Quá tải các trường tiểu học trung tâm TP
Nhiều năm qua, cứ vào năm học mới, ban giám hiệu các trường tiểu học (TH) có bề dày thành tích nằm ở trung tâm TP Đà Nẵng lại “đau đầu” khi phải đối mặt với tình trạng quá tải vào lớp 1.
Nếu không có một giải pháp mang tính lâu dài, bền vững, tình trạng quá tải ở các trường này sẽ ngày càng trầm trọng gây khó khăn, nan giải đối với các nhà chức trách và cả phụ huynh (PH) học sinh (HS)...
Trường của chung Thành phố
Mặc dù đã có nhiều biện pháp nhằm giãn HS về các trường khác cũng nằm trên địa bàn Q. Hải Châu, thế nhưng, khi kết hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1 năm học 2012-2013, 3 trường TH được xếp vào “tốp trên” về chất lượng dạy-học của Q. Hải Châu gồm: TH Phù Đổng, Phan Thanh và Hoàng Văn Thụ vẫn rơi vào tình trạng quá tải.
Theo số liệu điều tra phổ cập TH, năm học 2012-2013, Trường TH Phù Đổng chỉ có 146 HS đúng độ tuổi trong tuyến tuyển sinh vào lớp 1. Thế nhưng, khi “khóa sổ” nhận hồ sơ, cộng luôn cả 2 lớp tiếng Pháp (tuyển sinh HS toàn TP), số lượng HS vào trường là 611 em, tăng 10 lớp so với chỉ tiêu và tăng hơn 1 lớp so với năm học trước.
Trường TH Phù Đổng- ...
Tương tự, Trường TH Phan Thanh, theo điều tra phổ cập, năm học này trường chỉ có 112 HS trong tuyến đúng độ tuổi vào lớp 1. Kết sổ, con số này “đội lên” hơn gấp đôi với 284 em... Còn Trường TH Hoàng Văn Thụ thì nếu tính theo điều tra phổ cập và nhập khẩu chỉ có 126 em, nhưng tuyển sinh vào trường là 316 em (kể cả 2 lớp tiếng Pháp), so với năm học trước tăng 1 lớp...
Tiếng là đứng trên địa bàn Q. Hải Châu, nhưng thực tế, 3 ngôi trường này từ lâu đã được xem là trường TH của chung TP. Số lượng HS từ các địa bàn khác trong TP được gửi về đây học khá đông. Phần lớn, đó là con của CBCC Nhà nước có trụ sở làm việc gần các trường này.
Nếu chiếu theo quy định tuyển sinh theo địa bàn cư trú (điều tra phổ cập), thì không tuyển số HS này. Nhưng xét về lý, chiếu theo nguyên tắc của Luật Cư trú thì tất cả những HS có hộ khẩu thường trú đều có quyền và được phép dự tuyển. Về lý lẫn tình, rõ ràng, việc “nhắm gửi” con em vào học tại các trường có thương hiệu, gần nơi làm việc để thuận tiện cho việc đưa đón là nhu cầu hoàn toàn chính đáng của PH... Chính vì cái vòng luẩn quẩn ấy nên nhiều năm qua, 3 trường này luôn là “điểm nóng” trong công tác tuyển sinh đầu cấp...
Vỡ bán trú
Trước sự đội lên số lượng HS đầu cấp so với điều tra phổ cập và mỗi năm con số này lại tiếp tục “phình” ra to hơn, năm học 2012-2013, 3 trường này buộc phải cắt bỏ mô hình bán trú dành cho HS lớp 1 do cơ sở vật chất, phòng ốc không đáp ứng yêu cầu. Nói như thầy Cao Hữu Công- Hiệu trưởng Trường TH Hoàng Văn Thụ: “vỡ bán trú” là vấn đề tất yếu, đã được dự báo trước... Theo đó, ngay từ khi bắt đầu tuyển sinh, cả 3 trường đều treo bảng thông báo không tổ chức dạy bán trú để PH có sự cân nhắc khi chọn trường cho con. Thế nhưng số lượng hồ sơ nộp vào vẫn tiếp tục tăng. Nếu năm học 2011-2012, Trường TH Phù Đổng có 64 lớp, thì năm học này lên 70 lớp, trong khi số phòng học vẫn như cũ.
... một trong 3 trường TH “tốp trên” về chất lượng của TPĐN năm nào cũng quá tải vì đầu vào của HS lớp 1. Ảnh: P.T
Trường TH Phan Thanh nếu tính luôn 4 phòng học đang được xây dựng mới, dự kiến bàn giao vào ngày 14-9 tới, có cả thảy là 28 phòng học/ 31 lớp học. Còn Trường TH Hoàng Văn Thụ có 30 lớp/22 phòng học. Những năm trước, để đáp ứng nhu cầu của PH, Trường TH Hoàng Văn Thụ phải cố gắng tổ chức bán trú bằng cách sử dụng luôn cả phòng hội đồng, phòng học bộ môn. Theo đó, đến giờ nghỉ, GV phải ra ngồi dưới... gốc cây nhường chỗ cho HS... Đến năm học này trường quyết định không tổ chức bán trú.
Giảm tải bằng cách nào?
Có thể nói, bài toán quá tải tuyển sinh đầu cấp tại các trường TH trung tâm Q. Hải Châu nằm ngoài tầm giải quyết của ngành GD-ĐT. Bởi công tác tuyển sinh không chỉ dựa vào điều tra phổ cập mà còn dựa vào hộ khẩu thường trú. Vấn đề này lại không thuộc thẩm quyền của ngành GD-ĐT. Về cơ sở vật chất, trường học lâu nay vẫn là hình thức “chìa khóa trao tay”.
Theo các nhà quản lý GD, để giải bài toán nan giải này, cách tốt nhất và hiệu quả nhất đó là giãn trường bằng cách hoặc là cải thiện, nâng tầng, mở rộng trường học, hoặc thành lập thêm trường mới ở trung tâm. Song hành với việc thành lập trường mới, ngay từ đầu, ngành GD-ĐT cùng các cấp chính quyền phải tạo điều kiện xây dựng “thương hiệu” chất lượng cho trường mới. Có như vậy mới tránh việc chạy trường, chạy lớp. Bởi thực tế cũng cho thấy, không ít trường ở Q. Hải Châu vẫn chật vật với việc tuyển sinh đầu cấp do PH không mặn mà gửi hồ sơ nhập học cho con. Đơn giản, vì các trường này, chất lượng dạy học không thuộc “tốp trên”...