Đà Nẵng thu hút đầu tư vào các KCN-CX
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp - chế xuất (KCN-CX) Đà Nẵng, năm 2012, chỉ có 28 DA đầu tư vào các KCN trên địa bàn, trong đó có 19 DA trong nước với tổng vốn đầu tư 1.029 tỷ đồng; 9 DA đầu tư nước ngoài với tổng vốn 26 triệu USD và 10 triệu Yên; 9 DA điều chỉnh tăng vốn thêm 2,1 tỷ đồng.
Năm 2013 tình hình thu hút đầu tư trong nước có khả quan hơn, khi 3 tháng đầu có 9 DA đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 212 tỷ đồng và 1 DA đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 110.000USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2012. Lũy kế đến nay, 6 KCN trên địa bàn có 357 DA đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 11.800 tỷ đồng và 900 triệu USD, trong đó có 282 DA trong nước và 75 DA đầu tư nước ngoài, nhưng chỉ có khoảng 280 DA đang hoạt động, còn 77 DA tạm ngưng hoạt động, thu hẹp hoặc chưa hoạt động...
Một nghịch lý đang tồn tại tại các DA đầu tư là những DN sử dụng nhiều diện tích đất nhưng lại hoạt động không hiệu quả so với những DN sử dụng ít diện tích hơn. Đối với các DA đầu tư nước ngoài tại các KCN trên địa bàn TP luôn phát triển ổn định và hiệu quả cao hơn nhiều so với các DA trong nước. Theo số liệu công bố của BQL các KCN - CX Đà Nẵng, hiện 6 KCN có tổng diện tích cho thuê 654ha đất, đã sử dụng 587ha. Trong đó, tổng số DA trong nước là 275, nhưng hiện đang hoạt động là 208 DA vốn đầu tư thực hiện 5.782 tỷ đồng, chiếm diện tích đất thuê là 347,6ha, giải quyết việc làm cho 26.063 lao động, doanh thu năm 2012 đạt 4.742 tỷ đồng, nộp ngân sách TP chỉ đạt có 197,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng có 69 DN đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại các KCN trên địa bàn vốn thực hiện khoảng 10.582 tỷ đồng, doanh thu năm 2012 là hơn 7.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 138 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 40.000 lao động, nhưng chỉ thuê có 143ha đất. Rõ ràng theo con số trên thì các DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với các DN trong nước, đặc biệt là việc đóng góp vào ngân sách TP và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tiết kiệm được diện tích đất...
Diện tích đất KCN Hòa Khánh cơ bản đã lấp đầy nhưng các DA đầu tư ở đây chủ yếu là DN nhỏ lẻ
Trong những năm qua, Đà Nẵng đẩy mạnh thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ thu hút các DN đầu tư, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi bao gồm các khu chức năng, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng với các chính sách ưu đãi, khuyến khích, ổn định lâu dài và cơ chế đăng ký, quản lý thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài yên tâm đầu tư phát triển SXKD nhưng việc thu hút đầu tư vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
* Theo BQL các KCN - CX Đà Nẵng, đến nay các KCN trên địa bàn đã cho thuê 587ha, chiếm 86% diện tích, còn lại 96ha đất trống chủ yếu là tại KCN Liên Chiểu mở rộng. Tuy nhiên, theo chúng tôi khảo sát thì vẫn còn DN đã thuê đất tại các KCN trên địa bàn nhưng chỉ rào lại chưa triển khai DA. |
Trên thực tế, một số nhà đầu tư muốn thuê thêm diện tích đất để mở rộng hoạt động SXKD hoặc đầu tư DA mới tại các KCN như Hòa Khánh, An Đồn nhưng không có đất. Do đó, cuối năm 2012, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Võ Duy Khương yêu cầu phải tiến hành rà soát lại tình hình sử dụng đất thực tế tại các KCN để tiến hành điều chỉnh, thu hồi để giao lại cho các DN có nhu cầu thuê mở rộng hoạt động SXKD.
Tuy trong 2 năm gần đây do suy thoái về kinh tế, các DN hoạt động trong các KCN đang đứng trước tình trạng hết sức khó khăn về nguồn vốn, nhất là huy động nguồn vốn để đầu tư, mở rộng SXKD. Một số DN sau khi được thành lập không duy trì được hoạt động do nguồn vốn ít đã tạm ngưng hoạt động như Cty ITG Phong Phú, Cty Nam Sơn (KCN Hòa Khánh); Cty Cheng Huei (KCN Liên Chiểu)... Một số DN chuyển sang hình thức kinh doanh khác hoặc không SXKD mà cho DN khác thuê lại nhà xưởng như Cty Vimacap, Cty M.N.
Theo đánh giá của các ngành chức năng TP thì khó khăn chung của các DN hoạt động SXKD trong các KCN hiện nay là hàng tồn kho nhiều, thiếu đơn hàng, sự tăng giá của các loại vật tư đầu vào như xăng dầu, điện, nước... Cùng với đó, lãi suất ngân hàng dù đã giảm nhưng so với sự tăng giá của các vật tư đầu vào và lượng hàng tồn kho lớn thì mức lãi suất hiện nay vẫn còn cao, vay đầu tư SXKD không có lãi. Trên thực tế, các DN đầu tư hoạt động SXKD trong các KCN trên địa bàn TP chủ yếu là quy mô nhỏ, công nghệ và thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu, những sản phẩm sản xuất chủ yếu dưới dạng thô, đơn giản, chưa có sức cạnh tranh trên thị trường...
Rõ ràng, những khó khăn chung của nền kinh tế đã tác động mạnh đến việc thu hút đầu tư vào các KCN-CX của Đà Nẵng và làm gì để thu hút đầu tư có hiệu quả đang là câu hỏi khó tìm lời giải trong một sớm một chiều.