Những số phận ở trung tâm 05-06

Ấn tượng đầu tiên khi bước vào Trung tâm Giáo dục dạy nghề 05-06, thuộc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, là những dòng chữ được tạo nên trên những thảm cỏ xanh tươi của một khuôn viên rợp bóng cây, hồ nước, hòn non bộ: “Vươn lên bạn nhé”, “Kỷ cương-Tình thương”...

Song hình ảnh bề ngoài ấy không ấn tượng bằng những câu chuyện của những cuộc đời đã một thời lỡ sa chân vào vòng xoáy khốc liệt, tàn bạo của ma túy; của những cán bộ thâm niên mấy mươi năm chiến đấu, giành giật từng số phận, cuộc đời ra khỏi sức hút của “cái chết trắng”...

Phó Giám đốc trung tâm 05-06 Đà Nẵng Phạm Tạo tự hào: “Chúng tôi đã đi tham quan nhiều địa phương ở miền Trung-Tây Nguyên, rồi những địa phương được xác định là các điểm nóng, phức tạp về tệ nạn ma túy như Nghệ An, Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ... Nhưng cho đến bây giờ, có thể khẳng định Trung tâm Giáo dục dạy nghề 05-06 ở Đà Nẵng là hoàn thiện nhất”.

Những số phận ở trung tâm 05-06 - 1

Khu sinh hoạt thể thao của Trung tâm 05-06 Đà Nẵng

Cái “nhất” mà ông Tạo nói  được thể hiện trên nhiều góc độ:  Trung tâm khang trang nhất;  Cơ sở hạ tầng, vật chất hoàn thiện, đồng bộ, chất lượng tốt nhất; môi trường (được hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa thực) trong lành nhất... Và đặc biệt, cái “nhất” ở đây là sự quan tâm, sâu sát cũng rất đặc biệt của các cấp lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể  của một TP đang theo đuổi những mục tiêu lớn, trong đó có mục tiêu “không có người nghiện ma túy trong cộng đồng” của chương trình “Thành phố 5 không”..  Những cái “nhất” ấy được minh chứng:  Chuyển từ cơ sở cũ thôn Phò Nam, Hòa Bắc lên, bắt đầu đi vào sử dụng, hoạt động từ ngày 28-6-2011, Trung tâm 05-06 Đà Nẵng bây giờ có diện tích 37 ha, trong đó 7 ha là khu hành chính, nhà ở, dạy nghề, khu tập luyện thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa-văn nghệ... 30 ha đất sản xuất, 54 ha đất là vùng đệm. Với tổng kinh phí xây dựng l75 tỷ đồng, trong đó Trung ương đầu tư 100 tỷ đồng, thành phố 75 tỷ đồng, hiếm có Trung tâm cai nghiện ma túy bắt buộc nào lại mối liên hệ giữa địa phương, gia đình, cộng đồng với học viên chặt chẽ, mật thiết như ở 05-06 Đà Nẵng.

Hằng tuần học viên được gia đình, người thân thăm nuôi một lần; một tuần được tham gia hát karaoke 1 lần, được xem phim màn ảnh rộng 1 lần; hoạt động thể dục, thể thao theo giờ quy định trong từng ngày với các môn bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, bơi lội; một tháng được tham gia sinh hoạt văn nghệ tập thể 1 lần. Ở mỗi Ban trại đều lắp đặt 2-3 máy điện thoại để học viên có thể liên hệ với gia đình, người thân bất kể lúc nào. Mới đây Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh  khi đến thăm Trung tâm còn quan tâm và chỉ đạo thành phố quyết định đầu tư xây dựng một sân bóng đá, thể thao hiện đại với công nghệ “thảm cỏ nhân tạo”.  Về  ăn uống, mỗi học viên được ăn chế độ 700 nghìn đồng/tháng, có vườn rau với đủ các loại rau phục vụ bữa ăn hằng ngày, một tuần được ăn một bữa tươi với thịt heo, thịt bò, gà, vịt, cá tươi...

Những số phận ở trung tâm 05-06 - 2

Học viên Trung tâm 05-06 Đà Nẵng lao động sản xuất

Với chế độ học tập, sinh hoạt, ăn uống nền nếp, đầy đủ, có nhiều học viên đã không giấu được sự xúc động tâm sự: “Chúng em sa vào con đường nghiện ngập, lang thang, vật vạ ngoài xã hội chưa bao giờ được quan tâm, chăm sóc đủ đầy thế này. Nếu không cai nghiện được thì lỗi này hơn ngàn lần là chính bản thân mình...”. Cứ nhìn lịch hoạt động hằng ngày của học viên là thấy sự quy củ, nền nếp thế nào: 6 giờ 15 dạy tập thể dục, 6 giờ 30 ăn sáng, 7 giờ lao động, học tập, 10 giờ nghỉ ngơi, ăn cơm trưa,14 giờ chiều lao động, học tập,16 giờ luyện tập thể thao, 18 giờ giao ban, kiểm điểm cá nhân trong ngày, 19 giờ xem thời sự, xem phim trên tivi, 21giờ 30 đi ngủ....

Những số phận ở trung tâm 05-06 - 3

Tập vẽ, sinh hoạt văn hóa

Chưa hết, Trung tâm có 7 phân ban quản lý với 240 học viên cai nghiện bắt buộc, 4 học viên nữ học tập phục hồi. Ban nào cũng có một thư viện với hơn 1.400 đầu sách, gần chục ấn phẩm báo, tạp chí các loại, định kỳ và hằng tháng đều thay đổi các đầu sách mới. Ban nào cũng có đàn guitar và một số nhạc cụ khác, sách học nhạc lý, học viên có thể tự nghiên cứu, tập tành trong những giờ nghỉ... Từ đầu năm 2012, Trung tâm đã hợp đồng với Trường Trung cấp Xây dựng Miền Trung và Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng mở 3 lớp dạy nghề cho học viên, gồm các ngành nghề, kỹ thuật xây dựng, điện dân dụng, sửa chữa xe máy, với kinh phí 200 triệu đồng/ năm. Mỗi khóa học 6 tháng, học viên tốt nghiệp sẽ được kiểm tra chất lượng, được cấp chứng chỉ hệ sơ cấp nghề...

Những số phận ở trung tâm 05-06 - 4

Học viên ở phân ban 7 đọc sách tại thư viện

Ông Phạm Tạo cho biết, chất lượng học tập ở khâu học nghề là một trong những kết quả xếp loại thi đua hằng tháng, để từ đó đánh giá sự tiến bộ về nhân cách, chấp hành kỷ luật của mỗi học viên. Trung tâm hiện có 70 học viên đang theo học nghề, đã có 30 học viên được cấp chứng chỉ tốt nghiệp... Tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII ngày 3 và 4-7-2012 vừa qua, HĐND TP đã xem xét chính sách hỗ trợ người cai nghiện ma túy thành công từ 5 năm trở lên, không tái nghiện trên địa bàn thành phố. Sẽ hỗ trợ một lần với mức 2 triệu đồng một người cho các trường hợp hiện đang cai nghiện ma túy, nếu thành công từ 5 năm trở lên, không tái nghiện.  Các trường hợp cai nghiện kết thúc từ ngày 1-3-2012, sau 5 năm cai nghiện thành công, không tái nghiện sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng một lần.

Chính sách nhân văn trên lại một lần nữa thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền TP Đà Nẵng với chủ trương lớn “Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng” của một thành phố văn minh và hiện đại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Thanh-Lê Hùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN