Tàu cá đỏ mắt tìm “bạn”

Ngoài những nỗi lo như bão tố, gặp nạn trên biển hay giá xăng dầu tăng... thì những chủ tàu cá còn có một nỗi lo khác là thiếu lao động đi biển. Cứ mỗi lần chuẩn bị ra khơi, các chủ tàu lại tất tả lo tìm “bạn”. Chưa bao giờ nguồn lao động trực tiếp trên biển lại khan hiếm như hiện nay.

Vừa cho tàu cập cảng Thọ Quang (Đà Nẵng) sau chuyến đi biển dài ngày, anh Nguyễn Ngọc Hùng (trú xã Phổ An, H. Đức Phổ, Quảng Ngãi) - thuyền trưởng tàu cá QNg 98048 đã lo đến việc giữ chân các thuyền viên cho chuyến đánh bắt tiếp theo. Bởi anh Hùng biết, ở Đức Phổ, chuyện tàu  nằm bờ vì thiếu lao động thường xuyên xảy ra nên các chủ tàu phải lo cách “o bế” các “bạn”. Anh Hùng kể, gia đình anh có chiếc tàu công suất lớn, chuyên đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, mỗi chuyến đi như thế cần ít nhất 10 lao động có kinh nghiệm, nhưng không ít lần anh phải chạy “bạc mặt” để tìm “bạn”. “Có lần tôi đã chuẩn bị mọi thứ để ra Hoàng Sa đánh bắt nhưng đùng một cái 3 người bỏ sang tàu khác làm việc.

Thiếu “bạn” nên không thể ra khơi, tôi phải chạy đi năn nỉ nhiều chỗ mới có người nhận lời, dù những người này tay nghề yếu nhưng tôi cũng phải chấp nhận vì nếu không thì gần 100 triệu đồng phí tổn cho chuyến đi không biết làm sao để bù vào” - anh Hùng kể.

Nhiều chủ tàu cũng than thở rằng, chưa bao giờ việc tìm “bạn” đi biển lại khó như lúc này. Nếu như trước đây các thuyền viên thường chủ động đến gặp chủ tàu để xin làm việc thì nay ngược lại, các chủ tàu phải lo đi tìm “bạn” cho những chuyến ra khơi. Ông Cao Văn Minh (chủ tàu cá ở P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết: Ở Đà Nẵng thiếu lao động đi biển là chuyện thường ngày. “Lao động đi biển ở Đà Nẵng rất thiếu, không ít tàu đã phải nằm bờ vì không tìm được “bạn”. Nhiều chủ tàu ở Đà Nẵng phải vào các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi... mới tìm được “bạn” ra khơi đánh bắt. Việc thiếu “bạn” cũng dễ hiểu, bởi nghề biển ngày càng khó khăn, nguy hiểm, tai nạn bất ngờ nên rất nhiều ngư phủ nản, chuyển sang nghề khác trên bờ” - ông Minh tâm sự.

Do thiếu lao động nên đã xảy ra không ít trường hợp các ngư phủ “làm giá”, không chịu ra khơi, dù trước đó đã ứng tiền của chủ tàu. Thông thường các chủ tàu cá không trả lương cho ngư phủ mà chỉ thỏa thuận ăn chia lợi nhuận sau khi đã trừ chi phí sau mỗi chuyến đi, tỷ lệ 4-6 hoặc 5-5 tùy chủ tàu. Nếu chuyến đi có lãi thì chia nhau, còn chẳng may đánh bắt thất bát thì cả chủ tàu và “bạn” cùng bỏ tiền vào bù lỗ. Trước khi ra khơi, chủ tàu thường cho “bạn” ứng trước tiền để lo cho vợ con, gia đình, nhưng nhiều người ứng rồi thì không đi, hoặc bỏ qua tàu khác làm việc. “Mỗi chuyến đi, “bạn” ứng trước 3-7 triệu đồng, nhưng nếu sau đó họ không chịu ra khơi thì mình cũng không thể bắt họ trả, vì không có gì ràng buộc, chủ tàu và “bạn” chỉ nói miệng, tin nhau là chính” - anh Trần Văn Tiếp (trú P. Nại Hiên Đông, chủ tàu ĐNa 51286) cho biết.

Tàu cá đỏ mắt tìm “bạn” - 1

Với tàu đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến đi cần ít nhất 10 lao động nhưng không phải lúc nào chủ tàu cũng tìm được đủ “bạn” để ra khơi

Nỗi niềm của chủ tàu là vậy, nhưng những người đi bạn cũng có lý của họ, rằng nghề đi biển may rủi khôn lường, nếu gặp nạn hoặc đánh bắt thua lỗ thì “bạn” cũng lâm vào cảnh khó, trong khi họ chẳng có bảo hiểm hay hợp đồng lao động gì để dựa dẫm. Chính vì lý do đó nhiều lao động biển đã chuyển sang làm ngành nghề khác. “Ở quê tôi, những người đi “bạn” phần lớn đều ít học, không có công việc làm, chứ những người có công việc trên bờ thì không mặn mà với nghề biển nữa. Nói thật, tôi đi biển chỉ mong  kiếm tiền cho con ăn học đến nơi đến chốn, để nó không phải vất vả như tôi” - anh Hùng tâm sự.

Lao động trực tiếp trên biển ngày càng hiếm, đây là một thực trạng đáng báo động ở nhiều địa phương trên cả nước. Không chỉ vậy, theo thống kê mới đây của Bộ NN&PTNT thì trong số các lao động khai thác hải sản hiện nay, có tới 8,4% mù chữ, 55,2% tốt nghiệp tiểu học, chỉ có 34,5% tốt nghiệp THCS, 1,9% tốt nghiệp THPT và 1% được đào tạo qua các trường đại học và trung học chuyên nghiệp. Những con số ấy khiến cho không ít người giật mình về trình độ của nguồn lao động biển Việt Nam.

Ở Đà Nẵng, thời gian qua thành phố đã có nhiều hỗ trợ đối với với ngư dân như mua bảo hiểm thuyền viên, tập huấn sử dụng thiết bị đánh bắt cá, mới đây nhất là hỗ trợ 500-800 triệu đồng để ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ. Chị Lê Hoàng Thúy - Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết, từ trước đến nay Sở chỉ mở các lớp đào tạo thuyền trưởng và máy trưởng cho ngư dân trên địa bàn, chứ chưa có các lớp đào tạo nghề cho ngư dân. Cụ thể từ năm 2006 đến nay, Đà Nẵng đào tạo miễn phí cho hơn 1.000 học viên theo học thuyền trưởng, máy trưởng, với kinh phí gần 800 triệu đồng. Thế nhưng không phải ngư dân nào cũng ý thức được việc nâng cao kiến thức nghề nghiệp. Chị Thúy cho biết: “Dù là lớp học miễn phí, nhưng mỗi lần tổ chức đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, chúng tôi phải kêu gọi, vận động thì ngư dân mới đến đăng ký học. Hiện nay Đà Nẵng có hơn 6.700 lao động tham gia đánh bắt hải sản thì số lao động ngoại tỉnh đã chiếm 26%, tức hơn 1.700 người”.

Hiện nay nhiều địa phương trên cả nước đang từng bước phát triển đội tàu cá đánh bắt xa bờ, với những con tàu lớn, được trang bị thiết bị đánh bắt hiện đại, nhưng việc đào tạo nghề cho các lao động biển, những người trực tiếp điều khiển, làm việc trên những con tàu ấy lại chưa được quan tâm đúng mực. Đã đến lúc cần mở những lớp đào tạo nghề cho ngư dân, để bổ sung nguồn lao động biển có chất lượng cho ngành đánh bắt hải sản.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lưu Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN