Ồ ạt khai thác mây ở Bà Nà - Núi Chúa
Những cánh rừng dưới chân Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà-Núi Chúa (Đà Nẵng) có điều kiện tự nhiên thích hợp, nên nơi đây có rất nhiều các loài chi họ song mây.
Mây là tên gọi chung cho khoảng 600 loài, thuộc chi Calamus và Daemonorops. Thân mây rất dẻo, độ bền cao được sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trong gia đình như bàn ghế, gùi, giỏ... và được thị trường ưa chuộng. Từ đó, nhiều lái buôn lùng mua.
Từ nhu cầu trên, thời gian qua, người dân Cơ Tu thuộc 2 xã Hòa Phú và Hòa Bắc (Hòa Vang, Đà Nẵng) kéo nhau vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà-Núi Chúa khai thác mây về bán cho thương lái. Mờ sáng họ đã cơm đùm gạo gói, gọi nhau í ới vào rừng. Đến chiều, khoảng 15, 16 giờ, trên các con đường mòn từ rừng Bà Nà dẫn ra tuyến đường ĐT 604, “đội quân” khai thác mây rừng từng tốp khoảng 9, 10 người hì hục kéo, vác song mây ra đường, rồi dùng xe máy chở về khu tập kết bán để cho các đại lý thu mua. Có khi xe tải lên tận bìa rừng để đón mua mây chuyển về TP Đà Nẵng.
Xe tải vào tận bìa rừng để thu mua mây
Lân la hỏi chuyện, anh Hoàng (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, Hòa Vang) cho biết: “Anh em tôi mang theo cơm mắm, đi từ lúc 5 giờ sáng, đến nơi là 8-9 giờ, tranh thủ làm không nghỉ trưa để ra khỏi rừng thật sớm... Người ta chỉ mua mây nước (mây nếp-sợi có màu trắng ngà), không cần dài lắm, trên 1m là được rồi. Trước đây, người ta mua sợi dài 10-15m, chừ mua bằng ký (kg). Mỗi ký mây bán được 4 ngàn đồng, trung bình mỗi người một ngày bứt được 30-40 kg mây, thu nhập mỗi ngày từ việc bứt mây là hơn 120 ngàn đồng/người”.
Mây nước thường mọc ở ven các khe suối, vách đá cheo leo nên việc khái thác mây phải luôn đối mặt với nguy hiểm, khó khăn. Phải dùng rựa phát sạch quanh gốc sau đó mới bóc vỏ mây đầy gai nhọn. Tiếp theo là chặt gốc, chặt ngọn lôi ra khỏi bụi, khoanh bó lại rồi chuyển về. Người đi bứt mây thường không đi riêng lẻ mà đi thành từng nhóm ít nhất là 5- 7 người, làm chung về bán lấy tiền chia nhau. Khó khăn vất vả là thế nhưng vì cuộc sống mưu sinh, vì thu nhập từ việc bứt mây cũng khá nên nhiều người dân Cơ Tu ở 2 xã Hòa Bắc, Hòa Phú thi nhau vào rừng khai thác mây rừng.
Nguồn lợi từ việc bứt mây không nhỏ nên thu hút cả những chị em phụ nữ tham gia
Đưa bàn tay trầy xước, ửng đỏ vì bị gai mây đâm phải, chị Kan (thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc) cho biết thêm: “Dân mình thường lên rừng bứt vài sợi mây về đan lát thôi, bữa ni có người đặt mua nên anh em rủ nhau lên rừng bứt mây về bán. Xa lắm, tận chân núi Bà Nà mới có nhiều mây để bứt. Vất vả lắm chứ không dễ mô, sên vắt, rắn rết, gai góc đủ thứ nguy hiểm hết... Mây toàn là gai nhọn nên bứt được sợi mây là toát mồ hôi cục chứ không phải dễ. Ra tết nhà mình túng tiền lắm nên vợ chồng rủ nhau đi bứt mây để trang trải khó khăn”.
Rừng Bà Nà-Núi Chúa có diện tích song mây tự nhiên khá lớn, nhưng hiện nay, thương lái vào tận bìa rừng để thu mua mây. Mây rừng không còn tính bằng sợi mà mua ký, không cần non già, dài ngắn cứ có ký có tiền. Vì thế người dân rủ nhau ào ạt vào rừng, khai thác “vô tội vạ”. Cây mây không kịp tái sinh nên nguồn tài nguyên này nơi đây ngày càng cạn kiệt.