Phát hiện, chăm chút người tài
Nối tiếp sự thành công của chính sách “Trải thảm đỏ” thu hút nhân tài (1998), từ năm 2004 đến nay, TP Đà Nẵng đã đưa hàng trăm học sinh, sinh viên (HSSV) giỏi đi đào tạo ở các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước, chuẩn bị nhân sự cho tương lai.
Ai cũng biết vậy, nhưng ít ai biết đằng sau đó là cả một câu chuyện dài...
Ông Nguyễn Phú Thái- Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (tên gọi khác là Đề án 922), cho biết, tiền thân của Đề án 922 là 2 đề án: Đề án 47- “Hỗ trợ Đào tạo Đại học trong và ngoài nước” (2004) và Đề án 393- “Đào tạo 100 Thạc sĩ, Tiến sĩ ở cơ sở đào tạo nước ngoài” (2006). Qua 8 năm triển khai, đến nay đã có 427 học viên được đưa đi đào tạo trong và ngoài nước, trong đó đào tạo bậc đại học là 336 học viên (trong nước 154, ngoài nước 182), bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ có 91 học viên. Trung bình hằng năm, thành phố tuyển chọn 75 học viên, trong đó có 35 học viên được đưa đi đào tạo bậc ĐH, Thạc sĩ, Tiến sĩ ở nước ngoài, số còn lại đào tạo ở các trường đại học trong nước.
Theo ông Thái, với đất học vang danh như Đà Nẵng, Quảng Nam, việc tuyển chọn học viên trong hàng trăm em đủ điều kiện tham gia đề án là cả một vấn đề. Công việc đòi hỏi độ tỉ mỉ, cẩn trọng, công tâm giống như người thợ phải đi tìm cho bằng được thứ “vàng ròng” giữa vô số sa khoáng vàng. Bởi, chọn ai trong số hàng trăm những hồ sơ ưu tú đã nộp để không bỏ sót, lãng phí nhân tài là cả một bài toán mà người quản lý đề án phải thấu đạt. Từ thực tiễn đó, bắt buộc những thành viên Đề án phải xây dựng những tiêu chuẩn công phu, sát sao, chặt chẽ, và minh bạch nhất để chọn ra những “hạt giống đỏ” đưa đi đào tạo.
Nhân lực chất lượng cao luôn là nguồn lực để phát triển thành phố bền vững trong tương lai
Trong hàng “núi” những tiêu chí dành cho học viên tham gia, ngoài nguyện vọng của các ứng cử viên (ƯCV) được cống hiến và làm việc lâu dài cho thành phố, còn phải là công dân có phẩm chất và đạo đức tốt; trình độ tiếng Anh bắt buộc có điểm IELTS từ 6.0 trở lên (không có điểm kỷ năng nào dưới 5.5), ƯCV sau đại học thì IELTS từ 6.5 trở lên (điểm kỷ năng trên 6.0). Tương tự, với tiếng Pháp bắt buộc có số điểm 400 trở lên, bậc sau đại học trên 450 điểm; đối với các ƯCV tham gia đề án bậc đại học thì tiêu chuẩn học lực từ lớp 10 đến 12 phải đạt loại khá trở lên, trúng tuyển ĐH nguyện vọng 1 với tổng số điểm 21 trở lên (không tính hệ số ưu tiên) và không có điểm thi nào dưới 5, hoặc HS đạt giải 3 cấp TP, đạt giải trong các kỳ thi HS giỏi quốc tế về các môn văn hóa thì sẽ được xét đặc cách... Những ƯCV tham gia học Thạc sĩ, Tiến sĩ thì phải có thời gian công tác trên 2 năm tại các cơ quan thuộc TP, tuổi đời dưới 35 tuổi đối với Thạc sĩ và 40 đối với Tiến sĩ, bằng TN ĐH hệ chính quy từ loại khá trở lên...
Dù các tiêu chí để tuyển chọn ƯCV cao là vậy nhưng số ƯCV tham gia ứng tuyển trên địa bàn Đà Nẵng và Quảng Nam rất đông. Tuy nhiên, với nguồn ngân sách hằng năm của thành phố chỉ đáp ứng đủ cho 75 suất học bổng, để chọn đúng người tài, bắt buộc phải qua một quá trình sàng lọc với những đợt phỏng vấn của Hội đồng tuyển chọn nhằm tìm người ưu tú nhất trong số những người ưu tú để đưa vào diện tham gia đề án. Đến nay, những thống kê sơ bộ cho thấy, có đến 60% những ƯCV được tuyển lại rơi vào hoàn cảnh rất nghèo. Thậm chí, nhiều ƯCV đã trúng tuyển không đủ tiền để làm visa, mua va-li, vật dụng cá nhân... Thế là thành phố phải can thiệp, sắm sửa và lo chi phí từ A đến Z...!
Nhà cao tầng ngày càng nhiều ở 2 bờ sông Hàn, Đà Nẵng
Khi công đoạn đầu vào đã từng bước hoàn thiện thì việc gửi du học sinh để đào tạo ở những môi trường Đại học nước ngoài là cả vấn đề... với các yêu cầu khắt khe: làm sao môi trường học tập mới phải phù hợp với điều kiện các ƯCV vừa đạt tiêu chí là những trường đạt tầm cỡ thế giới trong lĩnh vực chuyên sâu mà trường đó có lợi thế cạnh tranh so với các trường khác. Đồng thời, những trường này phải nằm trong “Top 200 trường Đại học hàng đầu thế giới” do tổ chức Time Higher Education Supplement của Vương quốc Anh xếp hạng hằng năm.
Với những người quản lý đề án, cùng một lúc quản lý hiệu quả hàng trăm du học sinh luôn là một thử thách không hề nhỏ. Ví như, đối với những trường nước ngoài, việc chi trả học phí luôn phải đúng hạn, nếu chậm trễ thì SV có nguy cơ phải dừng học. Nhưng để kịp thời giải quyết cho hàng trăm SV đang theo học hàng chục quốc gia khác nhau thì đòi hỏi Trung tâm phải xây dựng những phần mềm chuyên dụng đặc biệt nhằm quản lý vấn đề tài chính, ngân sách... một cách hiệu quả, chính xác, nhanh chóng để giúp các SVcó điều kiện tốt nhất để chuyên tâm học hành.
Cũng theo ông Thái, điều may mắn quan trọng nhất đối với những người tham gia đề án 922 chính là được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh- Trưởng ban Đề án 922 cùng các cấp lãnh đạo các Sở ban ngành là thành viên đề án. Điều đó không chỉ là sự thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố trong việc hoạch định chiến lược về nhân sự trong tương lai, phục vụ sự phát triển của Đà Nẵng mà còn thể hiện một thông điệp: Đà Nẵng sẽ luôn là mảnh đất rộng mở, sẵn sàng chào đón những tài năng hội đủ tâm, tầm đến để phát triển và cống hiến.