có vẻ như đang ở giai đoạn thoái trào, chim kiểng vào lúc cực thịnh thì phong trào chơi gà kiểng đã manh nha một màn ra mắt hoành tráng ở những ngày không xa.

“Sinh sau đẻ muộn” so với TPHCM, miền Tây hay Hà Nội, nhưng trào lưu gà kiểng tại Đà Nẵng bắt đầu có thủ lĩnh, có tổ chức với mong muốn hướng tới chuyên nghiệp. Tất nhiên, “nghề chơi” là một nghề công phu, cũng có khóc, có cười, có “học phí” hẳn hoi.

Trước khi có số má trong giới chơi gà, Hồ Đắc Trúc (trú P. Thuận Phước, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) đã một thời “lên bờ xuống ruộng”, ngậm đắng nuốt cay vì cá và chim cảnh. Cứ kết thúc một trào lưu, anh bay đi cả trăm triệu đồng. Tay chơi có chỏm râu cột bằng dây su cứ giật gân cổ mỗi khi nhắc đến chim và cá, mặc dù nó đã từng làm anh đam mê đến quên ăn quên ngủ, vợ thường xuyên cằn nhằn. “Chơi cá, chơi chim ngày trước là đam mê, mà đam mê thì hay bị lún sâu. Giờ chơi gà là cái thú, trong cái thú vui vừa tập hợp được bằng hữu lại vừa giải quyết được vấn đề kinh tế. Anh em vẫn gọi tôi là “đại gia gà kiểng”, vì tôi đang sở hữu số gà tuyển đủ để cung cấp cho dân chơi Đà Nẵng” - Trúc tự tin, cái tự tin của một dân chơi đã trải qua nhiều bầm dập.

Thời gà kiểng lên ngôi (Kỳ 1) - 1

Cặp gà Serama này có giá khoảng 6 triệu đồng

Nhà Trúc cuối một con hẻm nhỏ tại tổ 10 của P. Thuận Phước. Tầng trệt chủ yếu là dùng để sinh hoạt cho gia đình, chỉ chừng vài con gà tuyển và một con mèo rừng. Có con mèo vằn dáng tựa con báo thì chẳng có chuột hay chú mèo nhà nào dám lảng vảng quanh những chiếc lồng gà. Ai đi qua ngôi nhà vào lúc mở cửa cũng nán lại để chiêm ngưỡng những chú gà sặc sỡ với kiểu dáng cực độc mà thèm thuồng. Nguyên cả tầng thượng trước đây dùng để nuôi chim, nuôi cá, giờ được cải tạo khép kín để nuôi gà kiểng. Nhìn vào muốn choáng. Trúc nói, gà kiểng của dân chơi Đà Nẵng hiện tại phổ biến các giống như gà tre Tân Châu (xuất xứ từ An Giang), gà Thái, gà Serama, gà Foenix (Mỹ). Mỗi dân chơi, nhóm chơi thường sở hữu một giống nào đó, còn anh thì đang có tất cả. “Người mới chơi gà kiểng thì bắt đầu bằng gà Tân Châu, vì là gà nội, giá tương đối rẻ, dễ nuôi và lai tạo. Cao hơn thì chơi các giống gà ngoại từ Malaysia, Singapore, Thái Lan, Mỹ” - Trúc cho biết. Nói giá rẻ đối với gà kiểng, thì cũng phải tiền triệu mới đủ tự tin cắp nách đi giao lưu vào mỗi buổi sáng tại các quán cà-phê, các trung tâm sinh vật cảnh. Tuy vậy, ở câu lạc bộ gà kiểng thì cậu “sinh viên tập sự” có thể mang chú Tân Châu dăm bảy trăm ngàn đồng ngồi bình luận với các tay chơi Serama trị giá vài chục triệu đồng.

Là tay chơi sở hữu bộ sưu tập gà cả gần nửa tỷ bạc, nhưng hầu hết những con giống có khả năng lai tạo Trúc đều phải đặt hàng qua mạng từ TPHCM. Chỉ cần vào các trang web, các diễn đàn về gà kiểng... tạo tài khoản, đăng ký thành viên và có đóng góp tích cực cho diễn đàn thì có thể tham khảo, đặt hàng để mua. Chỉ cần gửi tiền, nhanh thì 2 ngày, chậm thì gần 1 tuần là sở hữu được những chú gà yêu thích. Gọi Trúc là “đại gia” vì theo anh, “chắc chắn tôi là một trong những người đầu tiên ở Đà Nẵng kiếm được tiền từ việc nuôi gà kiểng”.

Thời gà kiểng lên ngôi (Kỳ 1) - 2

“Đại gia gà kiểng” Hồ Đắc Trúc với khối tài sản của mình

Chưa tới đẳng cấp như Trúc, nhưng anh Lê Văn Phước (trú tổ 37, P. Tam Thuận, Q. Thanh Khê) cũng đang sở hữu gần 70 con gà kiểng với 2 giống chủ yếu là Tân Châu và Foenix. Đi lên từ một vài chú gà mà dân chơi hạng sang ở tứ xứ muốn đẩy đi để “vươn lên một tầm cao mới”, anh Phước đã tìm hiểu mọi thông tin về lai tạo để cho ra những chú gà có kiểu dáng khác nhau. Nếu như tay chơi Hồ Đắc Trúc đã bầm dập vì đam mê để có được một khối tài sản mà người chơi gà phải phát thèm thì anh Phước là một nhân viên của Ga Đà Nẵng.

Bắt đầu bằng thú vui nhưng đã không giấu diếm ý định cùng các bằng hữu xây dựng thương hiệu của gà kiểng Đà Nẵng cũng như trở thành nguồn cung ứng cho các “kê thủ” có niềm đam mê. Với tham vọng gây dựng phong trào mang đậm chất của Đà Nẵng, “đại gia” Hồ Đắc Trúc xứng đáng với vai trò Phó Chủ nhiệm CLB Gà kiểng của thành phố trong khi “thiếu gia” Lê Văn Phước có chân ủy viên với nhiệm vụ kết nối dân chơi và gây dựng phong trào. Anh Phước bảo, anh em gọi vui vậy thôi, chứ cùng sở thích rồi thì “nhạc và lời như nhau”, Đà Nẵng đã có rất nhiều người chơi gà kiểng nhưng chưa tham gia CLB. Thậm chí, Đà thành đã xuất hiện những tay chơi sở hữu những chú gà dòng Foenix, Serama trị giá vài ba chục triệu đồng.

Biết tôi đang săn dân chơi gà, cậu bạn dẫn tôi đên một biệt thự nằm trong con hẻm ở đường Hà Huy Tập, để mục sở thị cặp gà, 1 trống 1 mái, dòng Serama mới từ Mỹ “quá cảnh” TPHCM về Đà Nẵng. Theo chủ của cặp gà (anh này xin không nêu tên), phải săn gần 2 tháng trời và bỏ ra 3.800USD mới sở hữu được “đôi uyên ương” có trọng lượng chưa tới... 1kg! Mừng hết lớn với những chú gà cưng nhưng anh cũng khổ sở cả tuần vì chúng chưa kịp thích nghi với môi trường sống. Phải bỏ tiền triệu mua thuốc và mời một số “lương y” chơi gà quen biết anh mới tươi trở lại khi gà bắt đầu siêng ăn và hiếu động hẳn lên.

Để có được những chú gà kiểng ưng ý, dân chơi thường phải săn lùng trên mạng và có uy tín tại các diễn đàn. Tuy vậy, hoạt động mua bán không phải lúc nào cũng êm đẹp, thuận lòng giữa kẻ bán và người mua. Và chuyện khóc cười với gà cũng khiến cho “nghề chơi” thêm những dư vị rất riêng.

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Khanh (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN