Doanh nghiệp thoi thóp (P.2)
Ngành sản xuất - kinh doanh VLXD như sắt thép, xi-măng, gạch, nội thất... đang phải chịu áp lực lớn từ hàng tồn kho cũng như tình trạng hàng nhập lậu từ Trung Quốc... Tình thế này đẩy doanh nghiệp (DN) vào thế tiến thoái lưỡng nan: làm cũng chết, không làm cũng chết.
Đau đầu với hàng tồn kho
Hàng tồn kho trong điều kiện “nước sôi lửa bỏng” đang khiến nhiều DN SX-KD tại Đà Nẵng điêu đứng, mệt mỏi và cũng chính lượng hàng tồn kho này lại khiến sản xuất trở nên đình đốn hơn. Điển hình nhất là ngành sắt thép đang phải chịu cảnh bi đát chưa từng thấy. Các DN cứ rơi vào vòng luẩn quẩn: không bán được hàng, tồn kho, thiếu vốn, vay NH phải trả lãi suất, nợ nần không trả được. Ông Nguyễn Trường Quang - Giám đốc Cty sắt thép Trường Quang (một Cty kinh doanh sắt thép VLXD có tiếng ở Đà Nẵng) nay phải tạm dừng hoạt động cho biết: Hiện nay, DN chúng tôi đã tạm ngưng hoạt động do trong 2 năm 2011 và 2012 phải vay NH với mức lãi suất quá cao, làm bao nhiêu cũng không đủ trả lãi, và cứ thế lãi mẹ đẻ lãi con, cộng thêm là thị trường BĐS đóng băng, chính phủ, các bộ, ban, ngành cắt giảm đầu tư công khiến tình hình tiêu thụ giảm mạnh, Cty tạm thời đóng cửa để cắt lỗ.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn An – Phó Tổng Giám đốc Cty Thép Thái Bình Dương (KCN Liên Chiểu): “Khó khăn lớn nhất hiện nay là thị trường, sức tiêu thụ hàng hóa giảm. DN dù có vốn để sản xuất nhưng không tiêu thụ được hàng hóa thì cũng chết. Cty của ông hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, phải thu hẹp sản xuất do không bán được hàng, mặt khác, giá cả khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu không chính ngạch của Trung Quốc, Hàn Quốc... Công suất sản xuất của nhà máy hiện chỉ đạt 45% so với trước đây. DN làm cầm chừng vì càng sản xuất nhiều lại càng lỗ.
Đồng cảnh ngộ, ông Nguyễn Bá Lân - Giám đốc Cty Thép Chánh Nguyên (KCN Hòa Khánh) than thở: Dù biết sản xuất khó bán nhưng DN vẫn buộc phải hoạt động vì giữ quan hệ với khách hàng cũng như duy trì nhân lực và máy móc. Hiện nhiều DN đang phải đưa ra đối sách thu hẹp sản xuất, giảm sản xuất từ 3 ca/ngày xuống còn 2 ca/ngày... để chờ qua giai đoạn khó khăn. Ông Lân chia sẻ thêm, bây giờ DN không còn lo về vốn mà chỉ lo về thị trường tiêu thụ. DN sản xuất như chúng tôi bây giờ làm ít lỗ ít, làm nhiều lỗ nhiều, không làm không lỗ. Do đó, Nhà nước cần phải có chính sách để kích cầu tập trung cho người mua, giảm, giãn thuế cho DN...
Với mặt hàng gạch xây dựng, thiết bị vệ sinh ở thời điểm này mọi năm đang sôi động thì năm nay rất ế ẩm. Ông Nguyễn Hồng Sơn - Tổng Giám đốc Cty Thạch Bàn Đà Nẵng cho biết, nền kinh tế đang bị khủng hoảng sản xuất và hàng Trung Quốc lấn sân, sản phẩm sản xuất ra không bán được, tồn đọng không quay vòng được vốn. Riêng các Cty SX - KD gạch như Thạch Bàn chỉ hoạt động để “cầm hơi” Năm ngoái chúng tôi đang chuẩn bị triển khai xây dựng Nhà máy sản xuất gạch xây, ngói lợp với công suất 60 triệu viên/năm, trên diện tích xây dựng 10,5ha tại thôn Hòa Khương Đông, xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang, nhưng trước tình hình như vậy đành quyết định “đắp mền” chờ cơ hội khác.
Để “đẩy” hàng thu hồi vốn, nhiều DN đã liên tục giảm giá, cử nhân viên đến tận chân công trình để tiếp thị nhưng hiệu quả kích cầu cũng không đáng kể. Đơn cử như Cty Mai Anh trưng hẳn một khu bán hàng giảm giá 20-30% cho các mặt hàng gạch xây dựng, thiết bị vệ sinh tại 58- Hùng Vương...
Theo thống kế, trên địa bàn TP có khoảng 13.700 DN đăng ký kinh doanh hoạt động nhưng đến nay đã có hơn 4.000 DN ngừng hoạt động trong đó khoảng 2.700 DN giải thể, chờ giải thể, 1.007 DN không tìm thấy tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, 477 DN tạm ngừng sản SXKD và 179 DN đăng ký nhưng chưa hoạt động. Điểm đáng chú ý là trong số những DN còn lại hoạt động thì chỉ có 40% DN làm ăn có lãi, còn lại là thua lỗ và hòa vốn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Võ Duy Khương cho biết, chưa bao giờ DN lại khó khăn, thua lỗ nhiều như 2 năm nay. Từ các “đại gia” đến những DN nhỏ đều vấp phải những vấn đề về thiếu tiền, nợ nần, không có doanh thu, nguy cơ phá sản là rất cao.
Ngành thép đang gặp rất nhiều khó khăn do đầu ra ế ẩm (Trong ảnh: Sản xuất thép tại Cty Thép Thái Bình Dương)
Cố giữ khác hàng
Khó khăn bủa vây nhưng hầu hết các DN đều buộc phải hoạt động bởi những đơn hàng ký trước. Một số khác thì gồng mình tồn tại để giữ lại các mối quan hệ, khách hàng chờ ngày thị trường khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, trong lúc các DN đang cố gắng duy trì ở mức thấp nhất thì lại “dính đòn” tăng giá đầu vào và tình trạng nhập lậu hàng hóa. Song song với thu hẹp SX-KD, nhiều DN đã cắt giảm nhân công, để lại một số bộ phân chủ chốt, những vị trí thật sự quan trọng hoặc yêu cầu một nhân viên kiêm nhiệm nhiều việc.
Mặt khác, đưa ra tiêu chí tiết kiệm điện, nước; phải tiết kiệm trên một đầu sản phẩm; giảm tiêu hao nguyên vật liệu vật tư... Ông Nguyễn Bá Lân chia sẻ, từ năm ngoái đến nay, ngành thép đang gặp hạn, sản xuất ra không tiêu thụ được nên chúng tôi cắt giảm nhân viên hợp đồng, chỉ giữ những nhân viên chủ chốt, nếu có đơn hàng thì lại thuê làm theo ngày để tiết giảm chi phí vừa giữ chân khách hàng nuôi nhà máy và nhân viên chờ ngày thị trường khởi sắc...