Đưa Đà Nẵng trở thành đô thị đẳng cấp quốc tế

Ngày 12/17, với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư, doanh nhân... trong và ngoài nước, Hội thảo “Các ý tưởng xây dựng TP Đà Nẵng” lần thứ 2 đã thu được nhiều ý tưởng sáng tạo, có giá trị để xây dựng Đà Nẵng từng bước trở thành một đô thị ngang tầm với các đô thị hiện đại trong khu vực và mang đặc trưng của một “đô thị đáng sống”, “thành phố sống tốt”...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Văn Hữu Chiến - Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: Qua hội thảo lần thứ nhất đã có những ý tưởng hay, sáng tạo và có tính khả thi, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm KT-XH của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và là một trong những đô thị hàng đầu của cả nước. Phát huy những kết quả đạt được, Đà Nẵng tổ chức hội thảo lần thứ 2 với mong muốn tiếp tục hoàn thiện ý tưởng sáng tạo có giá trị cao, cụ thể hóa thành những nhóm giải pháp hữu hiệu. Hội thảo cũng là dịp để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các nhà đầu tư, các DN trong và ngoài nước tiếp tục chia sẻ, trao đổi, góp ý sâu hơn về những vấn đề cũng như kinh nghiệm trong phát triển dịch vụ, công nghiệp và đô thị có thể áp dụng được cho Đà Nẵng...

Đưa Đà Nẵng trở thành đô thị đẳng cấp quốc tế - 1

Quang cảnh Hội thảo

Tuân thủ triết lý “thành phố đáng sống”

TS Trần Du Lịch - Trưởng Nhóm tư vấn hợp tác phát triển Vùng cho rằng, Đà Nẵng muốn thực hiện mục tiêu đã đề ra thì cần tuân thủ nghiêm ngặt triết lý phát triển đô thị “đáng sống”, trong đó phải hình thành cho được bộ tiêu chí về đô thị mà thế giới đã đánh giá và thừa nhận xếp hạng đô thị “sống tốt”. Đà Nẵng phải giải cho được bài toán tài chính để bảo đảm xây dựng thành phố theo ý tưởng đề ra; đồng thời cần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế dựa vào 2 trụ cột là dịch vụ, du lịch chất lượng cao và công nghiệp kỹ thuật cao, bảo đảm sự tăng trưởng xanh (GDP xanh).

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, dịch vụ là ngành mũi nhọn, có vai trò định hướng và dẫn dắt toàn bộ nền kinh tế thành phố, góp phần quyết định để đưa Đà Nẵng trở thành đô thị có đẳng cấp quốc tế ở bậc cao nhất. Muốn vậy, Đà Nẵng cần phải trở thành “thành phố thông minh”; trở thành một trong những trung tâm dịch vụ lớn của cả nước; phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế; phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm buôn bán, phát luồng hàng hóa và là trung tâm tài chính của khu vực miền Trung - Tây Nguyên...

“Thành phố bikini”?

Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Trung Lương - Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch cho rằng, Đà Nẵng cần phải trở thành “cửa đến” của du lịch miền Trung - một trung tâm du lịch lớn của khu vực và Châu Á, trở thành điểm đến du lịch biển “xanh” và hiện đại. “Đây sẽ là sự khác biệt lớn của Đà Nẵng so với các trung tâm du lịch biển của Việt Nam, thậm chí của khu vực. Theo đó, Đà Nẵng sẽ phát triển để trở thành trung tâm du thuyền quốc tế tầm cỡ của khu vực; là nơi sẽ có công viên đại dương với các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, hệ thống lưu trú và dịch vụ trên/dưới biển hiện đại. Ngoài ra, sẽ phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố công viên (thành phố trong rừng) với những ứng dụng công nghệ “xanh” làm thay đổi căn bản diện mạo và tính chất đô thị hiện đại” - PGS.TS Phạm Trung Lương gợi mở.

Mũi nhọn và cũng là trọng tâm phát triển dịch vụ của Đà Nẵng là du lịch và nghỉ dưỡng. Vậy quy hoạch đô thị phục vụ mục tiêu này như thế nào? TS Võ Kim Cương - Chuyên gia Xây dựng và Quản lý Đô thị đặt vấn đề: “Dải bờ biển từ Sơn Trà đến Non Nước, bao gồm cả Sân bay Nước Mặn ngày xưa, trong tương lai có lẽ sẽ là một vùng đô thị nghỉ dưỡng, một thành phố bikini (thành phố tắm biển được mặc đồ tắm đi trên phố) tuyệt vời. Tuy nhiên, hiện dọc biển có nhiều DA nhỏ nằm án ngữ, liệu có cản trở sinh hoạt hằng ngày của khu đô thị du lịch và tắm biển tương lai cũng như của cả thành phố hay không? Bài toán về quy hoạch đô thị phải như thế nào để có phương án tối ưu và khả thi nhằm tăng sức hấp dẫn của Đà Nẵng sẽ không đơn giản” - TS Võ Kim Cương nhìn nhận.

Đưa Đà Nẵng trở thành đô thị đẳng cấp quốc tế - 2

TS Võ Kim Cương nêu ý tưởng về xây dựng Đà Nẵng là “thành phố bikini”
(trong ảnh: Bãi biển Mỹ Khê-Đà Nẵng).

Hướng đến đô thị mang tầm châu lục

TS TRẦN ĐÌNH THIÊN: “Muốn làm được việc lớn thì cần phải nghe những ý tưởng “điên rồ”, nhưng đó là những ý tưởng lớn, đẳng cấp”.

Bà PHẠM CHI LAN - Chuyên gia kinh tế: “Tôi cho rằng, với lợi thế của mình, Đà Nẵng không nên quá tập trung vào công nghiệp, chỉ nên hướng đến ngành công nghiệp công nghệ cao. Cần phải tập trung nguồn lực vào dịch vụ. Muốn làm được điều đó, trước hết Đà Nẵng phải nâng cao nguồn nhân lực, cải thiện trình độ tiếng Anh và phải sáng tạo, dám đương đầu với thử thách, ý thức công dân và cộng đồng trách nhiệm của người Đà Nẵng”.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã có những trao đổi, thảo luận, phản biện nhiều ý tưởng và các giải pháp hay, ấn tượng về các vấn đề như quy hoạch và phát triển đô thị, đẩy mạnh sự phát triển của ngành CNTT hướng tới chính quyền điện tử, hay như các giải pháp mang tính đột phá cho sự phát triển ngành dịch vụ chất lượng cao... Nổi bật là những ý tưởng phát triển đô thị nước, đô thị trên đồi; thành phố ánh sáng; hoặc ý tưởng phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ đẳng cấp quốc tế, thành phố biển kết nối giữa Đà Nẵng với Lăng Cô (TT-Huế) để khai thác tiềm năng du lịch hiếm có ở trong vùng...

Kết luận Hội thảo, đồng chí Trần Thọ - Phó Bí thư Thường trực, phụ trách Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố khẳng định: Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý tưởng, các ý kiến góp ý của các DN, các chuyên gia, nhà khoa học đã gắn bó, tâm huyết đối với sự phát triển của Đà Nẵng những năm vừa qua. Đây thực sự là những đóng góp không nhỏ vào sự trưởng thành và thay đổi của Đà Nẵng, đồng thời đã góp phần giúp cho lãnh đạo thành phố có những định hướng đúng đắn hướng Đà Nẵng đến một đô thị mang tầm vóc khu vực ASEAN và Châu Á trong tương lai không xa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Doãn Hùng (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN