Phụ nữ và nghiệp xe thồ
Xe thồ, công việc tưởng chừng chỉ dành cho cánh mày râu, thế nhưng ở phường Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng lại có một bộ phận phụ nữ làm nghề này.
Đội nữ xe thồ
Một lần lỡ chuyến xe vào trung tâm TP Đà Nẵng, tôi đang lóng ngóng chưa biết làm gì thì bất ngờ nghe tiếng phụ nữ cất tiếng: "Anh về đâu tôi thồ về?". Tôi nhìn người phụ nữ với vẻ đầy ngạc nhiên. "Anh lên xe đi, về bến xe, cho tôi xin 30 ngàn". Trời bắt đầu mờ tối, cơn mưa lất phất tạt vào gương mặt người phụ nữ đã luống tuổi, thế nhưng tay lái của chị vẫn vững vàng. Mấy hôm sau tôi quay lại vòng xoay đường tránh Bắc Đà Nẵng tìm gặp người chở tôi hôm đó là chị Phạm Thị Trinh (trú tổ 8, P. Hòa Hiệp Bắc). Ở đây, chúng tôi gặp thêm nhiều đồng nghiệp của chị đang chờ đón khách tại địa điểm hôm trước. "Có gì đâu mà viết hả chú, chúng tôi khổ cực thế này, lên báo lên chí anh em bạn bè thấy thì ngại lắm, hay ho gì đâu"- chị Trinh thoái thác.
Sau một hồi thuyết phục, chị Trinh kể, từ khi các KCN mọc lên, đất đai trồng trọt của bà con nơi đây phải nhường chỗ cho các nhà máy sản xuất, từ đó hầu hết mọi người đều phải chuyển nghề. Thanh niên trai tráng đi làm công nhân, số khác đi bán vé số, bán hàng rong. Cách đây mười mấy năm, chị cũng đi bán hàng rong ở đường đèo Hải Vân. Khi đó, cuộc sống tuy không giàu có nhưng cũng không đến nỗi đói kém.
Từ khi hầm đường bộ Hải Vân đưa vào hoạt động từ năm 2005, cũng là lúc các chị em hành nghề bán hàng rong bị thất nghiệp. Những chuyến xe khách là "nguồn sống" của người bán hàng rong không còn lưu thông ở đường đèo nữa, chị cùng nhiều chị em khác chuyển qua bán ở đường dẫn vào hầm nhưng có rất ít xe dừng nên việc buôn bán của chị em ngày càng ế ẩm. "Buôn bán ế ẩm lắm, mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn, muốn chuyển nghề cũng không được vì lớn tuổi rồi đi xin cũng chẳng có ai nhận! - chị Trinh cho hay.
Những phụ nữ xe thồ đang chờ khách ở đường dẫn hầm Hải Vân
Một thời gian sau, khi đường tránh vào trung tâm thành phố Đà Nẵng đưa vào khai thác. Các chị thấy có nhiều người bị lỡ đường nên nảy sinh ra ý định làm... tài xế xe 2 bánh. Ban đầu có hơn 10 người mua sắm xe làm nghề nhưng thấy quá vất vả, thu nhập không ổn định nên đã bỏ nghề, hiện chỉ còn lại 5 thành viên vẫn cố bám trụ.
Và một người bắt được khách
Nặng gánh gia đình
Trò chuyện với các chị, chúng tôi mới biết được trong 5 thành viên của đội nữ xe thồ ở P. Hòa Hiệp Bắc, tất cả mọi người đều có hoàn cảnh khó khăn. Chị Phạm Thị Trinh năm nay đã 50 tuổi, nhưng một mình chị phải gồng gánh nuôi cả gia đình. Chồng chị mất sớm để lại 2 con thơ dại, đến nay 2 con chị đã lớn nhưng vẫn chưa tìm được việc làm. Chị Lê Thị Nhỏ (tổ 4, Hòa Hiệp Bắc), một thành viên của đội nữ xe thồ kể, lâu nay mình chị phải vất vả nuôi hai con ăn học. Chồng chị trong một lần bị TNGT liệt giường, may mắn mấy năm nay đã dần khỏi bệnh và hiện đang làm bảo vệ cho một công ty. Mỗi ngày chị phải thức dậy thật sớm để hy vọng mình chở chuyến khách đầu tiên, ít ra cũng có tiền lo ăn uống cho gia đình trong ngày. "Đến bây giờ tôi cũng không biết mình ở tổ mấy, ngày trước thì ở tổ 18, nhưng mấy năm nay đổi rồi. Trời chưa sáng tôi đã phải đi, tối mịt mới về nên cũng chẳng quan tâm mình ở tổ mấy nữa"- chị Nhỏ hồn nhiên nói.
Biết hoàn cảnh của nhau, những người làm nghề xe thồ ở quanh đường dẫn hầm Hải Vân luôn xem nhau như chị em. Họ không bao giờ giành khách của nhau. Có một quy định bất thành văn mà mọi người phải thi hành là ai đến trước thì người đó chở trước. Hết một vòng 5 người mới đến lượt trở lại. Thêm nữa, mức giá cũng đã được quy định theo đoạn đường nên không có chuyện lấy giá cao làm mất uy tín của đội.
"Mấy chị em tôi làm nghề này đã gần chục năm, chưa bao giờ có chuyện cãi vã hay tranh giành khách của nhau. Chị em ai cũng khổ hết, mong sao ngày nào cũng chở được vài chuyến để có tiền lo cho gia đình. Vì thế mà nắng mưa gì cũng phải đi làm- chị Nguyễn Thị Tuyền (tổ 20, Hòa Hiệp Bắc) tâm sự.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Chủ tịch LHPN P. Hòa Hiệp Bắc cho biết trước đây địa phương đã quan tâm hỗ trợ nhằm tạo việc làm cho các chị em có nơi để buôn bán trong chợ. Tuy nhiên, do thói quen bán hàng rong tự do nên các chị bỏ giữa chừng để làm xe thồ. Bà Nga cũng cho biết thêm, thời gian tới sẽ trực tiếp gặp các chị để nghe nguyện vọng của mọi người. "Nếu chị em có nhu cầu vay vốn để chuyển đổi nghề nghiệp thì chúng tôi sẽ tạo điều kiện để chị em có cơ hội làm ăn"- bà Nga cho biết.
Gần 10 năm hành nghề xe thồ, các chị có rất nhiều kỷ niệm đáng tự hào. Vào dịp TP Đà Nẵng Lễ hội bắn pháo hoa quốc tế tháng 4-2012, các chị đã giải thoát cho một nữ sinh viên lỡ đường bị người đàn ông ép lên taxi mặc dù cô gái không đồng ý. Trước đó, đầu năm 2012, một sinh viên đang đứng chờ khách thì có thanh niên đến mượn điện thoại gọi cho người thân. Cô gái vừa đưa điện thoại thì bị thanh niên giật chạy vào rừng. Thấy chuyện, chị em gọi thêm các thanh niên truy đuổi tên cướp và báo cho CA, nhờ các chị chỉ đường cuối cùng tên cướp đã bị tóm gọn.