“Thạch địa trận”: Sinh nghề tử nghiệp

Trong gần 50 vụ tai nạn lao động khiến 35 người tử nạn tính từ năm 2009 đến nay, phu đá chiếm một số lượng lớn. Những người đang ngày ngày bám vách đá mưu sinh cũng tự hiểu rằng, tuổi thọ của họ sẽ ngắn đi vì bệnh nghề nghiệp.

Ông Mai Nguyên (trú tổ 53, P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) đau đớn nhớ lại: “Sinh mạng vợ tui có 3,5 triệu đồng chứ mấy chú ơi! Hồi đó làm mỗi ngày 10 nghìn bạc. Hai vợ chồng làm 2 mỏ đá khác nhau ở khu vực Phước Lý. Đang ngồi khoan vách thì nghe tin vợ tui bị đá tảng rơi từ trên cao xuống đập vỡ sọ. Phu đá chết thảm lắm”. Hồi năm 2000, vợ ông là bà Hồ Thị Thý làm công cho các mỏ đá, không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm nên chủ mỏ chỉ hỗ trợ cho gia đình ông 3,5 triệu đồng rồi... phủi tay. Ở tổ 53, P. Hòa Minh, có 2 người đàn ông mất vợ vì nghiệp phu phen.

Nhưng khác với ông Nguyên, có lẽ ông Hoàng Minh Lâm có số phận nghiệt ngã hơn, mà không thoát ra được. Năm 2000, ông Lâm bị xé nát nửa bàn tay khi vét thuốc nổ trong mũi khoan đá, mất hết sức lao động. Một năm sau, vợ ông là bà Mai Thị Tại chết thảm vì những hòn đá tảng từ trên vách núi lao xuống sau một trận mưa. “Vợ tui chết cùng ngày, cùng tháng, cùng một mỏ đá với vợ ông Nguyên, để lại 2 đứa con nhỏ cho tui khi đó đã là một phế nhân. Tui đắng cay với phận phu đá lắm, nhưng giờ không làm được gì, lại quay lại đi tưới nước thuê, làm sạch đường cho các mỏ đá. Một vòng luẩn quẩn, không thoát ra được” - ông Lâm ngao ngán.

“Thạch địa trận”: Sinh nghề tử nghiệp - 1

Công nhân khoan đá đối mặt với rất nhiều căn bệnh về tai-mũi-họng và khớp

Đối với người Đà Nẵng, thảm họa mỏ đá đau đớn nhất là vụ sập vách đá làm chết 3 người tại khu vực Hố Sâu, thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang vào năm 2008. Sau một đêm nổ mìn, kết cấu đá bị phá vỡ nhưng không sập xuống ngay. Sáng hôm sau, đoàn công nhân vừa tới chân vách thì 10 khối đá ào xuống vì có chấn động. Hậu quả là anh Bùi Cải, Bùi Thiện (trú thôn Phước Hậu, xã Hòa Nhơn) và anh Nguyễn Phước (trú Q. Cẩm Lệ) chết tại chỗ. Ông Huỳnh Đức May, chủ mỏ đá này xót xa: “Làm nghề này ăn cám trả vàng anh ạ. Tai nạn phu đá thì không tránh khỏi rồi, nhưng chết lúc 3 mạng người thì trả giá đắt quá. Lúc đó tui định đoạn tuyệt luôn vì sốc quá. Nhưng nợ nần, đền bù, hỗ trợ cho gia đình họ làm tôi không dứt ra được”. 3 công nhân đó chết đi để lại gánh nặng kinh tế cho gia đình. Rồi như định mệnh, con trai ông Thiện và ông Cải lại xin vào làm cho mỏ đá ông May. “Ai không biết nguy hiểm anh ơi, nhưng không đi làm đá thì biết lấy gì mà sống. Ba chết tội ba, em phải lo cho cuộc sống của em và cả gia đình nữa” - Bùi Văn Quyền - con trai ông Bùi Cải tâm sự. Mẹ và anh trai của Quyền cũng làm công nhân cho các mỏ đá, mỏ đất khác ở thôn Phước Hậu, xã Hòa Nhơn.

Ông Phương Văn Thành - Giám đốc Cty CP Đá xây dựng Hòa Phát, người hơn 30 năm sống chết với ngành địa chất, khoáng sản, tâm sự: “Làm phu đá, người chết thì khổ rồi, nhưng người sống đó cũng mang bệnh hết. Không điếc thì cũng bụi phổi, không thì cũng viêm xoang, sỏi thận. Tuổi thọ của họ không thể bằng người bình thường được”. Trong 80 công nhân của Cty ông Thành thì có tới gần 20 người thuộc diện “được” cấp sổ bệnh nghề nghiệp. Hầu hết công nhân làm việc tại các mỏ đá đều mang trong mình một vài căn bệnh, nhưng không phải ai cũng được khám định kỳ, lại càng ít người được cấp sổ. “Ngồi máy ủi, vận hành máy khoan lâu thì điếc, phụ trách máy xay, máy nghiền thì bụi phổi. Chúng tôi cũng trang bị bảo hộ đầy đủ cho công nhân theo quy định, nhưng môi trường lao động như thế thì khó mà tránh khỏi” - ông Thành thừa nhận.

“Thạch địa trận”: Sinh nghề tử nghiệp - 2

Bản thân anh Hoàng Minh Lâm bị mất ngón tay cái và các đốt đầu tiên của những ngón tay còn lại vì thuốc nổ. Vợ anh bị chết vì đá rơi trúng đầu.

Ông Nguyễn Văn Đỡ (trú P. Hòa Phát, Q. Cẩm Lệ) có thâm niên 34 năm làm phu đá. Gia sản của ông giờ là một ngôi nhà khá khang trang trên con hẻm của đường Lê Trọng Tấn cùng với khoản tiền lương và phụ cấp đủ sống cho những nhu cầu tối thiểu của gia đình. Nhưng từng đó, theo ông là đã được đánh đổi bằng cả cuộc đời lao lực và 32% sức khỏe của ông. “Tôi bị suy giảm sức khỏe 32% với các chứng bệnh bụi phổi, viêm xoang. 34 năm lăn lộn trong mỏ đá với môi trường như vậy thì không bệnh mới là lạ. Nhưng tôi làm Cty Nhà nước nên còn có phụ cấp 400 nghìn đồng/tháng vì có sổ bệnh nghề nghiệp. Còn hàng nghìn người khác thì làm công ăn lương, bệnh gì cũng không biết, mà biết cũng để biết vậy thôi” - ông Đỡ nói. Đa số phu đá khi được hỏi về bệnh nghề nghiệp đều nói rằng, làm nghề nào thì bị bệnh nghề đó, có điều làm đá hít bụi trực tiếp, nghe tiếng ồn cả ngày thì chết... sớm hơn một tý mà thôi. “Mà bị bệnh nghề nghiệp thì chết sớm còn không đi làm thì chết ngay chứ lấy gì ăn mà không chết” - anh Ngô Xuân Thung, công nhân mỏ đá Phước Lý cười chua chát.

Các chủ mỏ đá đều nói rằng, không có tai nạn, không có bệnh nghề nghiệp thì không phải là phu đá. Nhiều vụ tai nạn dẫn đến những cái chết đau lòng, nhiều vụ thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc, còn chuyện dập tay, gãy chân thì như cơm bữa, nhưng đó là quy luật phải chấp nhận mỗi khi đặt chân vào nghiệp phu phen. “Cứ nghe cái rầm hay tiếng xe chạy gấp là tôi lại giật thót mình. Mà tóc tôi bạc không chỉ vì tuổi nhiều đâu. Một phần là do ám ảnh và thon thót mỗi khi nghĩ đến những điều không may sẽ ập đến bất cứ lúc nào với anh em” - lãnh đạo Cty CP Đá xây dựng Hòa Phát tâm sự.

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Khanh - Hoàng Táo (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN