Ngôi miếu cổ giữa làng chài Nam Ô
Giữa làng chài Nam Ô, P. Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu, TP Đà Nẵng có một ngôi miếu cổ còn lưu ký, miếu được trùng tu vào năm Tự Đức thứ 16-1863, tức là cách đây 150 năm.
Tương truyền rằng, đây là ngôi miếu thờ vọng Công chúa Huyền Trân, gắn liền với sự tích trận chiến xảy ra hơn 700 năm về trước, được các nhà sử học ngày nay xác định, như một chứng tích hào hùng của một thời đi mở cõi của cha ông...
Trận chiến huyền thoại giải cứu Công chúa Huyền Trân
Làng chài Nam Ô nằm dưới chân một hòn núi nhỏ Xuân Dương, còn có tên là "mỏm Mũi Hạc", trải qua bao đời vẫn xanh ngút ngát với hàng trăm cây cổ thụ nghìn năm tuổi, thâm nghiêm soi mình ra trước biển Đông. Dưới chân núi Xuân Dương có một ngôi miếu cổ, theo các cụ cao niên trong làng, đó là nơi thờ vọng Công chúa Huyền Trân. Cách ngôi miếu không xa, nằm ngay ven cửa sông Cu Đê là di tích mộ tiền hiền của các chư phái tộc làng Nam Ô. Tương truyền rằng, đây là mộ của vị tướng quân đã anh dũng hy sinh trong trận đánh chặn quân Chiêm Thành để giải cứu Công chúa Huyền Trân cùng quan Nhập Nội Hành khiển Thượng thư Tả Bộc xạ Trần Khắc Chung, An phủ sứ Đặng Văn và đoàn tùy tùng thoát ra biển trở về Đại Việt...
Ông Đặng Dùng (người chống gậy) trăn trở, ước mong của dân làng Nam Ô là Nhà nước cho trùng tu lại ngôi miếu cổ của làng
Ông Đặng Dùng-người được dân làng Nam Ô vinh danh là "người viết sử làng", đưa tôi ra thăm mộ tiền hiền của làng, sang sảng đọc hai câu đối khắc trước trụ đá nhà bia: "Hóa công lưu nghiệp thiên thu tại / Ba huệ khai cơ vạn cổ tồn". Ông Dùng giải thích rằng, kể từ đời vị tổ đầu tiên rời đất Bắc vào mảnh đất Nam Ô này khai ấp, lập làng đã nghe truyền tụng về tấm gương trung liệt của vị tướng quân nhà Trần anh dũng hy sinh trong trận đánh chặn quân Chiêm truy đuổi Công chúa Huyền Trân trên bước đường hồi cố quốc. Dù không rõ danh tính, quê quán vị tướng quân, nhưng các chư phái tộc làng Nam Ô đều đồng lòng suy tôn vị tướng quân là "Tiền hiền triệu cơ" (Tiền hiền mở cõi) của làng, tri ân, ghi nhớ công đức tiền nhân mở cõi đất phương Nam...
Chuyện kể rằng, vào năm 1306, để cưới được Huyền Trân Công chúa, vua Chế Mân của Chiêm Thành đã dâng cả một vùng đất rộng lớn thuộc hai châu Ô-Lý, từ bờ Nam sông Hiếu, Đông Hà, Quảng Trị đến bờ Bắc sông Thu Bồn, Quảng Nam làm sính lễ. Nhưng làm dâu mới được một năm, thì Huyền Trân Công chúa đã rơi vào cảnh góa bụa, vì Chế Mân bị bạo bệnh qua đời, tục lệ của người Chiêm lúc bấy giờ "Vua chết, hậu phải chết theo", nhưng do Công chúa đang mang thai nên việc hỏa thiêu được phép dời lại... Biết chuyện, vua Trần Anh Tông sai quan Nhập Nội Hành khiển Thượng thư Tả Bộc xạ Trần Khắc Chung và An phủ sứ Đặng Văn cùng đoàn tùy tùng đi thuyền vào Chiêm quốc viếng tang, nhằm giải cứu Huyền Trân Công chúa về Đại Việt. Đoàn thuyền của võ tướng Trần Khắc Chung vào đến bãi biển Thị Nại (Quy Nhơn), dùng mưu kế định sẵn, đưa được Huyền Trân Công chúa lên thuyền rồi dong buồm ngược hướng Bắc. Đến làng Nam Ô, đoàn quân nán lại để tìm cách vượt Hải Vân, được dân làng tiếp đón, chở che... Quân Chiêm phát hiện đuổi theo, bao vây bốn mặt, dân làng đã cùng đoàn quân của võ tướng Trần Khắc Chung chống trả quyết liệt, viên tùy tướng của Trần Khắc Chung nhận lệnh chỉ huy một toán quân liều chết đánh chặn hậu để quân của Trần Khắc Chung đưa Huyền Trân Công chúa thoát ra biển khơi...Viên tùy tướng đã anh dũng hy sinh, được dân làng chôn cất và phong làm Tiền hiền của làng. Dân làng cũng lập miếu thờ Huyền Trân Công chúa để ghi nhớ công đức mở đất phương Nam của bà...
Ngôi mộ Tiền hiền làng Nam Ô gắn liền với sự tích ngôi miếu cổ của làng. Ảnh: H.T
Xót xa miếu cổ hoang tàn...
Theo ông Đặng Dùng, khắc ghi lời dạy của cha ông, cứ "xuân thu nhị kỳ", dân làng đều tổ chức cúng tế tại miếu này. Song việc trùng tu, bảo tồn ngôi miếu thì chưa thể thực hiện vì làng không có kinh phí. Trải qua thời gian, ngôi miếu cổ hàng trăm năm tuổi ngày càng đổ nát, xuống cấp. Trong thời gian qua, UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý cho Tập đoàn Trung Thủy quy hoạch dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô, dân làng rất vui mừng khi được tận mắt đọc những văn bản mà Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giao nhiệm vụ cho chính quyền Q. Liên Chiểu phối hợp cùng Hội đồng chư phái tộc làng Nam Ô lập phương án trùng tu, tôn tạo di tích mộ tiền hiền làng. Nhưng đến nay ngôi miếu cổ hình như vẫn bị "bỏ quên"! Ông Đặng Dùng trăn trở, những câu chuyện lưu truyền trong dân gian ở làng chài Nam Ô về tấm gương trung liệt của người võ tướng, về tấm lòng tri ân, ghi nhớ công đức của dân làng với nàng công chúa đất Việt, hy sinh cả cuộc đời vì sự hưng thịnh của đất nước, thiết nghĩ cũng là đề tài đáng để các sử học quan tâm, nghiên cứu ghi vào sử sách. Thật đau lòng trước một di tích văn hóa lịch sử đã có hàng trăm năm tuổi đổ nát, hoang tàn...