Du lịch Đà Nẵng: Được và chưa (P.2)
Sự phát triển mạnh mẽ ngành “công nghiệp không khói” của Đà Nẵng những năm qua là rất lớn và kỳ vọng tương lai sẽ còn phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, muốn vươn tầm để trở thành điểm đến hấp dẫn như Bali (Indonesia) hay Phuket (Thái Lan) thì còn rất nhiều việc phải làm, cho dù Đà Nẵng có nhiều lợi thế.
Bài cuối: Làm gì để phát huy tiềm năng lớn?
Phải kết nối nhiều đường bay
Quả thực, nếu lấy các con số thống kê ra để so sánh thì Đà Nẵng chưa thể bì được so với Bali và Phuket. Nếu như Đà Nẵng có 8.000 phòng khách sạn tất cả các loại thì Bali gấp 5 lần con số đó, Phuket còn lớn hơn rất nhiều với 53.000 phòng. Năm 2012, Đà Nẵng đón hơn 700.000 lượt khách quốc tế, con số cao nhất từ trước đến nay, nhưng so với 3 triệu của Bali và gần 7 triệu của Phuket thì còn khoảng cách rất xa (nguồn VnEconomy). Mặc dù lượng khách sạn ở Đà Nẵng không nhiều, nhưng theo ông Mathieu Lacabane - Tổng giám đốc Khách sạn Mercure, thị trường đang thừa cung, dẫn đến công suất phòng và giá thuê phòng bình quân đều giảm.
Tại sao vậy? Một mùa mưa kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau khiến hoạt động du lịch bị trì trệ là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả kinh doanh của các khách sạn và khu nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng. Nhưng yếu tố cốt lõi khiến cho những đồng vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở Đà Nẵng chưa đem lại hiệu quả như mong muốn là thiếu các đường bay quốc tế.
Ông Mark Siegel của Golfasian nói rằng, thiếu các đường bay quốc tế kết nối trực tiếp đến Đà Nẵng là cản trở lớn nhất đối với việc các Cty đưa khách đến miền Trung. Mặc dù Đà Nẵng đã có các chuyến bay trực tiếp từ Singapore, Hàn Quốc, Kuala Lumpur, Hồng Kông cũng như các chuyến bay thuê chuyến từ Quảng Châu (Trung Quốc), nhưng theo những nhà đầu tư thì Đà Nẵng cần kết nối với nhiều điểm đến quốc tế như Bangkok, Nhật Bản hay Australia thì mới mong du lịch phát triển.
Đà Nẵng là cửa ngõ quốc tế lớn thứ 3 của Việt Nam. So với những địa điểm du lịch khác như Phan Thiết, Nha Trang hay Hạ Long, Đà Nẵng có lợi thế hơn vì có sân bay quốc tế, có thể dễ dàng kết nối với các điểm đến ở Châu Á trong vòng 1-3 giờ bay. Nhưng thực tế, việc mở đường bay mới đã khó, duy trì đường bay còn khó hơn. Trước đây đã có các chuyến bay từ Bangkok và Hồng Kông đến Đà Nẵng, nhưng PB Air và Pacific Airlines đều phải dừng bay vì lỗ. Gần đây, có các tín hiệu tích cực khi Dragon Air bắt đầu bay từ Hồng Kông đến Đà Nẵng, các hãng hàng không như Air Asia và Silk Air có các chuyến bay từ Kuala Lumpur và Singapore đến Đà Nẵng. Nhưng nếu như Silk Air đang có kế hoạch tăng thêm mỗi tuần một chuyến bay, thì Air Asia vừa ra thông báo sẽ ngừng bay đến Đà Nẵng từ tháng 6 năm nay. Nếu tình trạng hoạt động của các hãng hàng không đến Đà Nẵng cứ phập phù thì đương nhiên kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng khó khá lên được.
Du khách đến Đà Nẵng bằng đường hàng không chặng Kuala Lumpur-Đà Nẵng. Ảnh: Châu Thư
Đẩy mạnh quảng bá
Các hãng hàng không chỉ có thể duy trì đường bay nếu có đông khách du lịch đến Đà Nẵng. Nhưng sao vẫn ít khách quốc tế đến Đà Nẵng trong khi tiềm năng du lịch rất lớn, có các khu nghỉ dưỡng, sân golf tầm cỡ Châu Á và thế giới?
Ông Gerd Kotlorz - Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của InterContinental Sun Peninsula Resort, chỉ ra vấn đề là công tác quảng bá, tiếp thị Đà Nẵng ra thế giới còn yếu. Đà Nẵng có thể nổi tiếng ở trong nước, nhưng trên thế giới, không nhiều khách du lịch biết đến Đà Nẵng. Gần 20 năm kinh nghiệm làm du lịch ở Việt Nam, Louk Lennearts - Chủ tịch Tổ chức Tiếp thị điểm đến bờ biển miền Trung Việt Nam, thừa nhận, công tác tiếp thị hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung ra thế giới còn yếu. Nếu so với một số quốc gia Châu Á khác thì Việt Nam nói chung, chứ chưa cần nói đến miền Trung, hầu như không đầu tư cho công tác tiếp thị hình ảnh ra thị trường quốc tế. Mỗi năm Việt Nam chỉ chi có 2 triệu USD cho công tác tiếp thị và quảng bá du lịch, trong khi Malaysia chi 32 triệu USD và riêng Bali là 229 triệu USD.
Hằng năm, các địa phương ở miền Trung chi rất nhiều tiền cho các sự kiện, lễ hội du lịch trong nước, nhưng lại hầu như không có sự kiện quảng bá tầm cỡ nào ở nước ngoài. Theo Louk Lennearts, miền Trung (cụ thể là Đà Nẵng) hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành điểm đến quốc tế nếu như công tác quảng bá hình ảnh làm tốt hơn.
Bài toán nhân sự
Tuy nhiên, nếu khách du lịch đổ về Đà Nẵng thì các khách sạn, khu nghỉ dưỡng lại phải đối mặt với một loạt vấn đề mới: thiếu nhân sự chất lượng đã và sẽ vẫn là bài toán đau đầu với các khu nghỉ dưỡng ở miền Trung. Một thực tế rất dễ nhìn thấy là sự cạnh tranh nhân sự khá gay gắt trong khi đó công tác đào tạo lại không được coi trọng. Đơn cử, khu nghỉ dưỡng B. mới mở sẽ chào mức lương cao hơn khu nghỉ dưỡng A và đương nhiên họ sẽ “lấy” được nhân sự của khu nghỉ dưỡng A.
Bên A thiếu hụt nhân sự chất lượng buộc phải “chạy đua” về lương trong khi công tác đào tạo hầu như không bên nào chú trọng. Tình trạng này cũng được các khách sạn khác thừa nhận và họ cho rằng sự cạnh tranh thiếu lành mạnh này sẽ tạo ra lỗ hổng nhân sự rất lớn. Ông Zulki Othman cho biết, thách thức lớn nhất đối với Hyatt Regency Danang Resort hiện nay là làm thế nào để nhân viên thạo tiếng Anh, còn ông Adwin Chong - Tổng Giám đốc Crowne Plaza lại đau đầu với việc tuyển dụng nhân viên giỏi tiếng Trung.
Nếu ví von thì việc xây dựng các khách sạn và khu nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng mang đẳng cấp quốc tế cũng mới chỉ là cung cấp phần cứng, còn để cạnh tranh được và thực sự trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước thì vẫn nhiều việc phải làm. Hy vọng tương lai ngành Du lịch Đà Nẵng là rất sáng khi có đầy đủ lợi thế, vấn đề là biến lợi thế đó thành sức hút đến đâu.