Đà Nẵng sau 0 giờ (7)

Đà Nẵng về đêm, riêng về nhịp sống phố phường của một đô thị loại 1, như chúng tôi đã nhận định từ đầu loạt bài này, nó chẳng phải nhộn nhịp và “động” như đêm TPHCM, cũng chẳng ra cái yên ắng, tĩnh lặng đến mức buồn như đêm Huế, trầm tích như đêm Hà Nội. Nhưng Đà thành cũng có một thế giới không kém cạnh hai đầu đất nước, là thế giới “cách âm” với ánh đèn màu xa hoa và tiếng nhạc chát chúa.

Trong thế giới "cách âm"

Nói vũ trường theo đúng nghĩa, Đà Nẵng hiện không có, nhưng sự biến tướng hoạt động trong các quán bar là một mối lo ngay ngáy cho ngành chức năng. Những nguy cơ về mầm mống của tội phạm hình sự, ma túy, tệ nạn mại dâm ở các sàn được đánh giá là “phức tạp”, “khó kiểm soát”.

Lên sàn

Nói Đà Nẵng hiện không có một vũ trường nào thì thật là không thể tin nổi. Nhưng đó là con số thống kê có thật theo quy định. Cũng vì không đáp ứng đủ điều kiện để gọi là vũ trường nên các “sàn” lách qua một hình thức hoạt động khác là bar. Mà bar thì chưa phải là đối tượng điều chỉnh theo văn bản sát sườn, nhất là Nghị định 103/2009/NĐ-CP, nên ngành chức năng loay hoay trong công tác quản lý, xử lý. Nói một cách khác, để đóng cửa rồi “chơi mát xế”, các sàn chỉ cần Sở KH-ĐT hoặc chính quyền cấp quận cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ăn uống, giải khát, bán lẻ rượu, thuốc lá, biểu diễn nghệ thuật... là có thể hoạt động thâu đêm. Nội cái chuyện này, nói nhiều ngành quản lý cũng được mà nói không có cơ quan quản lý có lẽ cũng không sai.

Đà Nẵng sau 0 giờ (7) - 1

Các quán bar “xé rào” múa cột

3 sàn “nặng đô” nhất ở Đà Nẵng, tính đến thời điểm hiện tại là New Phương Đông, TV Club và F3 Club. Thật khó để diễn tả cái cảm giác vừa uống ly cà-phê ở chợ Cồn xong lại phải đọc cái menu trong sàn nhảy, vừa nói chuyện với cụ già nhặt chai bao lại đụng ngay mấy cậu ấm cô chiêu tu rượu mạnh như uống nước lã. Ánh đèn nhờ nhờ cùng vài cái loa âm thanh mono ở mấy quán ăn uống vỉa hè lùi lại sau lưng, trước mắt chúng tôi là một thế giới xa hoa xứng tầm với “thượng đế”. So với những gì đang diễn ra xung quanh, thấy mình thật lạc lõng, nhưng chúng tôi vẫn được vây quanh bởi mấy tay vệ sĩ và 2 chân dài bỏng mắt. Cái bar thế này thì vũ trường phải gọi bằng... cụ. Âm thanh nổi, màn hình led, nhạc kích động, múa cột khêu gợi. Nếu ở sàn tập trung dân nhảy thì gần hệ thống loa công suất lớn là nơi tụ tập của dân phê. Chúng tôi biết điều này vì theo lực lượng cảnh sát ma túy, cứ túm mấy cậu lắc lắc ngay trước loa mà “test” thì cậu nào cũng dính. Ở các sàn, nóng nhất là khu vực nhảy mồi với sự xuất hiện của những cô gái chân dài miên man phơi da thịt rũ rượi theo nhạc disco. Vừa kết hợp với ưỡn ẹo mời chào đầy khiêu khích, các nàng đẩy thị lực và trí tưởng tượng của dân chơi lên cao độ với những màn leo cột, đâm đầu đầy tính “biểu cảm”.

Cứ như phân loại của cơ quan CA thì thành phần khách vào các sàn bao gồm nhiều đối tượng. Đầu tiên là những người có nghề nghiệp, thu nhập ổn định, có nhu cầu giải trí, thích khiêu vũ. Tiếp đó là các cậu ấm, cô chiêu. Nhiều hơn là nhóm thanh thiếu niên hư hỏng, đối tượng hình sự, lợi dụng các tụ điểm này để sử dụng chất ma túy, lập băng nhóm bảo kê, dằn mặt, thanh toán nhau.

Đừng để “vỡ trận”

Theo cơ quan CATP Đà Nẵng, trong vòng 3 năm trở lại đây, chỉ tính riêng sự vụ được phát hiện và thống kê thì có tới 25 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến quán bar, vũ trường. Đi kèm là tình hình mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến phức tạp với 276 đối tượng được phát hiện và xử lý. Tuy chưa xảy ra tội phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, nhưng tại các sàn đã xuất hiện băng nhóm hoạt động tranh giành địa bàn, bảo kê. Ngoài việc nhân viên bảo vệ thường xuyên có mặt trong các vụ ẩu đả, gây rối, cơ quan chức năng không loại trừ khả năng các chủ cơ sở thỏa thuận, sử dụng những người này vào hoạt động cạnh tranh tiêu cực.

Đà Nẵng sau 0 giờ (7) - 2

Đà Nẵng sau 0 giờ (7) - 3

Cơ quan CATP Đà Nẵng đọc lệnh bắt tạm giam 2 đối tượng liên quan đến vụ dùng hung khí loạn đả trong một tụ điểm ăn chơi

Đà Nẵng cũng như nhiều thành phố lớn có vẻ đang “rối” trong công tác quản lý, xử lý những vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm này. Là bởi, nếu tất cả các “sàn” là vũ trường thì ngành quản lý chỉ cần Nghị định 103/2009/NĐ-CP là có thể làm chủ được tình hình. Khó thay là tất cả những tụ điểm này đều đứng dưới danh nghĩa là bar. Cách “lách đẹp” khiến các ngành lúng túng vì không có văn bản, quy định nào điều chỉnh, không có chế tài đối với bar! Theo quy định, là quán bar thì không được phép tổ chức khiêu vũ, nhưng không khiêu vũ thì người ta vào sàn làm gì. Vậy là thi nhau nhảy! Nhiều sàn chịu chơi đến mức nhảy là bị xử lý, xử lý xong lại nhảy. Vòng tròn này quay miết vì thực tế tiền nộp phạt không ăn thua gì so với lợi nhuận khổng lồ mà nó mang lại. Với mong muốn thu hút, giữ chân khách du lịch, trong đó có khách nước ngoài, tháng 12-2009 UBND TP Đà Nẵng ban hành Công văn số 7859 cho phép thí điểm 5 cơ sở hoạt động sau 24 giờ. Tuy nhiên, theo thống kê thì cho đến thời điểm hiện tại, ở các sàn đình đám nhất thì con số này chỉ chiếm khoảng 10-15%. Kỳ vọng hút khách chưa thực sự rõ ràng nhưng gánh nặng lên cơ quan quản lý thì đã thấy rõ. Và từ thực tế này, theo cơ quan CA, chủ trương trên vừa không phù hợp với Nghị định 103 của Chính phủ vừa chưa hoàn thành nhiệm vụ kích cầu.

Trong loạt bài “Thâm nhập chốn ăn chơi Đà thành” đăng trên Báo Công an TP Đà Nẵng vào năm 2011, chúng tôi đã từng cảnh báo về nguy cơ cháy nổ tại các tụ điểm ăn chơi. Trong đó, hành động “trêu ngươi bà hỏa”, nhất là màn múa lửa của các bartender đã được nhấn mạnh. Nhiều vụ cháy vũ trường, quán bar, nhà hàng đã xảy ra nhưng gần như không có tác động nào đáng kể đến ý thức của những người pha chế rượu. Hoặc có, nhưng họ không thể bỏ được màn này vì nó câu khách không kém màn múa cột. Với một người tỉnh táo vì chỉ uống lon bia Ken như chúng tôi, việc định hướng trong một không gian chật chội, tiếng nhạc chát chúa và ánh sáng đủ màu đã khó thì không biết nếu xảy ra sự cố, những tay chơi đang phê sẽ thoát hiểm như thế nào? Trái khoáy thay là vì không thuộc nhóm kinh doanh có điều kiện nên các tụ điểm này không phải chịu sự thẩm duyệt thiết kế cơ sở về PCCC, thậm chí là không làm văn bản cam kết PCCC.

Một đêm làm dân ăn chơi ở Đà Nẵng, chúng tôi nhớ đến nhận định của một vị lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng. Rằng, đối với một thành phố lớn, việc tồn tại vũ trường, quán bar là tất yếu. Vì chỉ có vậy mới giữ chân được du khách, chứ ngày đi chơi, tối về ngủ thì còn gì là du lịch. Vấn đề là quản lý hoạt động của những tụ điểm này như thế nào thì vẫn còn rất bối rối. Từ thực tiễn công tác, CATP Đà Nẵng cho rằng, quán bar, vũ trường đáp ứng nhu cầu giải trí cho một bộ phận nhân dân thành phố và thu hút du khách. Nhưng đồng thời đây cũng là nơi nảy sinh các loại tội phạm. Trong khi đó, công tác quản lý trên lĩnh vực này đang bộc lộ những kẽ hở mà nếu không kịp thời khắc phục là sẽ khó kiểm soát.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Khanh - Lê Hùng (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN