Nhảy tàu sắm Tết
Sáng nhảy tàu đi, tối nhảy tàu về, đó là hành trình của những người làm nghề kiếm củi ở xóm chài nhỏ ven vùng cát trắng Nam Ô (P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng).
Báo Công an TP Đà Nẵng đã từng phản ánh tình trạng này qua nhiều loạt bài viết, các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, tình hình tạm lắng. Tuy nhiên, những ngày cận Tết này, với lý do kiếm tiền trang trải Tết, nhiều “tiều phu” lại tái diễn nạn nhảy tàu đi củi.
Hơn 4 giờ sáng, khi bóng đêm vẫn đang bao phủ dọc con đường dẫn vào ga Kim Liên, họ lại xuất hiện tại ga Kim Liên với chiếc ba-lô nhỏ trên vai. Vài phút sau, nhóm tiều phu đã lên đến hơn 20 người, cả già trẻ, trai gái. Họ bắt đầu nhảy vội lên nóc tàu, động tác rất thuần thục. Đoàn tàu từ từ chuyển bánh trong màn đêm tĩnh mịch, tiếng nói chuyện xì xào, tiếng ngáp dài hòa vào từng cơn gió lạnh. Theo ông T.V.K, ông đã có 45 năm trong nghề đốn củi. Bạn nghề của ông có người ở tít dưới tận Hòa Minh, Hòa Khánh. Hiện nay, số người còn bám trụ lại với nghề còn trên dưới 30, hầu hết hoàn cảnh khó khăn.
Chuẩn bị nhảy
Đang say sưa với những câu chuyện của ông Khánh, mọi người giật mình bởi tiếng một phụ nữ thét lớn như ra lệnh: “Tàu vào hầm, cúi đầu xuống!”. Một cảm giác khó thở cộng với mùi khét lẹt và tiếng kêu inh ỏi phát ra từ động cơ tàu như dồn hẳn vào những con người trên nóc tàu. Một người tên Thành cho hay, đây là hầm đầu tiên trong số 3 hầm và hơn 10 cây cầu khác trên hành trình từ ga Kim Liên qua ga Hải Vân Bắc. Sau hơn một giờ ngồi trên tàu thì đến gần nơi mọi người kiếm củi. Đoàn tàu bắt đầu hãm tốc độ, dường như ai cũng đã chọn trước cho mình một chỗ đáp xuống theo thói quen, những tiều phu lần lượt nhảy mà không cần đợi tàu dừng lại hẳn. “Bọn tôi nhảy tàu như thế này quen rồi. Nhảy không kịp sẽ đi ngược lại rất xa”, một nữ tiều phu giải thích.
Đối mặt với nguy hiểm từ dây điện trên đầu
Đường dẫn đến chỗ đốn củi của các tiều phu hẹp, dốc dựng đứng, hai bên bụi bờ rậm rạp, gai gốc rất khó đi. Để kiếm được củi, các tiều phu phải rảo tìm trong rừng sâu. Đáng sợ hơn, có người còn leo lên cây cao để chặt những cành củi khô vì củi tươi không kịp khô đúng Tết. Gần trưa, mọi người í ới gọi nhau tập trung về một gốc cây lớn để nghỉ ngơi. “Khổ lắm, phải cõng củi ra ga, bốc nhanh lên tàu, nếu gặp hôm trễ tàu phải ở lại giữa rừng”, ông N.V.E. (53 tuổi) vừa nói vừa chỉ về phía xa xa: “Tui phục cái cô N.T.G đó lắm. Chồng bị tai nạn mất sớm, một mình cô ngày đêm kiếm củi nuôi 2 con học cao đẳng và lớp 12”. Trong nhóm, có tiều phu tên L., trước đây từng đi làm công nhân ở nhà máy, nhưng sau sức khỏe yếu, nhà máy chê, nên anh phải bám vào rừng.
Mỗi ngày, một tiều phu kiếm được 3-5 bó củi, giá mỗi bó 30 ngàn đồng. Khoản thu nhập chẳng đáng là bao nếu so với mồ hôi, công sức đổ ra, ấy vậy nhưng Tết đã đến, không lên rừng, không nhảy tàu thì... không có gì sắm Tết.
Trao đổi về những trường hợp trên, ông Trần Phước Huấn, Phó Chủ tịch UBND P. Hòa Hiệp Bắc cho biết, cách đây mấy năm trên địa bàn phường cũng đã có một số trường hợp bị tai nạn tử vong trong khi nhảy tàu đi kiếm củi. Nhận thức đây là một nghề nguy hiểm, địa phương đã nhiều lần tổ chức vận động người dân nên chuyển đổi nghề nghiệp để tránh nguy hiểm và có chính sách hỗ trợ cho những hộ dân này vay vốn làm ăn, tuy nhiên do thói quen từ lâu nay cho nên việc vận động của chính quyền không mấy hiệu quả.