Khi sinh viên làm… công nhân

Đầu năm, bài vở ít, nhiều sinh viên không muốn phung phí khoảng thời gian “nhàn rỗi” này nên đã nộp hồ sơ làm công nhân khu công nghiệp Hòa Khánh (Liên Chiểu, Đà Nẵng). Họ khoác lên mình đồng phục công nhân chỉ với mong muốn kiếm thêm thu nhập trang trải sinh hoạt cũng như có những trải nghiệm thật sự cho công việc tương lai…

1.001 lý do làm công nhân

KCN Hòa Khánh là địa chỉ của nhiều nữ sinh viên trường ĐH Sư phạm, CĐ Kinh tế - Kế hoạch, CĐ Đức Trí… nộp hồ sơ làm thêm.

Vừa chân ướt chân ráo vào lại Đà Nẵng, là Phạm Thùy Trang (SV năm 2, ĐH Sư phạm Đà Nẵng) vội vàng đạp xe lên KCN tìm kiếm Cty tuyển dụng và nộp hồ sơ vào làm công nhân. Đây là năm thứ hai Trang khoác lên mình bộ đồ xanh công nhân. “Công việc ở KCN khá nhẹ nhàng và không quá phức tạp, lại được ở trong nhà xưởng không phải dầm mưa dãi nắng, lương lại cao nên năm nay mình vẫn quyết định nộp hồ sơ xin việc để trang trải tiền học phí đầu năm học” – Trang tâm sự.

Còn đối với Luyến (SV ngành Công nghệ thông tin, ĐH Sư phạm) lại muốn làm công nhân vì… tò mò. “Thấy máy đứa bạn trong dãy nhà trọ nộp hồ sơ làm công nhân Cty Mabuchi Motor nên mình cũng muốn thử sức. Mình muốn đi làm thêm để có những trải nghiệm nhất định về lao động” – Luyến cho biết: Mặc dù gia đình ngăn cản nhưng Luyến vẫn thuyết phục được ba mẹ đồng ý. Do đặc thù công việc cần sự cẩn thận, tỷ mỉ và chăm chỉ nên hầu hết các Cty ở KCN Hòa Khánh chỉ tuyển nữ công nhân. Tuy nhiên, do thiếu lao động, vẫn có một số Cty tuyển nam công nhân bổ sung. Võ Văn Tiến (SV năm 2, ĐH Sư phạm) nói: “Mình mới nhận vào làm cho Cty điện tử Việt Hoa. Đợt này Cty có tuyển một số lượng ít công nhân nam nên mình nhanh chóng nộp hồ sơ và được gọi đi làm”.

Khi sinh viên làm… công nhân - 1

Nhiều công nhân là sinh viên đi làm thêm (Ảnh minh họa)

Trải nghiệm

Không cần phải cần nhiều về kỹ năng chuyên môn cũng như bằng cấp, chỉ cần có thời gian học việc từ 2 đến 4 ngày tùy vào mức độ công việc là có thể đáp ứng yêu cầu của các Cty. Thế nhưng, theo như tâm sự của nhiều sinh viên ở KCN Hòa Khánh, làm công nhân quả thật phải chịu những áp lực nhất định.

Mai Thị Hảo (SV ngành Giáo dục Mầm non – ĐH Sư phạm) làm công nhân cho Cty nhựa Keyhinge Toys VN chia sẻ: “Quy định của công ty là phải đáp ứng số lượng là 400 đơn vị hàng/1 giờ nên mình phải tập trung chú ý làm đủ số lượng. Dây chuyền cứ hoạt động không ngừng nên nhiều lúc mệt quá cũng không được phép nghỉ ngơi”. Vất vả nhất có lẽ là những công nhân làm ca đêm (từ 18 giờ đến 6 giờ hôm sau) vì phải thức đêm làm việc và ngủ bù vào ban ngày nên vừa không đảm bảo việc học và sức khỏe bị giảm sút. “Mình làm hết tháng này rồi xin nghỉ để chuyên tâm hơn cho việc học” – Võ Văn Tiến, công nhân Cty Việt Hoa bày tỏ. Làm việc phải chịu nhiều áp lực như vậy nhưng bữa cơm giữa ca của công nhân cũng chẳng khá gì. “Thời gian ăn bữa trưa của công nhân chỉ có 15 phút, có hôm mình còn ăn dở mà hết thời gian nên phải để lại chạy vào dây chuyền. Thức ăn cũng chỉ có một nhúm rau, mấy lát đậu khuôn mỏng dính, và nửa quả trứng. Cuối tuần mới có một miếng thịt nên thỉnh thoảng mình phải mang cơm ở nhà đi ăn để đảm bảo sức khỏe”- Quỳnh Anh (SV ĐH Sư phạm) cho biết.

Mặc dù làm công nhân KCN phải chịu đựng nhiều thứ nhưng nhiều sinh viên vẫn chấp nhận thử thách với suy nghĩ “lấy được tiền người ta đâu dễ”. Nhận được tháng lương đầu tiên do chính sức lao động mình làm ra. Lâu nay cứ đến tháng là lại xin tiền ba mẹ, nhiều lúc mình cũng không hiểu rõ giá trị của đồng tiền. Làm công nhân cho mình nhiều trải nghiệm khó quên và nó giúp mình trưởng thành hơn”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế An – Mai Hảo ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN