Ngỡ ngàng Đà Nẵng

Những cây cầu ở Đà Nẵng không chỉ mang dấu ấn kiến trúc đẹp mà nó còn là minh chứng cho sức sống và khát vọng đổi thay vươn lên mạnh mẽ của TP. Hôm nay, lại thêm những cây cầu mới khánh thành đúng vào dịp TP kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng.

Trong ký ức nhiều người dân, Đà Nẵng đã đổi thay kỳ diệu; trong mắt nhiều du khách, Đà Nẵng là nơi đáng sống, đáng thán phục. Vì đâu TP có một sức bật mãnh liệt đến thế?

Thật khó nói hết những đổi thay diệu kỳ ở thành phố đầu biển cuối sông này, nhưng mỗi một dấu mốc, mỗi công trình đều mang trong đó cảm xúc xen lẫn niềm tự hào của người dân. Đi qua đường Bạch Đằng những ngày này không khó nhận thấy có rất đông người đứng xem thi công công trình cầu Rồng. Đó không phải sự hiếu kỳ, đó là tình yêu với TP. Cụ Nguyễn Văn Lộc (70 tuổi, ở nhà số 12- Phan Đình Phùng, Đà Nẵng) chia sẻ: Sáng hay chiều tôi đều ra đây để xem con rồng hình thành thế nào, cái vảy, cái đuôi có đẹp không? Nhiều người cũng chung suy nghĩ như vậy. Và họ vừa xem, vừa bàn luận. Người thì bảo thân con rồng về đêm phát sáng rất đẹp nhưng đầu và đuôi lại chưa nổi bật.

Ngỡ ngàng Đà Nẵng - 1

Đà Nẵng đang thay đổi từng ngày

Cũng có người lại cho rằng đầu rồng hơi thấp, rồi lan can cầu làm không ấn tượng... Mỗi người một ý và họ tranh luận sôi nổi, thậm chí nảy nửa. Có khi họ cũng chẳng quen biết nhau, người ở Cẩm Lệ, người ở Liên Chiểu, nhưng chủ đề cây cầu mới của TP đã kéo họ vào cuộc tranh luận sôi nổi dường như không có điểm dừng. Chung quy cũng vì sự quan tâm tới những công trình, vì tình yêu TP. Nói như cụ Lộc, cầu Rồng này làm cho người dân chứ cho ai, nó đẹp, nó kỳ vĩ mình cũng thấy tự hào lắm chứ!

Mỗi người đều có những ký ức khó quên với quê hương mình sinh sống. Với cụ Đặng Ngọc Được (68 tuổi, ở nhà số 65-Phạm Nhữ Tăng, Đà Nẵng), ký ức càng đặc biệt hơn, bởi cụ đã sống ở TP này từ khi sinh ra, đã chứng kiến bao đổi thay, thăng trầm. Trước giải phóng, TP chỉ có một cầu đi bộ và cầu đường sắt bắc qua sông Hàn. Nhưng sau giải phóng, TP từng bước chuyển mình, lần lượt những cây cầu được ra đời. Mỗi lần chứng kiến một cây cầu mới mang lại diện mạo đổi thay, cảm xúc trong cụ Được vẫn rưng rưng như lần đầu. “Làm sao kể hết niềm tự hào khi quê hương mình đổi thay từng ngày. Cháu không biết chứ ngày xưa bên kia sông nghèo lắm, như một khu ổ chuột, toàn nhà chồ nhếch nhác và xác xơ. Nhìn mà thương, mà buồn. Nhưng bây giờ đã khác, bờ Đông đã sầm uất, những nhà cao tầng mọc lên san sát, đường xá thông thoáng, sạch đẹp, thấy cũng mát lòng” - cụ Được thổ lộ.

Có chứng kiến những thăng trầm của TP, từ trong đau thương chiến tranh, từ trong nghèo nàn của quá khứ, và rồi những công trình mọc lên, diện mạo thay đổi, khoảng cách văn minh hai bờ sông Hàn được xóa nhòa như cụ Được thì mới hiểu vì sao sáng sáng, chiều chiều cụ đều ra bờ sông này để ngắm nhìn cây cầu hình thành; mới hiểu vì sao đã là cây cầu thứ 10 thì cảm xúc hồi hộp, tự hào vẫn như lần đầu.

Ngỡ ngàng Đà Nẵng - 2

Cầu Rồng

Ở TP đầu biển cuối sông này, mỗi cây cầu xây lên không chỉ phục vụ đi lại giao thương mà nó còn là minh chứng của sức sống mới, sự đổi thay kỳ diệu. Đặc biệt hơn, mỗi cây cầu đều mang trong đó một giá trị kiến trúc, mỹ thuật độc đáo. Nếu Thuận Phước là cầu dây văng dài nhất nước vắt qua cửa Hàn, nhìn từ Hải Vân như một con tàu với cánh buồm khổng lồ; nếu cầu Trần Thị Lý hình chữ l nghiêng mang vẻ đẹp hiện đại, kỳ vĩ... thì những cầu Sông Hàn, cầu Rồng lại mang ý nghĩa biểu trưng cho TP.


Ông Nguyễn Trà (67 tuổi, ở 223/16-Trường Chinh, Đà Nẵng) tâm sự, cầu Sông Hàn Nhà nước và nhân dân cùng làm, biểu trưng cho lòng quyết tâm, khát vọng đổi thay mãnh liệt của TP. Từ khi cây cầu này khánh thành, bán đảo Sơn Trà như một viên ngọc được mài dũa phát sáng lung linh. Những phố nhà chồ nhếch nhác biến mất thay vào đó là những con đường lớn đâm thẳng ra biển, những tòa nhà cao tầng hiện đại, những dự án du lịch đẳng cấp dọc bãi biển... Còn với cầu Rồng lại mang biểu tượng mới về sức mạnh, khát vọng vươn mình cất cánh tiến thẳng ra biển lớn. Đó cũng là sức bật trẻ trung và mạnh mẽ nơi thành phố được ví năng động nhất nước hiện nay. Vậy thử hỏi sao không đáng tự hào!

Ngỡ ngàng Đà Nẵng - 3

Cầu mới Trần Thị Lý

Nhiều người Đà Nẵng đi xa trở về không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của TP, đặc biệt từ những cây cầu. Còn với nhiều bạn trẻ lớn lên cùng TP thì mỗi cây cầu mang một điểm tựa mới, sức sống mới. Nhưng, khi những cây cầu mới được khánh thành, trong niềm hân hoan cũng phải nhắc lại để trân trọng những người dân đã sẵn sàng hy sinh cuộc sống riêng của mình, chuyển đi nơi khác sinh sống để góp phần cùng TP làm nên những công trình lớn. Hãy cứ hình dung tuyến đường Nguyễn Văn Linh nối dài giữa trung tâm TP chỉ mất một thời gian ngắn có thể giải tỏa để làm đường nối với cầu Rồng, thì sẽ hiểu ở Đà Nẵng, sức mạnh đồng thuận giữa chính quyền và người dân lớn mức nào. Chúng ta nghe ở đâu đó một tấc đất người dân không chịu di dời để cả một công trình lớn dang dở, thì ở TP này, trong chục năm qua, hàng trăm ngàn người dân đã sẵn sàng di dời, giải tỏa để góp sức chỉnh trang, phát triển TP. Tất cả điều đó chỉ có thể giải thích là sự đồng lòng, là khát vọng lớn lao muốn TP quê hương mình đổi thay, to đẹp.

Người ta nói nhiều về Đà Nẵng, cũng học tập nhiều ở Đà Nẵng những mô hình hay, cách làm mới. Nhiều người mơ ước trở thành công dân của TP, họ thán phục khi nhắc tới Đà Nẵng. Chí ít với mỗi người dân đang sinh sống tại Đà Nẵng cũng tự hào, nhưng để có điều đó, trên hết vẫn là sức mạnh đồng thuận, là quyết tâm muốn thay đổi diện mạo TP của mỗi người dân. Và điều đó đã giải mã vì sao sau 38 năm giải phóng, Đà Nẵng đã phát triển mạnh mẽ với những thay đổi diệu kỳ như hôm nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Quỳnh (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN