Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận mức lợi nhuận bán niên cao nhất trong 5 năm

Lợi nhuận sau thuế của Vingroup đạt 2.019 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024, Tập đoàn Vingroup ghi nhận doanh thu thuần đạt 43.304 tỷ đồng, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp của công ty giảm 5,1% so với cùng kì còn 8.556 tỷ đồng.

Xét về cơ cấu, doanh thu chuyển nhượng bất động sản giảm 26,4%, về mức 22.353 tỷ đồng. Cùng với đó, doanh thu cho thuê bất động sản đầu tư và cung cấp các dịch vụ liên quan cũng giảm mạnh 86,5%, còn 319,9 tỷ đồng. Doanh thu cung cấp dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí giảm còn 1.436 tỷ đồng, tương ứng giảm 34,7% so với con số 2.201 tỷ đồng của quý 2/2023.

Tuy nhiên, Vingroup ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính tăng gần gấp 2,6 lần, lên 11.177 tỷ đồng. Trong đó lãi từ thanh lý các khoản đầu tư và chuyển nhượng công ty con ghi nhận doanh thu 9.377 tỷ đồng, lãi chênh lệch tỷ giá đạt 539,3 tỷ đồng, lãi tiền gửi và cho vay đạt 1.075 tỷ đồng.

Doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận lợi nhuận khủng

Doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận lợi nhuận khủng

Doanh thu tài chính tăng vọt kéo theo lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 của Vingroup tăng 71% lên hơn 684 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt 399,9 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Vingroup đạt 65.043 tỷ đồng, giảm 24,5%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt 2.019 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận bán niên cao nhất mà tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận được trong 5 năm gần nhất.

Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản Vingroup đạt 722.259 tỷ đồng, tăng 8,2%, tương ứng tăng 55.000 tỷ so với 31 tháng 12 năm 2023.

Trên thị trường chứng khoán, phiên giao dịch 19/7, cổ phiếu VIC tăng 0,49%, đạt 40.750 đồng/cổ phiếu. Phiên tăng hôm nay đã chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp trước đó của cổ phiếu này. 

VIC là một trong top những cổ phiếu tác động tích cực lên đà tăng của chỉ số chính, giúp hạn chế phần nào đà giảm sâu khi thị trường chứng khoán hôm nay chịu áp lực bởi phiên hàng T+ trong phiên bán tháo ngày 17/7 về tài khoản. 

Đà giảm điểm của thị trường hôm nay khởi nguồn từ nhóm midcap và penny. Bên cạnh đó, cổ phiếu vốn hóa lớn cũng diễn biến kém sắc hơn về cuối phiên, tiêu biểu là POW gần chạm giá sàn, kết phiên giảm 6,3% xuống 13.300 đồng/cp.

Phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai (QCG) đã bị bán tháo ngay từ phiên sáng lên đến 2,7 triệu đơn vị, trong khi đó trắng bên mua. Điều này khiến cho giá cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai rớt hết biên độ gần 7% giá trị trong sáng nay. Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai bị bán tháo khi có thông tin cảnh sát làm việc tại nhà bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai.

Bước sang phiên chiều, khối lượng dư bán tiếp tục bị đẩy lên con số gần 4,5 triệu đơn vị. Tuy nhiên, đã có nhà đầu tư lao vào bắt đáy giúp giá cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai hồi phục, khối lượng dư mua đã xuất hiện.

Khối lượng giao dịch khớp lệnh lên đến gần 1,6 triệu đơn vị. Nhờ đó, giá cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai tăng trở lại, xoay quanh vùng giá 9.000 đồng/cổ phiếu.

Thị trường ngập sắc đỏ

Thị trường ngập sắc đỏ

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng tiêu cực hơn trong phiên chiều. VBB, BID, VPB, TCB, SHB, PGB, ABB giảm hơn 1%. Cổ phiếu của hai ông lớn VCB và CTG cũng giảm lần lượt 0,6% và 0,1% khi đóng cửa. 

Kết quả phiên giao dịch ngày 19/7, VN-Index giảm 9,66 điểm (0,76%) về 1,264,78 điểm, HNX-Index giảm 1,97 điểm (0,81%) còn 240,52 điểm, UPCoM-Index giảm 0,84 điểm (0,86%) xuống 96,78 điểm.

Thanh khoản tiếp tục tụt dốc so với hôm qua. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 20,6 nghìn tỷ đồng. Toàn sàn HoSE có 324 mã giảm giá trong khi có 126 mã tăng giá và 49 mã đứng giá tham chiếu. 

MBB là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến chỉ số chính khi mang về cho Vn-Index 0,66 điểm. Ở chiều ngược lại, GVR lấy đi của Vn-Index 1,45 điểm.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô vẫn đang tích cực, thị trường vẫn sẽ duy trì được xu hướng tăng trung hạn và những nhịp rung lắc là cơ hội để giải ngân. Vùng 1.245 điểm được kỳ vọng sẽ là điểm đỡ đáng tin cậy, duy trì xu hướng tăng ngắn hạn của thị trường.

Nhà đầu tư tăng dần tỷ trọng cổ phiếu ở vùng giá hiện tại, tập trung vào nhóm ngân hàng hoặc các cổ phiếu đầu ngành được kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II/2024 tăng trưởng tích cực như nhóm bán lẻ, thép, xuất khẩu (gỗ, dệt may).

Nguồn: [Link nguồn]

Làng này giàu lên nhờ nghề làm đồ gỗ, sản phẩm xuất khẩu ra nhiều nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kì Lân ([Tên nguồn])
Chỉ số chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN