Đà Nẵng sau 0 giờ (5)
Nhiều đứa trẻ coi trời là nhà, lấy gầm cầu làm giường hết ngày này qua tháng khác. Những đêm lang thang ở Đà thành, chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp trẻ em có nhà cửa, gia đình nhưng lại thích làm “ma-cà-bông”, ưa bỏ nhà đi bụi...
Đềm đi hoang
Ngả đâu thì đấy là giường
Kim đồng hồ đã điểm sang ngày mới, đang điều khiển xe máy trên đường Ngô Quyền (Q. Sơn Trà), chúng tôi bắt gặp hai cô bé còn khá trẻ, tóc nhuộm vàng đang lê những bước mệt nhọc trên đường vắng tanh. Thấy có người rà xe theo sau, cô bé dáng người nhỏ thó liền “mở lời” một cách vô tư: “Định rủ đi chơi hay răng mà kè kè theo sau rứa mấy ông nội!”. “Thì đi tìm nơi uống nước, hoặc nhậu tâm sự”. “Ok!”.
Sau vài ly bia và trò chuyện làm quen, chúng tôi được biết hai cô bé có tên T. (16 tuổi, trú Q. Liên Chiểu) và người bạn đi cùng tên H. (17 tuổi, quê Quảng Nam). Theo T., sở dĩ cô đi bụi là do chán trường, chán lớp và chán cảnh ba mẹ suốt ngày cãi cọ. Còn H., khi 15 tuổi thì mẹ mất, ba đi bước nữa, thế là chuỗi ngày dài của cô bắt đầu với sự chì chiết, đánh đập của bà mẹ ghẻ. Ở nhà đối với H. như là một cực hình, không chịu nổi nữa, uất hận nên cô bỏ nhà ra Đà Nẵng với hy vọng tìm ra cuộc sống yên bình cho riêng mình. Tại đây, H. đã gặp T. và cả hai cùng đi bụi. Chính vì vậy, đã hơn 1 năm nay, hai đứa cứ lang thang hết quận này đến quận khác, thậm chí ra tỉnh ngoài với nhiều đối tượng khác nhau, miễn sao được bao ăn ở. Những khi có tiền và được bạn bè lo thì hai cô bé nghỉ ngơi ở nhà trọ, còn khi “cháy túi” và không có người “cưu mang” thì lại lang thang các góc phố, tìm những ngôi nhà hoang để nghỉ qua đêm rồi vùi thân vào thế giới ảo chờ “hoàng tử” đến cứu nét...
“Tối đâu là nhà, ngả đâu là giường”
Bước chân giang hồ của T. và H. đơn giản như một trò chơi điện tử. Cứ thế, cả hai lang thang vạ vật như những đứa trẻ không nhà và cũng từ đó sự trượt dài của em ngày càng xa hơn, khó cưỡng lại. T. tâm sự: “Em cảm thấy thoải mái mỗi khi “dạt nhà” đi bụi nhưng rồi nghĩ lại cũng thấy buồn, nhất là khi không có bạn để đi cùng, không có tiền trong túi. Em đã sống nay đây mai đó nhiều tháng liền, chỉ lâu lâu “tạt” về nhà tý để kiếm ít tiền rồi cũng đi thôi. Với em đã từ lâu nhà trọ, nhà hoang, đường sá nhiều hơn ở nhà của mình. Từ ngày ba mẹ thường xuyên cãi nhau vì những chuyện không đâu vào đâu thì cũng là lúc em làm bạn với Internet. Cuối cùng là thân quen với nhiều anh chàng cứu nét trên thế giới ảo rồi kéo nhau cùng bỏ nhà đi bụi”. “Cuốc nhậu” khuya kết thúc, T. và H. ngật ngưỡng lê những bước nặng nhọc đi tìm chốn nghỉ qua đêm...
Chia tay T. và H., chúng tôi chạy qua Q. Hải Châu và gặp thêm một nhóm gồm 3 nam, 2 nữ mặt còn non choẹt đang lang thang trên phố. Quan sát kỹ, chúng tôi nhận thấy các cô gái tóc thì xoăn tít mù, quần áo cũn cỡn. Có vẻ muốn biết chủ đích của cuộc hành trình tiếp theo nên cô gái đang xỏ tay túi quần hất hàm hỏi cả đám: “Đi đâu bây giờ chúng mày?”. Cậu con trai gầy nhẳng, tóc dài vướng víu như con gái, tai đeo khuyên lóng lánh giọng uể oải: “Giờ đi nhét cái gì vào bụng đã, xong rồi tính tiếp”. Cả nhóm chui vào quán ăn đêm ngay lề đường Hùng Vương để “lót dạ”. Thấy tôi nhìn theo nhóm trẻ, bác xe ôm đứng đợi khách tại ngã tư Hùng Vương - Ông Ích Khiêm lên tiếng: “Mấy đứa trẻ ranh đi bụi ấy mà. Bọn nó là vậy đó, cứ lang thang, hết vật vờ ở quán net lại đi ca hai, ca ba rồi tìm nhà hoang để ngủ”. Chúng tôi nhớ lại lời “bà Hạnh 7661”, chuyện mấy đứa trẻ ăn vờ ngủ vật tại Công viên Tam Giác trước đây. Giờ chúng đã có cuộc sống khác trong trung tâm bảo trợ xã hội. Đó gần như là con đường cuối cùng của những đứa trẻ không gia đình. Vậy còn những đứa có cha, có mẹ, có người thân mà chúng vẫn bỏ mà đi để “sống bầy đàn” là do gia đình thả tay hay quay lưng? So với các thành phố lớn khác, trẻ đi bụi của Đà Nẵng chưa đến mức nhức nhối, thậm chí là chưa nhiều. Đó là hiệu quả của một số chính sách quyết liệt từ các cơ quan chức năng. Nhưng cuộc sống mỗi ngày một khốc liệt. Ai mà biết được...
Hai “yêng hùng” xăm trổ đầy mình, không có giấy tờ tùy thân lang thang trên phố
Nguồn cơn tội lỗi
Bơ vơ, lạc lõng giữa dòng đời xô bồ, không có miếng ăn, chốn nghỉ, trẻ con có thể biến mình thành tội phạm hoặc bị đối tượng xấu lôi kéo, bước chân vào con đường tội lỗi. Mới đây, trở về địa phương sau 12 tháng thi hành án tại Trại giam Bình Điền (TT-Huế) vì tội “Cố ý gây thương tích”, Lê Xuân V. (1992, trú Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đã kết thân với Nguyễn Ngọc Tr. (1997), Hoàng Thị Khánh L. (1996, đều trú Q. Liên Chiểu) và Nguyễn Văn C. (1995, trú Q. Ngũ Hành Sơn) tổ chức hành trình bỏ nhà đi hoang. Để thể hiện “dân chơi không sợ mưa rơi”, cả nhóm thường xuyên tìm mua ma túy đá dùng và thuê nhà nghỉ sống theo kiểu bầy đàn. Đặc biệt, những lúc “nạp” ma túy, cả nhóm chơi nhiều trò quái đản như dùng dao lam cắt cổ tay, lấy điện thoại quay lại các lần quan hệ tình dục “bầy đàn” làm... kỷ niệm! Bên cạnh đó, dù biết Tr. chưa đủ 16 tuổi nhưng V. vẫn nhiều lần quan hệ. Khi không còn tiền, cả nhóm lại chọn những tuyến đường vắng, những bãi đất hoang làm địa điểm “nghỉ ngơi”. Để có tiền tiếp tục phục vụ cuộc “hành trình đi hoang”, tối 24-6, V. bịa ra câu chuyện là một người bạn trong nhóm đang nợ tiền người khác, bảo gia đình phải mang 5 triệu đồng đến chuộc. Trong lúc V. đang nhận tiền từ gia đình người bạn tại một quán cà-phê thì bị lực lượng CA ập vào bắt quả tang.
Nhiều cô cậu tuổi teen có sở thích bỏ nhà đi bụi. Trong ảnh: Một đôi “vợ chồng” trẻ tự ra riêng, sống với nhau nay đây mai đó
Dù sống ở khác phường, thậm chí khác quận nhưng đều là những kẻ ham chơi, biếng làm và đặc biệt có chung sở thích mê game online nên Nguyễn Minh Q. (1996, trú Q. Ngũ Hành Sơn), Nguyễn Văn P. (1994), Ngô Văn L. (1996), Phạm Văn Ph. (1996, đều Q. Sơn Trà) rất thân thiết và “tâm đầu ý hợp” ngay cả chuyện “đi bụi” và trộm tài sản bán kiếm tiền tiêu xài. Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, cả nhóm đã thực hiện hàng chục vụ đột nhập nhà dân, phòng trọ sinh viên, công nhân để “mượn” hơn chục chiếc xe đạp và hàng chục chiếc quần jean đem bán lấy tiền. Hệ quả mà những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa đến” bỏ nhà, rời xa vòng tay của ba mẹ để đi hoang thì ai cũng đã rõ. Vậy nhưng, hằng đêm, đâu đó trên những con phố bình yên, nhiều đứa trẻ, những thanh niên mới lớn vẫn cùng nhau đi tìm một “cuộc sống khác”.