Đà Nẵng sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi từ WB
Đó là đánh giá của ông Đặng Đức Cường, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), Chủ nhiệm dự án của WB tại Việt Nam về tình hình sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của WB để đầu tư các dự án về hạ tầng kinh tế, xã hội trên địa bàn TP Đà Nẵng trong những năm qua.
Nhiều dự án đã phát huy hiệu quả
Đó là đánh giá của ông Đặng Đức Cường, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), Chủ nhiệm dự án của WB tại Việt Nam về tình hình sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của WB để đầu tư các dự án về hạ tầng kinh tế, xã hội trên địa bàn TP Đà Nẵng trong những năm qua.
Minh chứng cho đánh giá nói trên là việc TP Đà Nẵng đã triển khai, hoàn thành và đưa vào sử dụng có hiệu quả nhiều dự án do WB cho vay vốn ưu đãi đầu tư. Điển hình là Dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường TP Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư hơn 41 triệu USD, được triển khai từ năm 1999, hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2006 đã tăng khả năng xử lý nước thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tránh úng ngập tại nhiều tuyến trọng điểm trên địa bàn TP. Mới đây nhất là Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư 218,471 triệu USD, được triển khai từ năm 2008, đến nay cơ bản hoàn thành, đã cải thiện đáng kể các dịch vụ đô thị một cách hiệu quả và bền vững, nâng cao chất lượng sống của các hộ dân ở các khu thu nhập thấp, thúc đẩy tăng trưởng KT-XH và mở rộng không gian đô thị, nâng cấp môi trường đô thị và tăng cường năng lực quản lý cho các sở, ban, ngành TP.
TP Đà Nẵng đã triển khai, hoàn thành nhiều dự án do WB cho vay vốn ưu đãi (Ảnh minh họa)
Triển khai dự án mới
Trên cơ sở đánh giá thực tiễn việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ WB của TP Đà Nẵng, WB quyết định tiếp tục tài trợ cho TP đầu tư Dự án Phát triển bễn vững TP Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư hơn 272 triệu USD, trong đó, 202,4 triệu USD từ nguồn vốn vay ưu đãi của WB, 69,7 triệu USD từ nguồn vốn đối ứng của ngân sách TP. Theo kế hoạch, dự án này sẽ được triển khai từ năm 2013 đến năm 2018. Ông Lương Thạch Vỹ, Trưởng ban BQL các Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng – đơn vị được UBND giao nhiệm vụ điều hành dự án này cho biết: mục tiêu triển khai dự án nhằm góp phần xây dựng và phát triển bền vững TP Đà Nẵng thông qua việc cải thiện môi trường đô thị theo hướng sạch, an toàn và sử dụng năng lượng có hiệu quả trên các lĩnh vực như: nâng cao tính linh hoạt và hiện đại của các phương án giao thông công cộng nội thị; tăng cường sự liên kết vùng; nâng cấp chất lượng môi trường đô thị; tăng cường năng lực trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, quản lý giao thông đô thị và dịch vụ nước thải. Theo quyết định phê duyệt của UBND TP, Dự án phát triển bền vững TP Đà Nẵng gồm có 5 hợp phần. Cụ thể:
Hợp phần 1: Cải thiện hệ thống thoát nước mưa và nước thải bao gồm các hạng mục nâng cấp và mở rộng hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thoát nước thải các tuyến đường theo quy hoạch; cải tạo các hồ Bàu Tràm và Bàu Sấu; xây dựng mới trạm xử lý nước thải Liên Chiểu với công suất 40.000m3/ngày đêm; nâng công suất Trạm xử lý nước thải (XLNT) Hòa Xuân từ 20.000m3/ngày đêm lên 40.000m3/ngày đêm; cải tạo 4 trạm XLNT hiện trạng gồm Hòa Cường, Phú Lộc, Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà; triển khai đầu nối nước thải cho 40.000 hộ gia đình trong khu dân cư tại các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và Hải Châu.
Hợp phần 2: Hệ thống xe buýt nhanh (BRT) thí điểm gồm 4 tuyến sau đây: tuyến BRT số 1 từ KCN Hòa Khánh – khu vực Trường Cao đẳng CNTT Hữu Nghị Việt Hàn có chiều dài 23,76km; 3 tuyến xe buýt có dịch vụ tiêu chuẩn BRT gồm: tuyến số 1 (từ Sân bay Quốc tế Đà Nẵng/Công viên 29-3 – Hội An, có chiều dài tuyến 35,4km), tuyến số 2 (từ Sân bay Đà Nẵng/Công viên 29-3 – Sơn Trà có chiều dài tuyến 13,1km), tuyến số 3 (từ Sân bay Quốc tế Đà Nẵng/Công viên 29-3 – Bà Nà, có chiều dài tuyến 26,7km). Để vận hành hệ thống này, Dự án phát triển bền vững TP Đà Nẵng sẽ đầu tư 81 xe buýt tiêu chuẩn, chất lượng cao (tiêu chuẩn khí thải EURO 4 hoặc 5). Trong đó, có 36 xe cho tuyến BRT số 1 có sức chứa 80 chỗ ngồi/xe, chiều dài 12m, bố trí loại cửa trượt ở cả hai bên thân xe để có thể đón, trả khách ở cả nhà ga trung tâm trên dải phân cách ở giữa trên các đoạn đi riêng và nhà ga trên vỉa hè ở những đoạn đi chung; 45 xe cho các tuyến còn lại có sức chứa 60 chỗ ngồi/xe, chiều dài 9m, bố trí cửa xe ở bên phải thân xe. Hệ thống này cũng bao gồm 216 nhà ga và điểm dừng đỗ, bao gồm 22 nhà ga đặt tại dải phân cách ở giữa dành cho làn đi riêng của xe buýt BRT số 1 và 194 nhà ga còn lại trên các đoạn hỗn hợp đặt trên vỉa hè.
Hợp phần 3: Các tuyến đường giao thông đô thị chiến lược bao gồm: tuyến đường Hòa Phước – Hòa Khương với tổng chiều dài 8.129,91m (điểm đầu khớp nối đường vành đai phía Nam TP giao với QL1A – Km939+561 – xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang và điểm cuối tại Km25+483 thuộc QL14B, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài với tổng chiều dài 3.272,46m (điểm đầu tại Km2+715,04 thuộc Dự án đường Nguyễn Tất Thành nối dài đang xây dựng tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang và điểm cuối tại Km5+987,5 giao với đường tránh Hải Vân – Túy Loan thuộc thôn Tân Ninh, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Hợp phần này cũng bao gồm xây dựng hạ tầng kỹ thuật 5 khu tái định cư (TĐC) là Khu TĐC Bắc đường vành đai phía Nam TP – giai đoạn 3A, Khu TĐC số 1 ĐT 605 giai đoạn 2, Khu TĐC Hòa Phong – Hòa Phú giai đoạn 1, Khu TĐC xã Hòa Liên và Khu TĐC Khe Cạn.
Hợp phần 4: Tăng cường năng lực và hỗ trợ thực hiện dự án bao gồm hỗ trợ kỹ thuật cho Cty Thoát nước và XLNT Đà Nẵng, Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng Đà Nẵng, BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng và các sở, ban, ngành liên quan.
Hợp phần 5: là các hoạt động được chuyển sang từ Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng, bao gồm: tuyến đường nối phía Nam (nối với đường Hòa Phước – Hòa Khương) đang thi công; xây dựng trạm XLNT Hòa Xuân (công suất 20.000m3/ngày); nâng cấp Trạm XLNT Sơn Trà và xây dựng cầu, kè sông Phú Lộc đang thi công.