Những kiểu “bẫy” của thương lái Trung Quốc

Trong 0,16 giây có hơn 3,5 triệu kết quả về cụm từ “thương lái Trung Quốc” được tìm thấy trên Google, hầu hết đều có nội dung không mấy tốt đẹp.

Những cái “bẫy” mà thương lái Trung Quốc (TQ) giăng ra đã để lại hệ lụy vô cùng lớn với người dân nhiều địa phương. Vì lẽ đó, để cảnh báo, kịp thời ngăn chặn, chính quyền TP Đà Nẵng vừa có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường quản lý hoạt động thu mua hàng hóa của thương nhân TQ.

Từ chuyện gom hải sản

Bắt đầu bằng câu chuyện của ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Cty thủy sản Phước Tiến (Đà Nẵng). Ông Tuấn bảo nhà máy của mình phải giảm công suất 70% vì nhiều nguyên nhân, trong đó cơ bản là “đói” nguyên liệu do không cạnh tranh được với thương lái TQ. “Họ đi dọc miền Trung tới Nam Bộ thu gom hải sản với giá cao hơn thị trường 10-20%. Họ đem về nước chế biến rồi mới xuất sang Nhật (cũng là thị trường chính của ta) nhưng giá vẫn rẻ hơn doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Chi phí như vậy, không hiểu họ lãi kiểu gì nếu không có sự trợ giá từ đâu đó?” - ông Tuấn đặt nghi vấn. Ông Phan Văn Kha - Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết, thương lái TQ thông qua các thương lái người Việt gom hàng ở Cảng cá Thọ Quang rồi chuyển ra Huế đóng thùng, chuyển tiếp ra Quảng Ninh, khi nào qua Móng Cái mới thanh toán tiền. Một số thương lái TQ sử dụng hộ chiếu du lịch sang tận cảng cá, nhìn tận mặt lô hàng, được thì gật đầu, việc còn lại để thương lái người Việt thực hiện. Rõ ràng, thương lái TQ không trực tiếp đứng ra mua hàng nên ngành chức năng không thể xử lý được mà chỉ có thể tuyên truyền cho các thương lái người Việt phải cảnh giác khi gom hàng buôn bán theo đường tiểu ngạch đầy rủi ro như vậy. Nhưng họ là thương lái, cứ thấy lợi trước mắt là làm.

Những kiểu “bẫy” của thương lái Trung Quốc - 1

Thông qua người Việt, thương lái TQ đã gom hải sản tại miền Trung rồi xuất qua TQ bằng đường tiểu ngạch

Trong Văn bản số 5440 mới đây, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu phải tuyên truyền mạnh để người dân hiểu thủ đoạn của các đối tượng sử dụng hộ chiếu du lịch, giấy thông hành nhập cảnh và lưu trú dài ngày ở VN để tổ chức trái phép mạng lưới thu gom hàng hóa trực tiếp của người dân (nông sản, thủy sản). Bên cạnh đó là thủ đoạn thuê thương lái người Việt để mua hàng nhằm trốn tránh các quy định của pháp luật; thực hiện các hành vi lừa đảo làm xáo trộn thị trường hàng hóa, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Cũng theo văn bản này, các quận, huyện và đơn vị liên quan cần phổ biến pháp luật với nông dân, ngư dân, đầu mối cung cấp nông - hải sản... không tiếp tay cho các hoạt động thu gom hàng hóa, vận chuyển theo đường tiểu ngạch với thương lái TQ. Ngoài ra, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra để xử lý các hành vi phạm pháp về lưu trú, thu mua hải sản trái quy định của người nước ngoài tại cảng cá, chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang.

Văn bản này không phải để “ngăn sông cấm chợ” mà rất cần thiết, kịp thời nhằm cảnh giác người dân trước các thủ đoạn xấu của thương lái TQ, đồng thời góp phần ổn định thị trường hàng hóa TP, tránh những xáo trộn bất thường.

Đến những cái "bẫy"


Ông Phan Văn Kha cho biết, có hàng chục thủ đoạn, mánh khóe mà thương lái TQ đã “diễn”, nhưng người dân vẫn chủ quan, dính “bẫy” và chịu hệ lụy nặng nề. Ở Quảng Nam, thương lái TQ mua ớt tươi với giá cao ngất rồi đột ngột dừng mua, khiến nhiều thương lái Việt gom hàng, không bán được, giá ớt rớt thê thảm. Tương tự là dưa hấu, họ cũng đẩy giá cao gấp nhiều lần, vụ sau người dân đổ xô đi trồng dưa hấu kiếm lời nhưng họ không mua nữa, dưa rớt giá thê thảm, dân bỏ ngoài đồng không thu hoạch. Ở Bến Tre, họ mua dừa theo kiểu tận diệt, từ dừa khô tới dừa non với giá lúc cao điểm lên tới 15.000 đồng/quả, khiến các nhà máy chế biến dừa “đói” nguyên liệu phải sang tận Malaysia mua dừa về chế biến. Thế rồi, họ đột ngột dừng mua, dừa rớt giá còn 2.000 đồng/quả (lúc đó nhà máy trong nước đã có hợp đồng cũng không mua) người dân chới với, đành bán tháo cho thương lái TQ. Rồi khoai lang tím, thanh long, thơm... khi nông dân được mùa, từng đoàn xe chở ra Lạng Sơn xuất sang TQ thì đột ngột họ dừng mua nhằm ép giá, vài ngày sau khi giá đã rớt mới gom hàng.

Không chỉ dùng chiêu bài ép giá, thương lái TQ gần đây còn bỏ trốn, quỵt nợ khiến hàng ngàn nông dân lao đao. Lúc đầu họ mua bán sòng phẳng với số lượng nhỏ tạo uy tín, sau đó mua với số lượng lớn và “mất tích”.

Không những vậy, thương lái TQ còn có nhiều chiêu trò mang tính phá hoại hơn là thương mại. Còn nhớ vài năm trước, thương lái TQ mua chè Việt với giá rất cao nhưng kèm theo điều kiện phải đổ bùn vào chế biến cho thành chè bẩn. Nông dân mình hám lợi, không hiểu biết, nên cũng làm theo yêu cầu của họ. Sau khi đã gom chè Việt số lượng lớn, trước khi tổ chức Olimpic Bắc Kinh 2008, họ mời lãnh đạo tỉnh trọng điểm trồng chè của VN sang dự, thông báo chè Việt là chè bẩn và thiêu hủy số lượng lớn trước bàn dân thiên hạ nhằm hạ uy tín của chè Việt. Xa hơn nữa là vụ thương lái TQ mua móng trâu với giá đắt đỏ, nông dân không hiểu họ làm gì, thấy đắt, thấy lời là giết trâu chỉ để lấy móng bán. Hệ lụy là sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc (lúc đó dựa vào sức kéo chủ yếu từ trâu) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chưa hết, thương lái TQ còn thu mua đỉa, mua ốc bươu vàng, rùa tai đỏ giá rất cao. Người dân không hiểu họ mua để làm gì chỉ biết thấy lời thế là không ngần ngại nuôi đỉa, nuôi ốc bươu vàng, rùa tai đỏ với số lượng lớn để bán. Đây là những loài sinh sôi phát triển siêu nhanh, đặc biệt khi chúng tràn ra đồng ruộng phá hoại mùa màng. Lúc đó, thương lái TQ đột ngột không mua nữa.

Vào khoảng năm 2010, lực lượng chức năng bắt được một người phụ nữ cắt trộm cáp quang viễn thông quốc tế ở Vũng Tàu. Nhiều người không hiểu vài mét cáp quang đó lấy làm gì, bán đồng nát cũng không ai mua. Khi được hỏi, người phụ nữ trả lời để bán cho thương lái TQ. Hệ quả là tuyến cáp quang quốc tế của VN bị gián đoạn, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Gần đây nhất là những bí ẩn trong việc thương lái TQ mua gỗ trâm ở Quảng Ngãi, mua trầm, kỳ ở nhiều địa phương. Đến giờ vẫn không ai lý giải được họ mua những thứ đó để làm gì mà lại bỏ ra số tiền lớn như vậy. Nhưng chắc chắn một điều, mỗi cây gỗ trâm hạ xuống là bao cây gỗ khác ngã theo, mỗi một ki-lô-gam trầm được tìm ra là bao cánh rừng bị cày xới nham nhở...

Vấn đề ở chỗ những trò “bẩn” của thương lái TQ dù đã diễn mãi mà người dân mình vẫn dính “bẫy”. Theo ông Kha, nguyên nhân trước tiên phải nói là nông dân mình hám lời, vì lợi ích trước mắt sẵn sàng bỏ cả những hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho nhà máy VN đã ký để chạy theo thương lái TQ. Thứ nữa, sản xuất nông nghiệp của mình còn manh mún, thiếu chiến lược, hàng hóa sản xuất ra giá cả phập phù, do đó thường được gom đi theo đường tiểu ngạch xuất sang TQ. Việc TP có văn bản tăng cường kiểm soát thương lái TQ gom hàng chỉ là tình thế trước mắt nhằm tránh những xáo trộn thị trường, còn về lâu dài cần tính tới đầu ra ổn định cho nông dân, có quy hoạch vùng nguyên liệu cụ thể, chiến lược...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Hậu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN