“Thạch địa trận”: Ngộp thở, rùng mình vào ma trận
“Mìn… đây…ây…ây!…”. Sau tiếng báo hiệu kéo dài, đập vào vách núi vọng lại, giữa không gian đặc quánh, sức công phá của cả tấn thuốc nổ khiến hàng trăm khối đá rơi ầm ầm kèm theo cột bụi cao ngút bay vào không trung... Đó là cảnh “thường ngày ở mỏ đá”.
Phu đá nói rằng, khi treo phận mình vào những vách đá thì câu chuyện “sinh nghề tử nghiệp” chẳng còn gì phải nặng lòng. Chủ mỏ đá nói nhiều lúc phải chấp nhận với quy luật “ăn cám trả vàng”. Còn người dân sống gần các “trận địa” thì thở dài: “Chẳng có ngày nào yên ổn!”.
Công nhân mỏ đá luôn làm việc trong môi trường ngộp thở
Đường đi vào các mỏ đá, theo người dân, là “những trải nghiệm Tây Nguyên giữa lòng Đà Nẵng”. Nếu trời nắng, lớp bụi đất đá của những con đường dã chiến nuốt chửng cả bánh xe, phát lên âm thanh rộp rộp. Lúc xe tải, xe ben gầm rú đi qua chính là lúc “thở cũng chết, không thở cũng chết”. Gặp phải trời mưa, lớp bụi cả tấc ấy biến thành sình, dẻo quẹo, không ngoạm chặt bánh xe thì cũng bắn quá đầu người. Đứng từ trên núi cao, các mỏ đá như những bồn địa nham nhở, phu đá nhỏ bé trước tiếng gầm rú của máy móc. Xe tải oanh tạc khiến những con đường ra vào hệt như những vệt khói khổng lồ chạy dọc các khu dân cư. Cây cối dọc đường phủ một lớp vàng khè. Bụi đá bao năm đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân sống xung quanh. Kiến nghị nhiều, chặn đường phản đối cũng nhiều nhưng không xoay chuyển được tình hình.
Trời nắng gắt, chị Phạm Thị Hồng (tổ 53, trú Phước Lý, P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu), sống gần mỏ đá Phước Lý 2 của Cty TNHH Nho Chiến, không dám mở cửa. Mỗi khi có xe tải chở đá chạy qua, cây trứng cá trước sân nhà như bị nuốt chửng bởi khói bụi, bàn ghế trong nhà lúc nào cũng bị phủ bởi một lớp bụi dày. “Xe tải lớn nhỏ chạy suốt ngày đã đành, đêm cũng không yên nữa. Hết bụi bặm đến tiếng ồn, bây giờ ngủ một giấc cho yên cũng khó” - chị Hồng ngán ngẩm. Chị kể, vài năm trở lại đây chị sinh bệnh ho, khi lên cơn thì tức ngực khó thở. Vợ chồng ông Mai Cư, người bà con sống sát vách nhà chị Hồng cũng ho sù sụ suốt ngày. “Ở đây nhiều người bị bệnh lắm, không ai thống kê, báo cáo cả, nhưng người dân nghĩ đơn giản là sống trong các mỏ đá như thế này thì rồi cũng chết sớm thôi các chú ạ” - chị lắc đầu.
Ở mỏ đá, công nhân làm việc trong tiếng ồn và hệ thống máy móc giống như ma trận
Cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự như nhiều hộ dân ở Phước Lý, Hòa Minh, có gần 20 gia đình tại tổ 16, P. Hòa An đã ngán với sự tra tấn của bụi đá, nước bẩn và tiếng nổ mìn của Cty CP đá xây dựng Hòa Phát. “Thôi, ghi tên tôi làm gì nữa, tên chúng tôi có đầy trong đơn kiến nghị rồi, họp hành cũng nói gay gắt nữa. Sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế thì ai không biết, nhưng để dân ăn không ngon, ngủ không yên thì tội lắm” - một người dân tổ 16, P. Hòa An tâm sự. Cũng sống trong cảnh ám ảnh về tiếng ồn và bụi đá, hàng trăm hộ dân tại các thôn Phước Hậu, Phước Thuận, Phước Hưng, Thạch Nham Tây... của xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang khản cổ với các DN. Nhưng biết làm sao?
Vì họ có giấy phép hoạt động, có phương án nổ mìn, có báo cáo đánh giá tác động môi trường hẳn hoi. Nói chung, về mặt pháp lý, các DN khai thác đá không thiếu thứ gì, nhưng đi vào thi công thì đụng đâu cũng... vượt chuẩn. Chính các chủ mỏ đá cũng biết được điều này, nhưng không bụi, không ồn, không ô nhiễm thì không còn là khai thác đá. “Hạt gạo xay ra đã có bụi rồi, huống chi là cục đá” - ông chủ DNTN Huỳnh Đức May, khai thác mỏ đá Hố Sâu tại xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang ví von. “Chúng tôi thuê người tưới đường, phun nước tại các điểm xay đá, nổ mìn... nhưng khai thác đá gây ra bụi bặm, tiếng ồn là điều không thể tránh khỏi” - ông Nguyễn Nho Chấn - Giám đốc Cty TNHH Nho Chiến thừa nhận.
24 mỏ đá tại H. Hòa Vang, 8 mỏ tại Q. Liên Chiểu, 2 mỏ tại Q. Cẩm Lệ nhìn vào như những trận đồ bát quái. Dù được các chủ mỏ giải thích là đá được khai thác theo tầng vỉa để đảm bảo độ an toàn nhưng nhìn vào thực địa thì nham nhở và ẩn chứa những hiểm họa khôn lường. Nhiều nơi, máy bắn đá tảng đang hoạt động ở tầng trên thì máy xúc, công nhân cầm khoan tay làm việc ở phía dưới. Còn chuyện công nhân đầu đội trời, chân đạp... đá làm việc, không bảo hộ lao động thì chẳng có gì là lạ. Mặt lấm đầy bụi đá, công nhân Ngô Xuân Thương (quê Nông Cống, Thanh Hóa) cho hay: “Bịt khẩu trang vào thì khó thở lắm, mà làm một lúc rồi cũng bẩn, có khi lại bẩn hơn không đeo. Còn mũ bảo hộ đeo vào thì vướng và nóng, lúc đội lúc không”.
Đường vào mỏ đá
Thường thì mũ bảo hộ và khẩu trang được vứt một góc nào đó tại gần vị trí làm việc, mỗi khi có cơ quan chức năng hoặc phóng viên tới thì họ nháo nhào chạy đi tìm để đối phó. Chủ các mỏ đá thừa nhận, dù có khẩu hiệu “không đội mũ bảo hộ không vào công trường”, nhưng nhiều công nhân vẫn làm việc một cách tự phát, không tuân thủ quy định. Không chỉ tại các vách đá, trên các cỗ máy nghiền, phu đá vẫn chạy thoăn thoắt trong khói bụi, bên những bánh xích, dây cáp gầm rú mà không có cả những dụng cụ bảo hộ cần thiết nhất.
Ngoài vành đai của mỏ đá, người dân chịu tra tấn một cách bị động đã đành, đặt chân vào “trận địa đá” để mưu sinh, phu đá hình như đang “chủ động” đối mặt với những hiểm nguy luôn rình rập mà đáng ra họ có thể tránh được. Có những câu chuyện đau lòng mà người ta gọi là “sống trong đá, chết vùi trong đá”.
(Còn nữa)