Chơi chuột bạch, lợi bất cập hại
Thời gian gần đây, cứ vào khoảng 16 giờ hằng ngày, tại trước Công viên 29-3, cổng chợ Cồn, trên cầu Sông Hàn..., một số người bày bán các loại chuột bạch (thường gọi là Hamster).
“Đánh” vào tâm lý trẻ em thích các loài động vật dễ thương nên gần khu vực vui chơi của thiếu nhi chiều nào cũng có vài ba người tới bán chuột. Một phụ nữ trung niên bán chuột bạch đon đả mời chúng tôi: “Em ơi, mua đi. Dễ thương lắm, giờ đang là mốt chơi loại này đấy. Em thích con nào, chị lấy cho”.
Giá mỗi con chuột dao động từ 50 đến 80 ngàn đồng, tùy thuộc vào màu lông và giỏ đựng. Minh Phương (20 tuổi, trú P. Thanh Bình, Hải Châu) cho biết: “Bạn em có mấy đứa rủ nhau nuôi chuột bạch, giờ loại này được xem như là thú cưng đấy chị. Nó dễ nuôi nên không mất nhiều thời gian chăm sóc, mỗi ngày trước khi em đi học chỉ cần bỏ vào giỏ một số đồ ăn cho nó là được”. Còn chị Mai Thúy Hồng (38 tuổi, trú Q.Thanh Khê) nói: “Con bé nhà tôi nó thích lắm, lần nào đi qua là đòi mua nên mới mua cho nó một con. Tôi cũng chẳng biết nguồn gốc từ đâu, loài này có gây nguy hiểm gì không, chỉ thấy họ mua thì mình cũng mua”. Đa số người mua đều vì những lý do “thấy họ chơi thì mình cũng chơi”, vì thế nuôi chuột bạch đang trở thành phong trào.
Một điểm bán chuột bạch trên cầu Sông Hàn
Dọc cầu Sông Hàn, nơi hằng đêm vẫn có rất đông du khách dạo chơi, tham quan cũng có từ 2 đến 3 điểm bán chuột bạch. Một thanh niên trẻ bán hàng giới thiệu: “Loài này ăn cơm, gạo, các loại rau, củ, trái cây rất dễ nuôi. Nuôi một cặp đực cái, cho chúng ăn uống đầy đủ sẽ đẻ ra cả đàn. Chị cứ nuôi đi, không sợ bị chết đâu”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Đà Nẵng chuột bạch còn được rao bán cả trên mạng Internet. Một số trường hợp rao bán do đã “lỡ” nuôi, số lượng chuột con sinh sản quá nhanh không đủ khả năng chăm sóc nên rao bán, một số khác thì chuyên nhập vào để bán cho khách có nhu cầu mua.
Một bạn trẻ tên Ngọc rao trên trang mạng: “Mình có nuôi một cặp Hamster, được vài tháng nhưng dân số đã tăng chóng mặt. Không đủ thời gian chăm sóc hết nên bán”. Trực tiếp ra giá, Ngọc thẳng thắn: “50K (50 ngàn đồng)/ “bé” mắt đen, 100K/ “bé” mắt đỏ”. Cũng như Ngọc, một số bạn trẻ lần đầu nuôi chuột bạch đều ngạc nhiên khi chúng phát triển rất nhanh, chỉ sau vài tháng nuôi, một cặp Hamster có thể cho ra đời từ 5-7 con. Tại một trang web khác, chuột bạch được giới thiệu: “Hiện phong trào chơi chuột bạch ở TP HCM và Hà Nội khá thịnh hành. Để đáp ứng nhu cầu của bạn trẻ Đà Nẵng, chúng tôi xin cung cấp loại thú cưng này. Giao hàng tận nơi, giá mềm, tư vấn miễn phí cách nuôi...”
Do chuột là loài động vật gặm nhấm, ăn tạp nên rất dễ mang theo nguồn bệnh dịch. Đây cũng là loài vật không có lợi cho sức khỏe con người cũng như môi trường, không được khuyến cáo là vật nuôi trong nhà mà chỉ là loài động vật được nuôi để làm thí nghiệm tại một số bệnh viện, các trung tâm nghiên cứu... Trong khi đó, các loại chuột hiện nay được bày bán trên thị trường đều có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, cũng như chưa có cơ quan chức năng nào kiểm soát dịch bệnh. Vì thế, không nên nuôi chuột bạch tràn lan như hiện nay, đặc biệt hạn chế tối đa đối với trẻ em vì sức đề kháng của trẻ thấp, nếu có nguồn bệnh dịch xảy ra sẽ khó kiểm soát.