Theo dấu tội phạm truy nã (P.4)
Mặc dù được quán triệt khi đánh án truy nã, do tính chất phức tạp, nguy hiểm nên phải lên phương án chi tiết, đảm bảo đánh chắc, thắng chắc. Tuy nhiên, khi vào cuộc, có những tình huống trớ trêu, nằm ngoài kịch bản mà nếu không có sự mưu trí, kinh nghiệm, lính truy nã sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ.
* Kỳ 4: Những tình huống bất ngờ
Bị đuổi như đuổi tà
Mặc dù phận nữ nhi nhưng La Thị Xuân Thoa (1984, tổ 18, P. Chính Gián, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) chẳng kém gì các đấng nam nhân trong chuyện bài bạc khi đứng ra tổ chức sát phạt cho các con bạc và bị lực lượng CA triệt phá. Tuy nhiên, với sự cáo già, để trốn tránh tội lỗi, Thoa đã nhanh chân tẩu mã, lang thang cư trú tại nhiều địa phương khác nhau.
Trước khi bị bắt, “bến đỗ” của Thoa là tại TPHCM cùng với nhiều chiến hữu thân tín. Thượng tá Huỳnh Văn Bình kể, đây là đối tượng truy nã theo diện đặc biệt, vì vậy Thoa rất giỏi che giấu tung tích. Hầu hết các mối quan hệ của Thoa luôn được giữ bí mật. Tất cả những gì anh em TS biết về Thoa đó là có mối quan hệ với một người bán vải ở chợ Bến Thành.
Mà chợ Bến Thành thì lớn, biết bao nhiêu người bán vải, biết người nào mới quan hệ với Thoa? Đó là bài toán khó. Tuy vậy, với nghiệp vụ sắc sảo, các TS đã tìm ra manh mối và biết Thoa sẽ hẹn nhóm bạn đi chơi Noel tại một địa điểm ở Q.7, TPHCM. Ngay từ 19 giờ, anh em truy nã đã tập kết tại một quán nhậu đối diện với địa điểm đó để mật phục. Nhưng ngồi tới 23 giờ mà đối tượng vẫn không xuất hiện.
Lúc ấy bà chủ quán mặt hằm hằm ra “đuổi” 5 vị khách ra khỏi quán với lý do ngồi mấy tiếng đồng hồ mà chỉ uống 5 chai bia. “Đêm Noel khách khứa đông, các ông ngồi cả bàn uống có 5 chai bia tôi bán buôn cái gì” - bà chủ quán quát. Trong tình thế đó, anh em đành ra vỉa hè, chia nhau mỗi người ngồi một góc. Theo thượng tá Bình, không phải mình không có tiền mà vì đang làm nhiệm vụ, uống nhiều không được.
Cuộc mật phục trên vỉa hè tiếp tục kéo dài tới gần 24 giờ thì đối tượng mới xuất hiện. Khi Thoa vừa dừng xe, lập tức anh em lao đến bắt ngay không để Thoa nhập vào với nhóm bạn, dễ bị kích động, phát sinh thêm nhiều tình huống khó lường.
Nắm được địa chỉ La Thị Xuân Thoa sẽ đi chơi Noel nhưng trong quá trình mật phục, các TS đã gặp tình huống bất ngờ
Chuyện ngoài kịch bản
Năm 2001, khi nhận lệnh nhập ngũ ai cũng mừng cho Hồ Đắc Hoàng (1979, trú P. Vĩnh Trung, Q. Thanh Khê) vì hy vọng vào quân đội Hoàng sẽ được trui rèn, bỏ đi cái tính ngỗ ngược, quậy phá. Nhưng ai ngờ, chỉ 4 tháng sau Hoàng bị Quân đoàn 3 phát lệnh truy nã vì đào ngũ. Sau khi đào ngũ, Hoàng lang bạt khắp nơi, mãi khi mỏi gối chùn chân mới quyết định lập gia đình không hôn thú với một người phụ nữ bán bao gối trên đường Điện Biên Phủ, Đà Nẵng.
Họ có 2 con, cuộc sống ngày càng khó khăn và cả hai đã nghĩ ra chiêu bài chuyển chỗ trọ liên tục. Mỗi lần tới chỗ trọ mới, một hai tháng đầu Hoàng trả tiền nhà đầy đủ, sau đó quen mặt thì nợ tiền nhà, nợ tiền mua gạo, dầu, mắm muối của những quán tạp hóa gần xóm trọ. Khi không còn tiền trả, vợ chồng Hoàng liền lợi dụng đêm hôm khuya khoắt âm thầm bồng con bỏ trốn.
Với chiêu “ve sầu thoát xác” như vậy, nên việc truy tìm Hoàng rất khó khăn. Biết đối tượng sống bằng nghề vẽ tranh nên đã tung anh em TS đi tiếp cận tất cả các nhóm vẽ tranh đường phố. Quả nhiên, bằng cách đó, tới tháng 5/2012 thì các TS tiếp cận được Hoàng khi đang hành nghề ở P. Hòa An. Theo dõi chặt chẽ, 19 giờ, khi Hoàng đang ăn cơm với vợ con thì các TS bất ngờ ập vào bắt gọn. Điều làm các TS ngạc nhiên là Hoàng ăn mặc rất bảnh bao, chải chuốt trong khi vợ con thì luộm thuộm, nhếch nhác, trông rất đáng thương. Ngay sau khi bắt Hoàng, TS làm thủ tục di lý Hoàng lên Đắc Lắc chấp hành án. Nhưng tại đây, lại một lần nữa Hoàng trốn trại.
Sau khi trốn trại, mặc dù rất nóng lòng muốn về thăm con, nhưng Hoàng biết sẽ bị CA đón lõng ở Bến xe Đà Nẵng nên y đã đánh lạc hướng bằng cách về Tam Kỳ rồi dừng lại nghỉ một đêm. Hôm sau Hoàng về tới Hòa Cầm thì xuống xe khách, bắt xe ôm lên nhà dì ruột ở Hòa Tiến chứ không về nhà.
Lệnh truy nã Hồ Đắc Hoàng
Biết CA sẽ theo dõi vợ con nên Hoàng nhờ mẹ nuôi sang bàn với ba mẹ vợ để tìm cách cho gia đình Hoàng đoàn tụ. Hoàng bày cho vợ khi ra khỏi nhà phải trùm khẩu trang kín mặt mũi, đi lòng vòng nhiều chỗ nhằm đánh lạc hướng của CA, còn mẹ nuôi sẽ bồng 2 con nhỏ bắt xe buýt lên Hòa Tiến gặp y. Nhưng tất cả kế hoạch ấy không qua được mắt TS. Khi Hoàng đang ở nhà dì ruột đã bị 6 TS ập vào bắt gọn rồi giải về UBND xã Hòa Tiến để làm thủ tục.
Khi bị bắt về UBND xã Hòa Tiến, Hoàng tỏ vẻ thành khẩn, xin được gặp vợ con lần cuối. Thể theo nguyện vọng của Hoàng, các TS đã dẫn vợ Hoàng tới cho gặp mặt. Nhưng nào ngờ khi vừa tới, vợ Hoàng liền lao vào giằng đứa bé từ tay mẹ nuôi, ôm ghì trong người. Như có sự bàn tính trước, khi vợ bóp cổ đứa bé với mục đích kéo sự chú ý của mọi người, Hoàng liền lao đầu vào tường, máu me bê bết nhằm tìm cớ thoát thân.
Nhưng với kinh nghiệm đánh án, Thượng tá Bình vội lao tới gạt tay người mẹ lì lợm nhiều toan tính giải vây cho cháu bé, đồng thời các TS khác ập tới khống chế đối tượng. Nhưng khi bị gạt ra, người vợ lại ngoan cố lao vào cào xé các TS, miệng không ngừng gào thét. Sau một hồi vật lộn với vợ chồng đối tượng, các TS cũng làm chủ tình hình, giải đối tượng đi thành công.
Thượng tá Bình rút ra bài học, trong bất cứ tình huống nào cũng không được chủ quan. Việc để cho đối tượng gặp người thân luôn có mặt tích cực nếu đối tượng biết ăn năn, thương người thân và chấp hành tốt. Nhưng ngược lại đó cũng là cơ hội để đối tượng bị kích động, gây khó dễ cho các TS, tạo ra những tình huống ngoài kịch bản. Đó vừa là kinh nghiệm cũng là kỷ niệm khó quên của anh em TS.
(còn nữa)