Cầu rồng phun lửa, phun nước như thế nào?

Ai cũng biết, kể từ ngày 29/3/2013, vào các tối thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, hệ thống phun lửa và phun nước tại cầu Rồng (Đà Nẵng) bắt đầu hoạt động. 2 phút phun lửa và kế tiếp là 3 phút phun nước từ con Rồng thép lớn nhất thế giới đã trở thành một điểm nhấn ấn tượng, độc đáo, hấp dẫn ở TP bên bờ sông Hàn. Nhưng, ít ai biết Rồng đã phun lửa, phun nước như thế nào...

Lửa của Rồng "trường" hơn mong muốn

Về phun lửa, lãnh đạo TP Đà Nẵng yêu cầu phải phun ngắt đoạn, tạo thành từng quầng lửa với đường kính từ 2-3 mét và đi xa từ 8-10 mét, quầng lửa phải đạt tính thẩm mỹ cao, hài hòa với cảnh quan môi trường, tuyệt đối không làm hư hại đến bề mặt và kết cấu các công trình kiến trúc. Ngọn lửa phải phun theo góc nghiêng từ 15-45 độ, hướng lên trên so với phương dọc cầu và không có tàn hoặc dầu rơi xuống. Dầu được đốt cháy hoàn toàn, tạo ra lửa và khói; tiện lợi cho việc vận hành, bảo trì, bảo dưỡng; các thiết bị phải hiện đại, an toàn tuyệt đối và hoạt động được trong các điều kiện thời tiết khác nhau...

Từ những yêu cầu trên, Cty TNHH Sản xuất- Thương mại-Dịch vụ Anh Hoàng và Cty TNHH Điện tử Philips Việt Nam đã dày công nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống phun lửa ở miệng Rồng với hệ thống thiết bị nén dầu DO/KO ở áp suất cao, điều khiển tự động, phun qua ngọn lửa mồi, tạo thành quầng lửa và do áp lực phun cùng với hiệu ứng cháy sẽ đẩy quầng lửa đi xa. Vì nén ở áp suất cao (80-120 kg/cm2), nên dầu được đốt hết 100%. Ngọn lửa có màu đỏ như ngọn lửa tự nhiên, đảm bảo tính gần gũi với cuộc sống đời thường.

Cầu rồng phun lửa, phun nước như thế nào? - 1

Kỹ sư Nguyễn Quang Huy...

Nguồn điện được lấy từ Trạm biến áp đi qua hệ thống dây dẫn chôn ngầm trong trụ cầu và mặt cầu, đến tủ điều khiển chính, dẫn qua thiết bị MCCB, đi lên tủ điều khiển phụ ở trong đầu Rồng. Khi nhấn nút ON ở tủ điều khiển chính, thiết bị phun lửa sẽ chuyển ra phía trước 1 mét, hệ thống đánh lửa cao áp và béc phun mồi hoạt động, tạo thành quầng lửa mồi, làm cho thiết bị "mắt thần" trong ống phun lửa hoạt động. Khi "mắt thần" nhận biết có lửa, thì béc phun chính hoạt động, làm cho hiệu ứng cháy mạnh lên, kết hợp với áp lực phun đẩy ngọn lửa đi xa. Do nhiên liệu nén ở áp suất cao nên khi phun ra khỏi ống phun lửa, gặp áp suất của không khí thấp hơn nhiều và chính vì áp suất thay đổi đột ngột và hiệu ứng cháy, tạo nên hiệu ứng âm thanh, làm tăng sự độc đáo, hấp dẫn. Trong thời gian 2 phút, thiết bị sẽ phun thành 3 đợt. Sau đợt phun đầu tiên, thiết bị tạm ngừng hoạt động và về vị trí chờ, đến thời điểm lập trình, thiết bị sẽ tự động mở ra phun đợt thứ hai. Tương tự, hết đợt phun thứ hai, thiết bị cũng tạm ngừng rồi tự động mở ra phun đợt thứ ba. Hết đợt phun thứ ba, thì thiết bị đóng lại hẳn...

Kỹ sư Nguyễn Quang Huy, người trực tiếp chỉ đạo phun thử đêm ngày 6-3-2013 cho biết, kết quả những lần phun thử vượt cả mong muốn. 9 quả cầu lửa đã được phun ra khỏi miệng Rồng, tạo ra hiệu ứng ánh sáng và âm thanh rất đẹp và ấn tượng. Đặc biệt, đường kính của từng quả cầu lửa ước đạt từ 3-4 mét và các quầng lửa đi xa từ 10-15 mét. Qua thử nghiệm, trong một đêm diễn, tiêu thụ lượng dầu từ 54-81 lít và tiêu hao điện khoảng 2kWh. Tổng chi phí dầu và điện trong một đêm diễn theo thời giá hiện nay từ 2-2,5 triệu đồng.

Cầu rồng phun lửa, phun nước như thế nào? - 2

...và hình ảnh Rồng phun lửa

Cũng theo kỹ sư Nguyễn Quang Huy, trong tương lai gần, hệ thống thiết bị phun lửa sẽ được cải tiến theo kiểu Rồng ngậm ngọc, khi phun, nửa phần phía trước của viên ngọc sẽ mở ra và khi phun xong, viên ngọc sẽ tự động đóng lại.

Nước Rồng cực mạnh, đẹp và... rẻ

Kỹ sư Phan Đình Phương, Tổng Giám đốc Cty CP Khoa học Công nghệ An Sinh Xanh (lô Z85 đường Trần Hưng Đạo, Đà Nẵng) là chủ sở hữu trí tuệ Công trình "Lắp đặt hệ thống phun nước ở cầu Rồng" cho biết, đây là công trình có yêu cầu kỹ thuật cao, không được phun dòng nước đặc mà phải phun nước thành luồng hơi cực mạnh và đẹp, thể hiện được khát vọng vươn xa của Đà Nẵng.

Sau khi được chỉ định thầu công trình phun nước tại cầu Rồng, kỹ sư Phương đã nghiên cứu, thiết kế và tổ chức lắp đặt hệ thống dẫn nước từ đường ống thủy cục chảy vào bồn 50m3. Tại bồn này, khí được máy nén nén vào cùng với nước, với dung lượng 325m3  khí nén và 20m3 nước. Nước và khí từ bồn chứa theo hệ thống đường ống đi lên bên trong trụ cầu và dải phân cách, vào tủ điều khiển thủy khí, qua tiếp tủ trình diễn đặt dưới cổ Rồng, tiếp tục theo hệ thống ống lên thiết bị phun nước ở miệng Rồng.

Cầu rồng phun lửa, phun nước như thế nào? - 3

Kỹ sư Phan Đình Phương...

Theo kỹ sư Phương, vận dụng định luật khí lý tưởng về tính chất 1m3 nước có thể hóa thành 1.300m3 hơi nước, ông thiết kế bồn chứa 20m3 nước và 325m3 khí nén, hóa ra hàng vạn mét khối hơi lẫn nước và phun với lưu tốc 1.944 l/s, tạo nên sự hoành tráng, đẹp mắt, tương xứng với quy mô con rồng thép dài nhất,  nặng nhất, to nhất thế giới. "Sau 15 năm nghiên cứu, tôi và các đồng sự đã phát minh ra công nghệ phun nước hóa hơi ở nhiệt độ thường với 3 ưu điểm lớn: dễ vận hành, an toàn và chi phí thấp, và cùng chung tâm nguyện tạo ra những luồng hơi nước tuyệt đẹp để góp phần làm sống động thêm cây cầu Rồng huyền thoại trên sông Hàn", kỹ sư Phương chia sẻ.

Cầu rồng phun lửa, phun nước như thế nào? - 4

 ...và hình ảnh Rồng phun nước

Kỹ sư Phan Đình Phương cũng cho biết, trong tương lai gần, sẽ đề xuất với thành phố cho thực hiện nhiều kiểu phun mới, sáng tạo và phù hợp với chủ đề âm nhạc của từng đêm diễn, nhằm tăng sức hấp dẫn đối với người xem. Song trước mắt, chế độ phun nước của Rồng vẫn vận hành như hiện tại, bởi chi phí tiết kiệm. Nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi được biết chi phí cho một đêm Rồng phun nước (tức 1 lần phun trong thời gian 3 phút) chỉ tốn khoảng 200-250 ngàn đồng theo thời giá hiện nay. Kỹ sư Phan Đình Phương giải thích: 1 lần phun (3 phút), tốn 20m3 nước và tiêu hao 40kWh điện, như vậy, rõ ràng theo giá nước và giá điện hiện tại là chưa tới 250.000 đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Văn Thơm (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN