Kinh doanh xăng dầu: Tất cả đều kêu lỗ!
Ngày 5-10, tại Sở Công Thương Đà Nẵng, các đầu mối cung cấp xăng dầu, tổng đại lý, đại lý bán lẻ đã tranh luận gay gắt, từ đây bộc lộ nhiều chuyện thuộc hàng “thâm cung” của hoạt động kinh doanh được coi là nhạy cảm nhất hiện nay. Nhưng tựu trung lại tất cả đều kêu lỗ và đề nghị được “cởi trói”!
Trên đe dưới búa
Đà Nẵng hiện có 133 Giấy phép đủ điều kiện KDXD của 58 đơn vị, trong đó có 4 đơn vị đầu mối, 4 tổng đại lý, còn lại các đại lý bán lẻ. Trong 9 tháng của năm 2012, các DN đầu mối đã nhập về hơn 608 triệu lít xăng dầu và bán ra hơn 215 triệu lít, tổng giá trị hơn 4,1 ngàn tỷ đồng. |
Sau khi các doanh nghiệp (DN) đầu mối như Xăng dầu Khu vực 5, PV Oil miền Trung, Petec Đà Nẵng báo cáo luôn cung ứng đủ sản lượng xăng dầu (kể cả thời điểm nhạy cảm như sắp tăng giá) liền bị các tổng đại lý phản ứng gay gắt. Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Cty Hòa Khánh, một tổng đại lý đã thẳng thắn nêu bức xúc: "Tôi hợp đồng mua, thanh toán tiền lúc sáng, xe sắp hàng chờ tới chiều mới lấy được xăng. Tới 15 giờ, xăng tăng giá, đầu mối không bán nữa, trả lại tiền. Chưa hết, họ thích thì chiết khấu 150 đồng/lít, ưng thì lên 250 đồng/lít, ưng thì cung cấp số lượng nhiều, không thì để cho các đại lý bán lẻ của mình phân phối. Thử hỏi không độc quyền là gì?".
Trường hợp đầu mối cung cấp xăng dầu mà ông Phúc đang nói tới là Cty Xăng dầu KV5. Cũng liên quan tới đầu mối này, ông Huân - Cty Ngọc Khánh, một tổng đại lý khác nói: "Tôi có 6 cửa hàng bán xăng, có 20 xe bồn chở xăng phân phối cho 26 cửa hàng xăng ở miền Trung nhưng có ngày chỉ nhận được 7m3 xăng, thử hỏi phân phối kiểu gì? Các anh bảo luôn cung ứng đủ xăng, nhưng các anh có bao giờ biết đại lý từng phải đi mua từng 1.000 lít xăng để chia nhau cung ứng cho khách hàng. Xe bồn của tôi có 4 ngăn, đã bơm xăng xong 2 ngăn, đúng lúc ấy xăng tăng giá, vậy là 2 ngăn còn lại không bơm nữa. Không độc quyền thì là gì? Ở trên đầu mối không cung cấp hoặc cung cấp ít khiến ở dưới chúng tôi không có bán, phải nghỉ, gián đoạn thì lại bị la um lên là ghim hàng, là trục lợi. Thử xem có khác gì trên đe dưới búa?".
Ông Đỗ Minh Hiển - Trưởng phòng Kinh doanh Cty Xăng dầu KV5 giải thích: "Sản lượng cung ứng cho các tổng đại lý được tính bình quân trong 3 tháng liền kề. Vì vậy không thể anh đang lấy 1.000 khối, giờ có thông tin chuẩn bị tăng giá xăng yêu cầu lấy lên 1.500 khối để tích trữ là chúng tôi không cung cấp được. Còn việc chiết khấu thấp, chỉ có 250 đồng/lít, trong khi các DN đầu mối khác như PV Oil, Petec chiết khấu tới 400 đồng/lít, ông Hiển lý giải vì Xăng dầu KV5 buộc phải dự trữ lớn tới 30.000m3. Việc nhập nguồn hàng giá lúc nọ lúc kia, không ai tài giỏi gì để luôn nhập được giá rẻ, chiết khấu cao cho đại lý được. Làm đầu mối ai chẳng muốn được chiết khấu cao để hàng mình bán được nhiều, tăng doanh thu, nhưng hiện tại chúng tôi đang phải làm, lấy lãi để bù vào những khoản lỗ trước kia”. Ngay lập tức, ông Huân phản bác: “DN đầu mối bảo chúng tôi lấy đột biến sản lượng để tích trữ khi có thông tin chuẩn bị tăng giá. Nhưng anh có tính tới chuyện trước thông tin chuẩn bị tăng giá xăng, bình thường họ đổ 50.000 đồng, giờ họ đổ lên 100.000 đồng. Đấy là chưa kể nhiều người sợ còn mang cả can, thùng mua về nhà trữ".
Cả ông Phúc và ông Huân đều cho rằng, để chống độc quyền cần cởi trói để cho một đại lý được nhập xăng dầu ở nhiều đầu mối. Chỉ như vậy, lúc thị trường nhạy cảm, các đại lý mới có đủ nguồn để cung cấp, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh sòng phẳng giữa các đầu mối trong việc chiết khấu hoa hồng cho đại lý.
Các tổng đại lý cho rằng, với hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhiều nên Cty Xăng dầu KV5 tỏ ra độc quyền. (Trong ảnh: Một cửa hàng của Cty XD KV5 tại Đà Nẵng)
Khi tất cả đều lỗ!
Một đại lý xăng dầu tính toán mỗi tháng bán 150m3 xăng, bị hao hụt 400 lít, lỗ hơn 20 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Phúc phân tích, một xe bồn khi nhiệt độ tăng 10, hao hụt mất 13 lít xăng, 9 lít dầu. Trong 4 đầu mối cung cấp xăng dầu ở Đà Nẵng thì khi lấy từ kho của Cty Xăng dầu Quân đội KV2, nhiệt độ ít thay đổi nhất. Ngược lại, lấy tại Cty Xăng dầu KV5, do bồn chứa ngoài trời, lượng hao hụt rất lớn vì nhiệt độ tăng. Trong khi hao hụt lớn, chiết khấu thấp, lại bị khống chế sản lượng nên tổng đại lý lợi nhuận không bù chi, lỗ. Tiếp đến, ngay cả các DN đầu mối xăng dầu cũng kêu lỗ với lý do giá thế giới biến động liên tục, chi phí lãi suất ngân hàng, việc vận chuyển bảo quản tốn kém... Như vậy, tất cả các đơn vị kinh doanh xăng dầu (KDXD) từ trên xuống dưới đều kêu lỗ. Nhưng thực tế thì chưa có DN nào ở Đà Nẵng kinh doanh trong lĩnh vực này phải đóng cửa vì thua lỗ.
Ông Lữ Bằng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn TP vẫn còn một số DN KDXD sai phạm. Cụ thể như cửa hàng xăng dầu Hòa Hiệp 2 sử dụng phương tiện đo bị sai, hỏng về đo lường xăng dầu (bị phạt 20 triệu đồng); đại lý xăng dầu Quốc Việt hoạt động kinh doanh khi Giấy chứng nhận đủ điều kiện KDXD hết hạn (bị phạt 20 triệu đồng); đại lý xăng dầu Bà Tám thông báo nghỉ bán do cúp điện đúng vào thời điểm giá xăng dầu sắp điều chỉnh tăng gây hoài nghi cho người tiêu dùng; Cty Hải Thịnh và Duy Thịnh ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu chưa đúng quy định là một đại lý bán lẻ chỉ được phép ký hợp đồng với 1 đơn vị đầu mối cung cấp xăng dầu (2 đơn vị này đã ký với nhiều đầu mối).
Ông Bằng cũng thừa nhận việc tăng giá xăng dầu được công bố trên báo chí từ 1-2 ngày trước khi điều chỉnh đã dẫn đến tâm lý dự trữ hàng chờ tăng giá của DN, gây hiện tượng hụt ảo trong thời gian ngắn, khiến thị trường mất ổn định. Trước thực trạng đó, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng chỉ đạo các DN đầu mối cung cấp xăng dầu phải đảm bảo dự trữ đủ nguồn hàng để cung cấp cho các đại lý, phục vụ phân phối theo nhu cầu của người dân, không để đại lý phải đóng cửa vì hết hàng. Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, các đầu mối cần quan tâm nâng chiết khấu cho các tổng đại lý, đại lý để họ duy trì được hoạt động kinh doanh.