Chuẩn bị "tiểu phẫu" cho cầu Thuận Phước

Với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, cầu Thuận Phước được khánh thành và đưa vào sử dụng vào năm 2009, mong muốn kết nối nhịp sống của người dân vùng bán đảo Sơn Trà với trung tâm thành phố cũng như kỳ vọng tạo nên một công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Đà Nẵng.

Tuy nhiên, sau một thời gian, người dân bắt đầu ngại đi về qua cây cầu này vì mặt cầu xuất hiện nhiều vết nứt, ổ gà, sống trâu nguy hiểm. Sau một số lần đắp vá không thành công, cơ quan chức năng quyết định sẽ bóc toàn bộ mặt cầu để "tiểu phẫu". Liệu 3 tỷ đồng bỏ ra để tu sửa có thể khắc phục được nỗi ám ảnh của người đi đường bấy lâu nay?

Cầu Thuận Phước, cầu dây võng dài nhất Việt Nam được khởi công xây dựng vào năm 2003 với vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng do UBND TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Nhà thầu chính là Cty Cơ khí Xây dựng Công trình 623 và Tổng Cty Xây dựng Công trình Giao thông 6. Cầu khánh thành và đưa vào sử dụng vào ngày 19/7/2009.

Mặt cầu Thuận Phước có dấu hiệu xuống cấp ngay sau một thời gian đưa vào sử dụng. Từ đó đến nay, nhà thầu và cơ quan chuyên môn đã nhiều lần tiến hành khắc phục nhưng xem ra việc trám trét cục bộ, mang tính tạm bợ không khống chế được các vết nứt, lồi lõm càng ngày càng lan rộng trên mặt cầu. Cho đến nay, ngoại trừ phần đệm từ mố cầu, các phần còn lại, đặc biệt là làn đường phía Bắc hầu như bị biến dạng, không còn chỗ nào bằng phẳng, lớp nhựa bị dồn thành từng ụ lớn, uốn sóng tạo thành các ổ voi, ổ gà, sống trâu và trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông. Anh Trần Thanh Bình (người dân trú P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà) cho biết, hai vợ chồng anh làm việc ở đường Đống Đa, từ khi cầu khánh thành đã lợi được mấy cây số đi về hằng ngày. Nhưng rồi niềm vui đó chưa được bao nhiêu, giờ mỗi lần qua cầu là phải gò người để đối phó với mặt đường, gặp những hôm gió to hay có mưa thì không dám đi nữa. "Kể từ ngày vợ tôi có bầu thì dù xa một tí cũng phải chạy đường cầu Sông Hàn cho chắc. Cây cầu nghìn tỉ mà không dám đi trên đó thì đúng là chuyện khó tin. Nhưng có đi mới biết", anh Bình nói.

Chuẩn bị "tiểu phẫu" cho cầu Thuận Phước - 1

Chuẩn bị "tiểu phẫu" cho cầu Thuận Phước - 2

Chuẩn bị "tiểu phẫu" cho cầu Thuận Phước - 3

Mặt cầu Thuận Phước bị biến dạng, nứt nẻ gây nguy hiểm cho
người tham gia giao thông

Trao đổi với chúng tôi, Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Phát triển Á Châu, ông Lê Viên Mãn cho biết, khi nhà thầu tiến hành khắc phục sự cố vào năm 2010, ông đã từng cảnh báo việc xử lý cục bộ không những không mang lại kết quả mà còn khiến nó nham nhở thêm. Công nghệ SMA với chất liệu epoxy người ta nói hiện đại nhưng thực ra đã có hàng chục năm nay và nhiều nước trên thế giới đã sử dụng. Bản thân công nghệ nó rất "khó tính" nên đòi hỏi công việc thiết kế, thi công phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt. Ông Mãn nói, cầu Thuận Phước có nhịp lớn nên mặt trên của cầu ngay dưới lớp thảm được làm kiểu thép hộp trực hướng, kết cấu này sẽ hấp thụ lượng nhiệt rất lớn. Chính vì vậy, nó sẽ ảnh hưởng đến lớp mặt thảm trên cùng. Đó là nguyên nhân dẫn tới hậu quả của hôm nay. "Trước đây, cơ quan chức năng giải thích là do công nghệ quá mới nên đã ảnh hưởng đến các vết nứt cục bộ. Tôi nhắc lại là công nghệ này không mới, mà là công nghệ khó tính nên đòi hỏi việc thiết kế, thi công phải nghiêm túc. Giờ đã như vậy thì phương án lột hết bề mặt bấy lâu nay để thảm lại lớp khác là đúng", ông Mãn khẳng định.

Về kế hoạch "tiểu phẫu" cho cầu, ông Lê Văn Trung - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố cho biết, đầu tháng 7 tới, Sở cùng Ban QLDA Đầu tư XD công trình GTCC Đà Nẵng và nhà thầu sẽ tiến hành khảo sát hiện trường cụ thể để lên kế hoạch cho công tác khắc phục. Việc bóc lớp mặt cũ của cầu đã được ấn định là ngày 20-7, ngay sau khi bóc xong thì sẽ tiến hành thảm lại một lớp mới tốt hơn. Về kinh phí, ông Trung cho biết là khoảng 3 tỷ đồng, do nhà thầu chịu vì thời hạn bảo hành kéo dài đến năm 2019.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đông A (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN