Ảm đạm thị trường bán lẻ

Các cửa hàng kinh doanh cho rằng tình hình mua sắm chưa bao giờ ảm đạm như hiện nay.

Sức mua nhiều mặt hàng giảm  80 - 90%

Dạo quanh thị trường đồ gỗ nội thất và điện lạnh trên những phố kinh doanh Đà Nẵng tình trạng ế ẩm không bán được, khách vắng, doanh thu liên tục giảm sút, cắt giảm  nhân viên, thu hẹp cửa hàng là diễn biến chung mà hầu hết phải đối mặt. Theo ông Nguyễn Việt Cương, Giám đốc kinh doanh Cty TNHH Đài Loan (Hệ thống Siêu thị nội thất Opal Đà Nẵng), từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay tình hình chung của thị trường đồ gỗ nội thất đang ế ẩm chưa từng thấy, đặc biệt là đầu năm nay sức mua tại thị trường đã giảm mạnh tới 90% so với các năm trước. Trong chuỗi cửa hàng của Opal, từ đầu năm 2013 đến nay cả 2 siêu thị lớn trên đường 2-9 và Phan Đăng Lưu chỉ bán tổng cộng 6 khách (1 bộ bàn ghế, 1 bàn ăn và 4 cái tủ), doanh thu chưa tới 60 triệu đồng, mặc dù đã áp dụng chương trình khuyến mãi giảm giá từ 30-50%.

Chị Nhân - chủ cửa hàng nội thất T.L. trên đường Núi Thành cho biết, kinh doanh đồ nội thất đầu năm đến nay rất ế ẩm, cả ngày nhưng không có một khách, không có doanh thu nhưng vẫn phải bù lỗ tiền thuê mặt bằng, 3 tháng nay chỉ có một tháng là thu đủ bù chi còn lại là lỗ. Chị Nhân chia sẻ, từ khi thị trường bất động sản đóng băng, kinh tế khó khăn, người dân ít xây mới nhà cửa, không có người mua nên hầu như nhiều ngày không bán nổi một sản phẩm nào. Do đó, nhiều cửa hàng gỗ nội thất cũng sống thoi thóp, khiến không ít chủ kinh doanh đành phải đóng cửa bởi vốn liếng ngày càng thâm hụt nhiều, thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Ảm đạm thị trường bán lẻ - 1

Hàng thời trang mặc dù giảm giá khuyến mãi sốc nhưng vẫn không có khách

Đối với mặt hàng điện lạnh từ siêu thị cho đến các cửa hàng ngoài thị trường cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Lê Văn Nên, Giám đốc Cty điện lạnh Hoàng Linh (một địa điểm kinh doanh được cho là đẹp nhất TP Đà Nẵng) cho biết, từ năm ngoái đến nay các cửa hàng kinh doanh điện lạnh hầu hết là hòa vốn hoặc lỗ, buộc phải cắt giảm hết nhân viên. Nếu như trước đây mỗi ngày bán được 300- 400 triệu đồng thì nay mỗi ngày bán chưa tới 40 triệu đồng, không có khách, hàng tồn kho tăng cao, trong khi đó chi phí thì rất khó cắt giảm nên hầu như là hòa vốn và lỗ. Không riêng gì ở các cửa hàng ngoài, mà ngay cả siêu thị hàng điện lạnh cũng chịu chung cơn bão ế ẩm, mặc dù đã tung ra hàng loạt các chương trình khuyến mãi để cứu nguy. Đơn cử tại các siêu thị Thiên Kim, Phan Khang, Big C, Co.opMart, Chợ Lớn, Vietronimex... các chương trình khuyến mãi lớn cứ nối tiếp nhau hàng tháng trời cũng chỉ mong bán được hàng để giải phóng hàng tồn...

Riêng thị trường xe máy, đầu năm sức mua thấp, các đại lý kinh doanh xe máy thi nhau giảm giá, tung “chiêu” khuyến mãi thì thị trường xe máy vẫn hết sức ảm đạm, nhiều đại lý hoạt động cầm chừng, tồn kho tăng cao, giá giảm, thậm chí nhiều mẫu xe bán dưới giá quy định của hãng... Có thể thấy, tình hình bán buôn bán lẻ trên thị trường của một số mặt hàng đang rơi vào tình trạng ì ạch, người bán thì nhiều nhưng người mua chẳng bao nhiêu.

Trước áp lực sức mua trên thị trường lao dốc như hiện nay, lượng hàng tồn kho tăng cao, hàng loạt nhà bán buôn, bán lẻ đang rơi vào tình trạng khốn đốn đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp cần có giải pháp kích cầu để tránh giảm phát trong tương lai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Đương (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN