Người nhặt rác đặc biệt
Nếu một ngày chưa thấy bóng dáng ông, người dân P.Tam Thuận, Q.Thanh Khê (Đà Nẵng) nói chung và Tổ dân phố 43, 44 nói riêng lại thấy buồn và thiếu thiếu một cái gì đó quá quen thuộc. Quả vậy, hình ảnh ông Nguyễn Thìn (1952, trú K222/21-Trần Cao Vân) mỗi sáng hai tay hai thùng nhựa đến từng ngõ nhà gom rác thải đã trở thành một hoạt động thường xuyên ở các con phố nơi đây.
Bản thân ông Thìn cũng chẳng nhớ nỗi mình theo nghề nhặt rác từ bao giờ. Chỉ biết nó đã theo ông từ khi tóc còn xanh cho đến bây giờ đầu đã trắng bạc. Ông không giống những người đi nhặt ve chai khác là chỉ biết kiếm tìm những thứ còn bán được và không quan tâm đến rác, với ông, dường như việc gom rác mới là công việc chính. Không ai bảo ông làm, cũng chẳng ai trả công, thế nhưng tháng có bao nhiêu ngày thì bấy nhiêu thời gian ông dành cho rác.
Công nhân làm việc còn có ca, có giờ, có ngày nghỉ lễ, với ông thì không. Một ngày làm việc của ông bắt đầu từ rất sớm và thường kết thúc muộn, có những ngày khi ông về đến nhà thì kim đồng hồ đã chỉ 12 giờ đêm. Sau khi ông gom hết rác của những kiệt nhà gần nơi ông ở gọn gẽ, tinh tươm, ông bắt đầu đến những nơi xa hơn. Cũng có những hôm ông theo chân các anh công nhân đẩy xe rác vào từng ngõ để phụ bưng bê rác thải như một người công nhân lao động thực thụ.
Công việc của ông thường là “một công đôi việc”, gom rác thải nhưng đồng thời phân loại để tận dụng những thứ còn có giá trị tái chế đem bán kiếm thu nhập, ngày ít thì một bao tải phế thải, ngày nhiều đến ba bao. Cứ như thế, ông có hẳn bạn hàng đến tận nhà thu mua. Chị Huế ở K210 cho hay: “Với ông, niềm vui là được đi gom rác, làm sạch cho xóm thì phải. Ngày rét căm căm, mưa gió ông vẫn cứ đầu trần chân đất cặm cụi làm. Nhìn khổ cực vậy chứ đố ai cho ông năm, mười ngàn mà ông lấy. Không phải ông chê ít nhiều mà ông chỉ muốn làm và làm mà thôi. Biết ý của ông nên trong xóm, nhà ai cũng gom chai nhựa, vỏ lon bia... để “trả công” cho ông như một lời cảm ơn...”.
Người “Công nhân vệ sinh đặc biệt” của tổ 43
Cuộc sống của ông Thìn cứ như một cuốn lịch được cài mặc định. Ông lặng lẽ với công việc như thể đó là việc được ai đó giao phó và buộc phải hoàn thành. Có nhiều hôm, công việc của ông còn hoàn thành tươm tất trước khi đội vệ sinh của Cty môi trường đến. Những hôm bận việc gia đình, lịch trình làm việc của ông có chút thay đổi là coi như người nọ hỏi người kia sao chưa thấy ông Thìn. Nhìn dáng ông xiêu vẹo, tay phải bị tật nhưng xách nặng, nhiều lúc mọi người cản ông nhưng ông cứ lắc đầu nguầy nguậy, lặng lẽ làm.
Nhìn ông Thìn, chẳng ai nghĩ rằng ông là một con người sống rất lãng mạn. Những người sống gần nhà ông vẫn thường thấy lúc rảnh rỗi ông đọc báo, ngâm thơ. Rồi những đêm trăng sáng, ông lại trải chiếu giữa sân và hát những bài hát tiền chiến say mê. Ông Nguyễn Văn Minh, tổ trưởng tổ 43, P.Tam Thuận, Q.Thanh Khê cho biết: “Những việc làm của ông Thìn có lẽ không cần nói ra ai cũng biết, dường như nó gắn với ông như cái nghiệp. Ông chính là người công nhân môi trường đặc biệt ở tổ tôi. Bản thân ông không có vợ con, sống với mẹ già hay đau ốm nên ông nhận được trợ cấp thường xuyên hơn hai trăm ngàn đồng/tháng”.
Cuộc sống muôn màu. Mỗi người có mỗi hoàn cảnh khác nhau, có những người sinh ra đã đẹp, có những người đẹp lên từ những việc làm cụ thể. Và ông Thìn nhặt rác chính là một trong số những người như thế!.