Đà Nẵng - 10 năm trở thành đô thị loại 1
Sau 10 năm trở thành đô thị loại I, Đà Nẵng đã vươn mình mạnh mẽ với một diện mạo hiện đại, nhiều thành tựu đáng ngưỡng mộ.
Hành trình về phía “Hòn ngọc biển Đông”
Đà Nẵng hôm nay không chỉ là niềm tự hào của người dân TP mà còn thực sự làm ngỡ ngàng, bạn bè khắp nơi. Trong thành quả ấy, tất nhiên có dấu ấn cá nhân của những người lãnh đạo với những quyết sách táo bạo, song cơ bản vẫn là sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng vì sự phát triển chung của TP. Trong chuyên đề này, chúng tôi không tham vọng nêu lên tất cả, mà chỉ cùng bạn đọc điểm lại những thành tựu nổi bật nhất sau chặng đường 10 năm Đà Nẵng trở thành đô thị loại 1, cũng như nhìn nhận những hạn chế để khắc phục, đưa thành phố tiếp tục phát triển hơn nữa.
Có một điều dễ nhận ra tại Hội thảo “Ý tưởng xây dựng Đà Nẵng mang tầm vóc ASEAN và Châu Á”, là các chuyên gia kinh tế, những nhà quy hoạch đô thị, các doanh nhân trong và ngoài nước luôn tỏ ra hứng thú nghiên cứu về thành phố ven biển này. Xây đảo nhân tạo, bảo tàng đại dương và cảng du thuyền lớn trong lòng vịnh biển Đà Nẵng; đưa sân bay quốc tế lên bán đảo Sơn Trà hoặc ra Chu Lai; xây dựng con đường golf ven biển; đưa thành phố lên cao bằng các dự án quy hoạch nhà cao tầng hiện đại; xây dựng một thành phố sinh thái trên bán đảo Sơn Trà; khai thác tuyến biển Lăng Cô - Làng Vân - Nam Ô thành tổ hợp du lịch hạng sang thế giới cạnh tranh với Hawaii, Phuket; xây dựng thành phố công nghệ cao; thành phố du lịch sinh thái; thực hiện các chính sách kinh tế nhạy bén và nhân văn về môi trường, về văn hóa để xây dựng mục tiêu tiến tới “thành phố đáng sống”... Đà Nẵng phải trở thành "Hòn ngọc trên biển Đông" là các xu hướng quan trọng mà chuyên gia nổi tiếng đã hào hứng đặt lên bàn hội thảo. Nghĩa là Đà Nẵng luôn tạo cảm hứng cho những ý tưởng vượt thời gian.
Chúng tôi có nhiều dịp gặp gỡ những chuyên gia nổi tiếng như TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn Hợp tác Phát triển vùng Duyên hải miền Trung, chuyên gia Phạm Chi Lan, TS.KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, KTS Hoàng Đạo Kính... trong các hội thảo và họ đều là những người mang đến đây những công trình nghiên cứu kỹ lưỡng, ý tưởng táo bạo bàn về phát triển TP Đà Nẵng. Điều gì đã làm cho những bộ óc hàn lâm phải bận tâm khi Đà Nẵng vỏn vẹn dân số chưa đến triệu người, vị trí địa lý, tiềm năng thiên nhiên na ná như hàng chục đô thị dọc bờ biển miền Trung?. Một vài chuyên gia như TS Trần Đình Thiên, KTS Trần Ngọc Chính từng tâm sự: Đối với chúng tôi, Đà Nẵng có một sức hút kỳ lạ tỏa ra từ con người và thiên nhiên. Nơi đây hội tụ đủ sức hấp dẫn của câu ông bà đúc kết “Thiên thời - địa lợi - nhân hòa”.
Còn nhớ lời phát biểu vào cuối hội nghị quan trọng của Bộ Chính trị tại Đà Nẵng năm 2003, mở đường cho sự kiện ra đời của Nghị quyết 33/BCT, đồng chí Nguyễn Bá Thanh khi ấy là Bí thư Thành ủy đã nói như một lời cam kết vàng với nhân dân thành phố: “Với bệ phóng này, với niềm tin và trọng trách này của Bộ Chính trị đặt lên vai, Đà Nẵng sẽ quyết tâm đi đầu trong đổi mới phát triển, mời gọi nhân tài và thu hút nguồn lực đầu tư khoảng 5 tỷ USD để bứt phá trong giai đoạn phát triển vàng của đất nước”...
10 năm đã trôi qua nhưng người dân thành phố hẳn còn ghi nhớ mãi thời khắc ấy bởi chúng ta đã chứng kiến một đoạn đường đi lên hàm chứa tinh thần quyết tâm đi tới, phải tự khai phá con đường mới chưa có hình mẫu và cơ chế tương tự trong lịch sử phát triển đô thị Việt Nam. Nghị quyết 33/BCT và Quyết định 13/2006/QĐ-TTg đã cụ thể hóa sự quan tâm sâu sắc và đánh giá khách quan của T.Ư Đảng và Chính phủ đối với tiềm năng phát triển của TP Đà Nẵng.
Mục tiêu tổng quát xây dựng Đà Nẵng trong thời kỳ CNH-HĐH là một trong những nội dung lớn của Nghị quyết 33 khi Bộ Chính trị khẳng định: “Xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm KT-XH lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, GD-ĐT và KHCN của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về QPAN của khu vực miền Trung và cả nước”.
Đà Nẵng luôn tạo cảm hứng cho những ý tưởng vượt thời gian...
Trong ảnh: Những cây cầu bắc qua sông Hàn. Ảnh: C.H
10 năm trước TP Đà Nẵng dù muốn bước vào một giai đoạn phát triển quyết liệt, nhưng cũng chỉ mới khởi đầu những Chương trình như “Thành phố 5 không”, Chương trình “3 có”, đủ hiểu khi ấy cái đói, nghèo, cái nhếch nhác của đô thị còn quấn chặt chân người. Nhưng, với đội ngũ lãnh đạo dám nghĩ dám làm với tất cả những giá trị cao nhất của từng chữ “vàng” ấy mà Đà Nẵng đã tiến sâu vào được những công trình động lực cho quy hoạch đô thị, là nền tảng của các chương trình phát triển kinh tế, xây dựng hoàn thiện một hạ tầng cứng về giao thông, hạ tầng mềm về CNTT và tài chính, một điều kiện tiền đề để cất cánh. Trên con đường ấy, chúng tôi muốn ghi nhận lại tấm lòng của người Đà Nẵng, hàng chục nghìn hộ gia đình đối mặt với xáo trộn, có hy sinh thiệt thòi, có thay đổi tốt đẹp theo suốt quá trình quy hoạch, chỉnh trang xây dựng đô thị hiện đại theo mục tiêu sinh thái và phục vụ phát triển kinh tế.
Thật dễ hiểu khi những đổi thay, thành tựu của thành phố được chính những người dân lao động ghi nhận, thì chắc chắn nó phải thuyết phục giới trí thức, chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước cùng tham gia vào những bước đi táo bạo mới. Sự quyết tâm đổi mới bằng các chính sách kinh tế cởi mở, coi trọng mục tiêu nhân văn, bảo vệ môi trường... như một lời mời gọi hấp dẫn và thuyết phục được hàng trăm nhà đầu tư thận trọng nhất cùng đến xây dựng Đà Nẵng thành một "Hòn ngọc của biển Đông" trong xu thế xây dựng những trung tâm kinh tế biển hùng mạnh.
Những tên tuổi toàn cầu đã đến đầu tư khai thác và quản lý du lịch, những ngân hàng quốc tế, các DA ODA, FDI, hàng chục nghìn DN tư nhân ra đời đổ hàng tỷ USD vào những công trình giúp cho thành phố tạo được động lực phát triển tầm khu vực như Hành lang Kinh tế Đông Tây, hiện đại hóa cảng biển, sân bay, khởi động các trục giao thông nối thành phố với các trung tâm kinh tế vùng với vai trò là một thành phố động lực, lấp đầy các khu công nghiệp, khai trương nhiều đường bay quốc tế, xây dựng đô thị vệ tinh mới, làng đại học, bệnh viện ung thư, bệnh viện phụ nữ và trẻ em, những cao ốc, những khu nghỉ dưỡng biển đẹp vào hạng nhất Đông Nam Á. Từ đó hàng triệu việc làm mới đã cải thiện đời sống cho người dân...
Đà Nẵng, với chân dung một thành phố hiện đại bậc nhất miền, với nền tảng văn hóa là một đô thị nhân văn bậc nhất Việt Nam đã trở nên quen thuộc với người dân cả nước, đã là một thành phố nhiều người ở xa mơ ước có một căn nhà thứ hai để đến sống. Một thành phố luôn tạo cảm hứng sáng tạo và hành động...