VN-Index chính thức thủng đáy tháng 8, “cá mập” cũng tháo chạy hàng loạt
Thị trường tiếp tục phiên thứ 4 “đẫm máu”, nhiều nhà đầu tư bắt đáy hụt có thể ôm lỗ lên tới 15 - 20%, trong khi đó xuất hiện những "cá mập" xả hàng tháo chạy.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/9, VN-Index giảm 15,24 điểm (1,32%) xuống 1.137,96 điểm và chính thức thủng đáy tháng 8. HNX-Index giảm 1,75 điểm (0,76%) xuống 229,75 điểm. UPCoM-Index giảm 0,27 điểm (0,3%) xuống 88,43 điểm.
Theo nhận định của giới chuyện môn, qua 4 phiên giảm điểm liên tiếp, VN-Index rơi gần 90 điểm. Thị trường đã và đang xuất hiện dấu hiệu bán giải chấp (call margin) ở một vài nhóm cổ phiếu dù số lượng không nhiều, áp lực bán tháo trong phiên 26/9 đã vơi bớt, nhưng tâm lý thị trường vẫn khá tiêu cực, cẩn trọng. Nhà đầu tư không vội vàng “bắt đáy” cổ phiếu. Những người đã mua vào trong 4 phiên điều chỉnh vừa qua, đến nay có thể ôm lỗ lên tới 15 - 20%.
Theo giới chuyên môn, những người đã mua vào trong 4 phiên điều chỉnh vừa qua, đến nay có thể ôm lỗ lên tới 15 - 20%
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng, sau 2 phiên bị bán vì áp lực call margin, thị trường có lẽ sẽ bình ổn dần lại (phiên hôm 26/9 lực bán trên toàn thị trường đã giảm dần cả về số lượng mã giảm và giá trị).
Quan sát, các động thái xả bán trong những phiên gần đây có sự tham gia của cả những "cá mập" dẫn đến lực bán nhanh trên diện rộng và rất quyết liệt. Vị chuyên gia cho rằng lực bán này chắc chắn không đến từ bán call margin từ công ty chứng khoán.
Báo cáo phân tích phiên lao dốc vừa qua của VN-Index, Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam cho rằng, biến động trong khoảng từ 5% đến 12% trong một chu kỳ tăng giá không phải là điều hiếm gặp.
Theo Dragon Capital, thị trường chứng khoán đang chịu áp lực từ các yếu tố vĩ mô toàn cầu, như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã báo hiệu khả năng tăng lãi suất vào tháng 11. Bên cạnh đó là những tác động từ nền kinh tế Trung Quốc khi loạt thông tin các doanh nghiệp bất động sản lớn đang rơi vào tình thế khó khăn.
Thêm vào đó, tỷ giá tăng vọt khiến tâm lý thị trường trở nên không ổn định. Cuối cùng, một số công ty chứng khoán thực hiện các biện pháp siết chặt đòn bẩy tài chính, tạo ra một đợt bán tháo mạnh mẽ trong các phiên giao dịch gần đây. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính tại một số công ty chứng khoán lớn đã giảm khoảng 11% so với đỉnh điểm. Thông thường, trong các giai đoạn điều chỉnh giảm của thị trường trong một xu hướng tăng dài hạn, tỷ lệ đòn bẩy thường phải điều chỉnh sâu hơn, có lúc lên đến 20%.
“Những tác động trên đã gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Tuy nhiên, nhà đầu tư nên giữ vững sự bình tĩnh, quan sát. Rời khỏi thị trường tại thời điểm này có thể không phải là quyết định tốt” - Dragon Capital lưu ý.
Nhận định về phiên giao dịch 27/9, các công ty chứng khoán cho rằng áp lực bán tháo chưa kết thúc, tuy nhiên nhà đầu tư không nên bán tháo hoảng loạn.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư hạn chế bán ra ở giai đoạn hiện tại và có thể ưu tiên chiến lược giảm tỉ lệ margin tại các nhịp hồi để giảm rủi ro ngắn hạn của danh mục”, Yuanta Việt Nam nhận định.
VCBS cũng đưa ra khuyến nghị: “Nhà đầu tư tạm thời quan sát thêm diễn biến thị trường và dừng giải ngân mới để chờ đợi mức biến động của thị trường giảm xuống, đồng thời có thể cân nhắc thu gọn lại danh mục với tỉ trọng cổ phiếu ở mức thấp khoảng 20%, với ưu tiên nắm giữ là các mã chưa bứt phá mạnh từ nền giá gần nhất hoặc điều chỉnh giảm thấp hơn chỉ số chung trong phiên 25/9 vừa qua”.
Nguồn: [Link nguồn]
Thị trường chứng khoán khép lại phiên đầu tuần ngập sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán có mức giảm sâu nhất thị trường khi cả 25/25 mã giảm; trong đó, có 22 mã kịch...